Thứ tư, 1/2/2023, 15h53

ChatGPT: Giáo viên vật lộn, nhiều trường cấm sử dụng

Một công nghệ mới đang thách thức các nhà giáo dục ở mọi cấp độ trên toàn thế giới.

Không thể phủ nhận rằng trí tuệ nhân tạo đang "thống trị" thế giới trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục. Phần mềm công nghệ mới phát triển gần đây - ChatGPT đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

ChatGPT được tạo bởi công ty công nghệ Open AI.

Tháng 11/2022, công ty công nghệ Open AI (Mỹ) đã phát hành phần mềm ChatGPT- một công cụ Chatbot "biết tuốt" mọi thứ.

Hình dung một cách đơn giản, nó là sự kết hợp tính năng thông minh nhất của Alexa (phần mềm trợ lý ảo phát triển bởi Amazon) và Siri (trợ lý trong hệ điều hành của Apple).

ChatGPT được hỗ trợ bởi một lượng lớn dữ liệu và kỹ thuật điện toán để xâu chuỗi các từ ngữ lại với nhau theo cách có ý nghĩa.

Công nghệ này không chỉ khai thác một lượng lớn từ vựng và thông tin, mà còn hiểu các từ trong ngữ cảnh cụ thể.

“Bạn cung cấp cho ChatGPT đầu vào và phần mềm sẽ cung cấp đầu ra cho bạn. Nếu bạn hỏi ChatGPT một câu hỏi, nó sẽ trả lời. Nếu bạn yêu cầu nó tiếp tục những gì bạn đang viết, nó sẽ thực hiện”, theo nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Andy Patel.

Ví dụ: khi ChatGPT được yêu cầu lập dàn ý cho một bài tiểu luận về lạm phát và kinh tế vĩ mô, nó sẽ đưa ra các ý gạch đầu dòng ngay lập tức. Bởi vậy, ChatGPT cực kỳ hấp dẫn đối với sinh viên.

Giáo viên "vật lộn", nhiều nơi cấm

Các nhà giáo dục hiện đang "đau đầu" trong việc đối phó với ChatGPT trong trường đại học. Chuẩn mực giáo dục về tính liêm khiết trong học thuật đang bị thách thức.

Theo một cuộc thăm dò không chính thức do The Daily thực hiện, một số lượng lớn sinh viên Mỹ đã sử dụng ChatGPT trong các kỳ thi cuối kỳ. 

Gần 1/5 sinh viên Stanford được khảo sát cho biết đã sử dụng ChatGPT.

Cụ thể, cuộc thăm dò 4.497 sinh viên Stanford cho thấy khoảng 17% người đã sử dụng ChatGPT để hỗ trợ làm bài tập và bài kiểm tra trong kỳ học mùa thu năm 2022. Phần lớn trong 17% đó cho biết chỉ sử dụng để lấy ý tưởng trong khi khoảng 5% sao chép y hệt và nộp bài.

“Sinh viên phải hoàn thành bài tập mà không sử dụng sự trợ giúp trái phép. Trong hầu hết các khóa học, các hỗ trợ không được phép bao gồm các công cụ AI như ChatGPT", theo người phát ngôn Đại học Stanford Dee Mostofi. Hội đồng tư pháp trường cũng đang giám sát các công cụ mới nổi này.

Trong khi đó, một số giáo sư đã phải vật lộn để "đại tu" các khóa học của họ nhằm đối phó với việc sinh viên sử dụng ChatGPT để hoàn thành bài tập và bài kiểm tra. Một số đã cảnh báo sinh viên rằng việc sử dụng ChatGPT là một hình thức đạo văn.

Sở giáo dục của Thành phố New York (Mỹ) đã chặn phần mềm này trên mạng lưới của mình, bởi “lo ngại về tác động tiêu cực đến việc học tập của học sinh và tính an toàn và chính xác của nội dung”.

Một số trường cao đẳng và đại học Mỹ đã đưa vấn đề công nghệ mới vào các chính sách liêm chính học thuật của trường. Đại học Washington ở St. Louis và Đại học Vermont ở Burlington đã sửa đổi chính sách, bao gồm việc cấm sử dụng các công cụ AI như ChatGPT.

Vẫn có khía cạnh tích cực

Tuy nhiên, một số nhà giáo dục cũng cho rằng việc khai thác ChatGPT là một cơ hội lớn để đưa ra các đánh giá xác thực hơn về những thách thức mà học sinh có thể gặp phải trong thế giới thực.

"Có rất nhiều khía cạnh tích cực", theo giáo sư Leonie Rowan, Giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục Đại học Griffith (Australia).

Giáo sư Rowan cho biết ChatGPT cũng có khả năng cải thiện kết quả học tập cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến đắt đỏ, hay việc thuê gia sư tốn kém.

"Nó có tiềm năng rất lớn. Đây có thể là một cơ hội để giúp đỡ, chẳng hạn như những đứa trẻ có nền tảng ngôn ngữ khác tiếng Anh, những người học về đa dạng văn hóa và ngôn ngữ hay những đứa trẻ tị nạn".

Không thể thay thế trí não con người

ChatGPT dù là "công cụ mô hình ngôn ngữ lớn" nhưng vẫn không thể nói chuyện theo cảm tính và "nghĩ" như cách của con người.

Mặc dù ChatGPT có thể giải thích vật lý lượng tử hoặc viết một bài thơ theo yêu cầu, nhưng theo các chuyên gia, việc AI "thống lĩnh và thay thế hoàn toàn con người sẽ không xảy ra".

"Về bản chất, có sự khác biệt giữa cách con người tạo ra ngôn ngữ và cách mà các mô hình ngôn ngữ lớn, kể cả ChatGPT làm điều đó," giáo sư luật Matthew Sag tại Đại học Emory (Mỹ), người nghiên cứu các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT, khẳng định.

Theo Bảo Huy/Vietnamnet