Thứ năm, 8/4/2021, 10h26

Can thiệp, hỗ trợ sớm trẻ bị xâm hại, bạo lực

Mới đây, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử một vụ án hiếp dâm mà nạn nhân là một bé gái dưới 13 tuổi. Điều đáng nói, em đã đi khám thai và sinh con tại một số cơ sở y tế nhưng vụ việc nghiêm trọng này không được phát hiện và báo đến cơ quan chức năng can thiệp.
Một phiên tòa giả định về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tổ chức tại TP Thủ Đức
Một phiên tòa giả định về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tổ chức tại TP Thủ Đức
Làm sao để phát hiện sớm?
Mãi đến khi em gái này tìm đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM để xin trợ giúp, đứa bé con em đã được 2 tuổi. Trong quá trình làm giấy khai sinh cho cháu bé để thuận lợi cho công tác bảo vệ quyền lợi cho 2 mẹ con, cán bộ tư pháp phường cũng đồng thời phát hiện ra “sự lạ”, nên tích cực phối hợp, trình báo công an để xử lý kẻ phạm tội. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - một trong 2 luật sư được Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cử trợ giúp pháp lý cho trường hợp này cho biết, việc phát hiện sớm dấu hiệu trẻ bị xâm hại là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời với sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng đến nay vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được cải thiện.
Tại một số bệnh viện phụ sản hiện nay, với những trường hợp trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại đến thăm khám, nếu đi cùng người giám hộ thì nhân viên y tế sẽ tư vấn, hướng dẫn cho người giám hộ việc trình báo, bảo vệ quyền lợi của con em mình. Trường hợp người giám hộ không muốn báo cơ quan chức năng, nếu xét thấy sự việc nghiêm trọng, phía bệnh viện cũng sẽ tìm cách để hỗ trợ, can thiệp. 
Xuất phát từ thực tế tiếp nhận, thăm khám cho nhiều trường hợp có dấu hiệu là nạn nhân của xâm hại, bạo lực tại các bệnh viện, tháng 11-2020, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TPHCM phối hợp với Sở Y tế TPHCM tham mưu triển khai thí điểm “Mô hình dịch vụ một cửa tại Bệnh viện Hùng Vương hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân khám, điều trị tại bệnh viện phát hiện bị bạo lực, xâm hại tình dục”. Một số tiêu chí của mô hình này là đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, bảo mật thông tin; môi trường thân thiện, không phán xét, không đổ lỗi cho nạn nhân.
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết mô hình này có tham khảo mô hình hỗ trợ khép kín đã chứng tỏ hiệu quả trong thực tế của Hàn Quốc. Đến nay, bệnh viện đã rất sẵn sàng. Đơn vị này cũng đang chờ các cơ quan chức năng liên quan xây dựng quy trình, cụ thể hóa các bước hỗ trợ trước khi đưa vào vận hành. 
Hỗ trợ toàn diện bằng mô hình khép kín
Theo bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, nếu thực hiện mô hình này sẽ giải quyết được vấn đề tường tận hơn. Trước nay, các trường hợp tới bệnh viện chỉ dừng lại ở mức độ giải quyết hậu quả, sàng lọc, giới thiệu, tư vấn, nhưng như vậy là không đủ. “Do vậy bệnh viện rất mong muốn phối hợp với các ngành, như công an, hội bảo vệ quyền trẻ em… để có mô hình khép kín hỗ trợ cho các trường hợp như vậy”, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nói và cho biết, việc xây dựng quy trình dự kiến sẽ thực hiện xong trong năm nay. 
Về mô hình hỗ trợ khép kín mà nhiều quốc gia đã áp dụng có hiệu quả, Th.S Lê Phương Thúy, chuyên gia về giới và phòng chống bạo lực giới, cho rằng tại Việt Nam đã có một số dịch vụ ứng phó bạo lực giới hiệu quả nhưng chưa có cơ chế liên ngành, hỗ trợ khẩn cấp phụ nữ trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Bà đề xuất ý tưởng xây dựng quy trình phối hợp liên ngành hỗ trợ khẩn cấp với sự tham gia của ngành y tế, công an, tư pháp, dịch vụ an sinh xã hội, trợ giúp pháp lý. Mô hình này sẽ cung cấp dịch vụ can thiệp khẩn cấp, khủng hoảng với các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực thể chất, bị xâm hại ở mọi lứa tuổi. Cụ thể, các nạn nhân sẽ được hỗ trợ y tế (cấp cứu, điều trị, thu thập chứng cứ...), hỗ trợ điều tra (nữ cảnh sát thu thập lời khai, mẫu vật, trợ giúp pháp lý miễn phí...), hỗ trợ tư vấn (kết nối với chính quyền, công an, dịch vụ xã hội 24/7). Ngoài ra còn hỗ trợ liên tục về tâm lý, kết nối dịch vụ an sinh xã hội. 
Chia sẻ thêm kinh nghiệm tại Philippines, Th.S Nguyễn Quốc Giang, điều phối chương trình nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, giảng viên công tác xã hội cho rằng, công tác xã hội với nạn nhân của bạo lực sẽ giúp nạn nhân phục hồi tổn thương, có năng lực ứng phó với nguy cơ bạo lực. Tăng cường năng lực cho chính cá nhân, gia đình và cộng đồng với việc ngăn ngừa, phòng chống bạo lực gia đình thông qua việc kết nối, thúc đẩy sự tham gia của các nguồn lực trong xã hội. Tại Bệnh viện Đa khoa Philippines, khi tiếp nhận người bệnh, nếu thấy có dấu hiệu của bạo lực, xâm hại dựa vào những tổn thương, quan sát và chia sẻ của người bệnh, người đi cùng, nhân viên công tác xã hội sẽ tiến hành phỏng vấn, tìm hiểu các thông tin sâu. Từ đó lập kế hoạch hỗ trợ và thực hiện để can thiệp ở các mức độ. 
Vị chuyên gia này cho rằng, sự phối hợp giữa nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội cần nhất quán trong các bước hỗ trợ người bệnh. Các nhân viên tham gia vào quá trình này đòi hỏi có kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ tốt. Những phẩm chất này theo Th.S Lê Phương Thúy là sự nhạy cảm giới, luôn thân thiện, sẵn sàng hỗ trợ… 
Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2015 đến tháng 6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, xâm hại tình dục chiếm tới 73,85%. Mới đây, Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐTB-XH phối hợp với tổ chức UN Women (Phụ nữ Liên hiệp quốc) công bố danh bạ địa chỉ của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tại 63 tỉnh thành. Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm: Cơ quan điều phối, Tư pháp, Hành pháp, Y tế và Dịch vụ xã hội.
 
MAI HOA (theo SGGP)