Thứ ba, 10/11/2020, 20h50

Cần thêm biện pháp giáo dục học sinh hòa nhập

Để giúp học sinh (HS) diện hòa nhập dễ dàng hòa nhập với môi trường giáo dục phổ thông, trường học hiện nay đã có nhiều giải pháp cải thiện tích cực. Chẳng hạn, từ những điểm yếu của người học, mỗi HS được lập một hồ sơ giáo dục riêng, với cách giáo dục và đánh giá riêng. Cụ thể, thay vì cho các em kiểm tra tập trung với HS bình thường trong trường, HS hòa nhập được kiểm tra theo đề riêng, phù hợp năng lực mỗi em. Trong Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi từ Thông tư 58/2011, có bổ sung Điều 14 về đánh giá HS hòa nhập như sau: “Đối với HS khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập, kết quả giáo dục môn học hoặc hoạt động giáo dục mà HS khuyết tật đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục chung được đánh giá như HS bình thường nhưng có phần giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập…”. Những môn mà HS hòa nhập không có khả năng đáp ứng được đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân. Việc xét lên lớp của hiệu trưởng cũng có 2 dạng: “Căn cứ vào kết quả học tập các môn học, hoạt động giáo dục… học theo chương trình giáo dục chung”, hoặc “căn cứ kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân”. Với sự sửa đổi trên, HS hòa nhập đã giảm rất nhiều áp lực, tránh được tình trạng HS phải ở lại lớp, thậm chí có nhiều em xếp loại HS tiên tiến. Tuy vậy, để việc giáo dục diện HS này đạt hiệu quả, cần lưu ý thêm các điểm sau. Đa số các em HS hòa nhập đều có khiếm khuyết về kỹ năng, nhận thức và luôn có thái độ tự ti, mặc cảm. Vì vậy mọi sinh hoạt, học tập trong nhà trường cần tránh sự phân biệt, kỳ thị giữa các em với HS chung. Nhiều trường hạn chế hết việc các em tham gia những hoạt động giáo dục chung, điều này cũng gây ra sự thiệt thòi cho các em.

Giáo dục HS hòa nhập rất khó, đòi hỏi có sự kết hợp của nhiều bộ phận trong trường, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và cả cơ quan y tế. Thực tế sự kết hợp này hiện nay còn nhiều bất cập. Vì nhà trường phổ thông quan tâm chủ yếu đến HS bình thường, nên diện HS hòa nhập dễ bị “bỏ rơi”, kế hoạch cá nhân của mỗi em cũng dễ bị hoàn thành chiếu lệ, khó đạt được mục tiêu giáo dục như mong muốn. Việc kiểm tra, đánh giá nhiều nơi vẫn chưa sát với năng lực của các em. Điều này dễ tạo ra tâm lý ỷ lại, thiếu cố gắng của bản thân các em, khiến càng lên lớp cao, lỗ hổng kiến thức các em càng lớn, càng khó được hòa nhập.

Một giáo viên lớn tuổi đang dạy một trường phổ thông có nhiều HS hòa nhập trăn trở: “Nếu thấy HS tiến bộ, thay đổi, cần phải có giải pháp kịp thời, hiệu quả để đưa các em ra khỏi diện HS này, để giúp các em tự tin trưởng thành, thoát khỏi tự ti, mặc cảm”. Ý kiến này chúng tôi thấy rất đúng, cần nghĩ tới trong việc giáo dục HS hòa nhập hiện nay.

Trn Nhân Trung