Thứ bảy, 15/1/2022, 09h35

Cần phụ huynh “truyền lửa” cho con

Bất luận việc dạy học trực tiếp hay trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đều lo lắng về chất lượng, Thế nhưng, có một thực tế khác đáng lo ngại hơn, đó là sự thiếu đồng lòng của một số phụ huynh với nhà trường trong việc học của con. Đã nhiều lần lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các địa phương hết lòng kêu gọi phụ huynh cùng chia sẻ khó khăn, đồng cam cộng khổ với ngành giáo dục. Nhưng vẫn còn đâu đó những cha mẹ học sinh chưa chịu sẵn sàng. Trong khi các ban ngành đang nỗ lực hết sức để nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp, nhằm cải thiện chất lượng dạy học, thì còn rất nhiều phụ huynh cho thấy chưa có sự đồng lòng, hợp lực: “Thà cho con học chậm một năm còn hơn cho con đến trường lúc này”. Suy nghĩ trên không sai, vì sức khỏe là vàng mà (!). Nhưng suy nghĩ ấy có phần cực đoan, cho thấy phụ huynh chưa sẵn sàng đối diện với khó khăn chung trong việc giáo dục học sinh. Chưa nói đến những hệ lụy không nhỏ nếu suy nghĩ trên được phụ huynh biến thành hiện thực. Như tạo ra tâm lý không tốt cho con khi phải học chậm lại một năm, rồi áp lực về trường lớp, về sĩ số cho ngành giáo dục… Và nhất là khó tạo ra động lực thực sự để con mình vượt qua gian khó trong việc học.

Việc học trực tuyến sẽ còn kéo dài, nhất là với khối tiểu học. Ngoài trang thiết bị, hệ thống kết nối, cha mẹ cần hỗ trợ con những mặt sau đây: Xây dựng cho trẻ không gian học tập hợp lý; nắm vững thời khóa biểu, kế hoạch học tập ở trường; kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên việc ghi bài, làm bài tập hàng ngày của con. Trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của con. Tham gia vào các nhóm giáo viên, phụ huynh để nắm bắt, trao đổi tình hình học tập của con. Hỗ trợ con trong quá trình học, khi làm và gửi bài tập. Nếu có điều kiện, phụ huynh có thể hỗ trợ kèm cặp trực tiếp cho con khi con đang học. Phụ huynh có thể kiểm tra kết quả học tập, củng cố kiến thức của con sau khi học bằng cách vấn đáp hoặc cho thêm các bài tập đồng dạng. Kiểm soát sự tập trung của con, không để con tự ý làm việc riêng, mất trật tự, ăn uống trong tiết học. Nhắc nhở thêm về tư thế ngồi học, trang phục, cách xưng hô với giáo viên, cách nói năng với bạn bè. Không nên cho con ngồi trước màn hình, sử dụng điện thoại quá nhiều trước và cả sau tiết học. Vì như thế các em sẽ dễ mệt mỏi, mất tập trung khi vào tiết học, và không tốt cho sức khỏe nếu kéo dài.

Trẻ ngồi học trực tuyến nhiều ngày dễ gây ra hệ lụy như béo phì, suy nhược cơ thể do ít vận động. Vì vậy, phụ huynh cần cho các em tập luyện thể dục thể thao. Tiếp xúc với máy tính, điện thoại nhiều trong thời gian học trực tuyến, vậy nên phụ huynh cần cảnh giác trước những ảnh hưởng tiêu cực với trẻ khi sử dụng mạng xã hội.

Trn Nhân Trung