Thứ ba, 18/2/2020, 10h12

Chế tạo máy in da cầm tay để xử lý các vết bỏng nặng

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Canada đã chế tạo thử nghiệm thành công một máy in da 3D cầm tay để xử lý các vết bỏng nặng bằng cách “in” các tế bào da trực tiếp lên vết thương.

Máy in da cầm tay 3D.
Mặc dù máy này đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng nó cung cấp một cách mới để điều trị cho những bệnh nhân bị bỏng quá rộng. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố ngày 4-2, trên tạp chí Biofovenation.
Giáo sư Axel Günther, Đại học Toronto cho biết, từ trước đến nay, để chữa trị những vết bỏng nặng, các bác sĩ phải lấy da từ một khu vực khác trên cơ thể bệnh nhân để ghép vào vùng da bị bỏng. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân bị bỏng nhiều, phá hủy cả lớp trên và lớp dưới của da, không phải lúc nào cũng có đủ làn da khỏe mạnh để sử dụng.
Trong khi đó, các phương pháp khác như sử dụng giàn giáo collagen hoặc nuôi cấy chất thay thế da trong ống nghiệm không mang lại hiệu quả. Giàn giáo collagen phải dựa vào các mô và tế bào xung quanh vết thương mới có thể chữa lành, trong khi các chất thay thế da có thể mất nhiều tuần để chuẩn bị và rất khó áp dụng thành công cho bệnh nhân khi vùng bị bỏng lớn.
Để vượt qua những thách thức này, nhóm nghiên cứu đã thiết kế một thiết bị cầm tay để đặt các tấm tiền chất trực tiếp lên các vết thương ở bất kỳ kích thước, hình dạng hoặc địa hình nào. Máy in này sử dụng mực in sinh học, kết hợp với sợi protein, tế bào gốc cùng sự phát triển của các tế bào người bệnh và hỗ trợ phản ứng miễn dịch của cơ thể. Máy in da trực tiếp lên vết thương từ con lăn mềm của thiết bị.

Thiết bị này đã được các nhà khoa học thực hiện từ năm 2018.
Tiến sĩ Marc Jeschke, Giám đốc y tế của Trung tâm bỏng Ross Tilley, Bệnh viện Sunnybrook ở Toronto, đồng tác giả cho biết: “Chúng tôi thiết kế thiết bị này không theo một mặt phẳng, cũng không được định hướng theo chiều ngang. Một trong những ưu điểm quan trọng nhất của thiết bị là nó sẽ cho phép lắng đọng đồng nhất một lớp mực in sinh học lên các bề mặt nghiêng”.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã kiểm tra xem thiết bị có thể làm điều này một cách hiệu quả hay không bằng cách sử dụng nó để điều trị bỏng dày ở lợn. Kết quả là thiết bị đã in và đặt thành công các “tấm da” lên các vết thương một cách đồng đều, an toàn và đáng tin cậy. Các tấm da được giữ nguyên vị trí chỉ với chuyển động rất nhỏ”.
Đáng kể nhất, kết quả cho thấy các vết thương được điều trị bằng phương pháp này đã lành rất tốt, giảm viêm, sẹo và co rút so với vết thương không được điều trị và vết thương được điều trị bằng giàn giáo collagen.
HT (theo khoahoc.tv)