Thứ ba, 7/3/2023, 23h06

ChatGPT vào đề văn học sinh giỏi lớp 12, học sinh và giáo viên thích thú

Đề thi ngữ văn học sinh giỏi lớp 12 TP.HCM năm 2023 với chủ đề Gọi đời vào trong chữ đề cập đến các vấn đề nóng như ChatGPT, khoảng cách thế hệ, khủng hoảng bản sắc… khiến học sinh và giáo viên thích thú.


Đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn ngữ văn TP.HCM được đánh giá là ấn tượng, mới mẻ

Cụ thể, đề thi như sau:

Chủ đề: Gọi đời vào trong chữ

Cuộc sống hôm nay đặt ra nhiều vấn đề khiến con người trăn trở, suy tư. Những con chữ sẽ giúp ta bày tỏ nghĩ suy của mình trước những vấn đề thời đại.

Câu 1 (8 điểm)

(ChatGPT, Robot,...); Khủng hoảng bản sắc; Khoảng cách thế hệ; Trí tuệ nhân tạo; Thể hiện bản thân; TÔI; Hội nhập toàn cầu; Phải - trái, đúng - sai; Lựa chọn nghề nghiệp; Áp lực đồng trang lứa.

Anh/chị hãy lựa chọn một số từ ngữ ở trên, kết nối ý tưởng để tạo thành một vấn đề nghị luận mà anh/chị quan tâm. Viết bài văn bàn luận về vấn đề ấy.

Câu 2 (12 điểm)

Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh “bông hồng vàng” của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ... (Pautovsky, Bụi quý)

Chủ đề Gọi đời vào trong chữ và ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa đời và chữ?

Sau khi hoàn thành bài thi, T.M - thí sinh dự thi học sinh giỏi môn ngữ văn chia sẻ, khá ấn tượng với đề thi khi mới mẻ, độc đáo nhưng vẫn đề cập được các vấn đề nóng trong xã hội mà không xáo rỗng. “Rõ ràng, đề gắn liền với thực tế cuộc sống, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống nhưng vẫn mang chất văn chương. Khi làm bài, mỗi học sinh chúng em đều có thể nhìn thấy vấn đề của chính mình trong đó” - T.M bày tỏ.

ThS. Từ Thị Mỹ Hạnh (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Phạm Phú Thứ, quận 6)  đánh giá, câu nghị luận xã hội trong đề thi học sinh giỏi lớp 12 TP.HCM môn ngữ văn khá mới mẻ, bắt kịp với đời sống, khai thác việc các em học sinh định vị bản thân trong xã hội ngày nay khi đứng trước nhiều yếu tố.

Với yêu cầu này, mỗi học sinh đều có thể lựa chọn những yếu tố tác động mạnh mẽ đến bản thân và dùng kiến thức, kỹ năng sống để minh chứng cho điều đó. Việc định vị đúng bản thân sẽ giúp các em xác định đúng con đường mình phải bước đi trong tương lai.

Riêng với câu nghị luận văn học đòi hỏi học sinh cần có nền tảng lý luận văn học vững chắc. Học sinh kết hợp giữa lý luận văn học và việc phân tích làm rõ thông qua từng tác giả, tác phẩm, từng hình tượng văn học, chi tiết văn học để làm rõ.

“Việc đề không giới hạn tác phẩm văn chương là một lợi thế giúp các em thỏa sức thể hiện đam mê văn học” - cô Hạnh nhìn nhận.

Khá ấn tượng với đề thi học sinh giỏi lớp 12 của TP.HCM, ThS. Trần Lê Duy - giảng viên khoa ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - đánh giá, đề đã đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi thành phố. Đó là chọn lọc được những học sinh có năng khiếu, có kiến thức văn chương. Đồng thời, đề có tính giáo dục và thẩm mỹ, khơi gợi được hứng thú cho thí sinh.

Theo ThS. Duy, ưu điểm của đề là tính sáng tạo và tính vừa sức. Tính sáng tạo thể hiện trong cách ra đề lẫn phạm vi đề, hình thức ra đề mới lạ. Cả đề là một chủ đề xuyên suốt “gọi đời vào trong chữ”, cả câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều được kết nối đến chủ đề này một cách nhuần nhị, tự nhiên.

Câu nghị luận xã hội ra hình thức mở, cho phép học sinh có nhiều khoảng trống để tự do bày tỏ chính kiến, thể hiện sự sáng tạo. Đây cũng là điểm đột phá về cách ra đề nghị luận xã hội khi học sinh được quyền lựa chọn đề tài của bài viết và thể hiện chính kiến. Điều này rất phù hợp với tinh thần dạy học phát triển năng lực theo chương trình mới.

Câu nghị luận văn học cũng có độ mở về phạm vi dẫn chứng để học sinh có thể lựa chọn những tác phẩm mình thích, say mê và có “đất” để thể hiện những cảm nhận riêng, những nhận định riêng về văn chương.

“Vấn đề đặt ra là cái tôi của người trẻ. Khi kết nối từ “tôi” với các từ khóa khác, thí sinh sẽ có cơ hội được nhìn nhận quá trình định hình cái tôi của bản thân cũng như bạn bè đồng trang lứa trong các vấn đề có tính chất toàn cầu, thiết thân với các em. Đó là trí tuệ nhân tạo, thể hiện bản thân, lựa chọn nghề nghiệp, áp lực đồng trang lứa... Cách đặt vấn đề này phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 12, khi các em đang ở ngưỡng cửa trưởng thành, đang dần hoàn thiện nhận thức về bản thân và thế giới, chuẩn bị cho ngưỡng cửa cuộc đời. Khi đối diện với đề này, thí sinh có thể viết từ tâm thế người trong cuộc để trải lòng, thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình” – ThS. Trần Lê Duy phân tích.

Cũng theo ThS. Trần Lê Duy, vấn đề nghị luận văn học trong đề dù khá quen thuộc (mối quan hệ giữa đời và chữ) song cách đặt vấn đề mới mẻ, giàu sức gợi. Đề này không khó làm nhưng lại khó để viết cho hay. Muốn viết hay, học sinh cần có những đột phá, có góc nhìn mới, có những cảm thụ riêng, có cái tôi tích cực và chính kiến rõ ràng trong bài viết, đây là những yếu tố rất cần đối với học sinh giỏi môn ngữ văn.

Yến Hoa