Thứ bảy, 22/10/2022, 11h05

Chỉ 8 doanh nghiệp được đưa lao động sang châu Phi

Trước tình trạng lao động Việt Nam bị môi giới rủ rê, lôi kéo đưa đi lao động tại một số nước châu Phi, Bộ LĐ-TB-XH đã thông tin chính thức về các ngành nghề, doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động sang thị trường này.

Ngày 22.10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã thông tin về thị trường tiếp nhận lao động tại một số quốc gia thuộc châu Phi.

Theo cơ quan này, trong 2 năm qua, chỉ có 8 doanh nghiệp được chấp thuận đưa lao động sang làm việc tại 4 quốc gia ở châu Phi trong các ngành, nghề: xây dựng, thợ hàn, thợ điện, đốc công, thuyền viên…

Chỉ 8 doanh nghiệp được đưa lao động sang châu Phi - ảnh 1

Lao động Việt Nam làm việc tại châu Phi. PHONG CẦM

Cụ thể, tại Algeria với ngành nghề xây dựng, các doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng cung ứng lao động được chấp thuận gồm: Công ty CP nhân lực và thương mại Vinaconex (VINACONEXMEC), Công ty CP phát triển nhân lực và thương mại Việt Nam (VINAMEX), Công ty CP đầu tư quốc tế Vinacom Việt Nam (VINACOM), Công ty CP đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long (Thăng Long OSC), Công ty CP phát triển và xúc tiến thương mại Việt Nam (HR VINA).

Tại Cộng hòa Djibouti cũng có lao động đi làm việc trong ngành nghề xây dựng. Doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng cung ứng lao động được chấp thuận là Công ty CP quốc tế VXT.

Tại Cameroon có ngành nghề thợ hàn, thợ điện và đốc công. Doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng cung ứng lao động được chấp thuận là Công ty TNHH một thành viên cung ứng nhân lực và dịch vụ VN Steel (VMSC).

Tại Cộng hòa Seychelles có lao động ngành nghề thuyền viên. Doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng cung ứng lao động được chấp thuận: Công ty CP vận tải và đầu tư thương mại An Thái (ATACOO).

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả, tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, người lao động cần trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hợp đồng được Cục thẩm định cho phép tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến công việc sẽ làm ở nước ngoài, yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ cũng như các khoản chi phí phải nộp để đi làm việc ở nước ngoài đối với từng nước, từng ngành, nghề và công việc cụ thể.

Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài, người lao động cần làm thủ tục đăng ký hợp đồng tại Sở LĐ-TB-XH tại địa phương nơi cư trú để đảm bảo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, tránh trường hợp bị lừa đảo.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo và đề nghị người lao động thông tin về các tổ chức, cá nhân tuyển lao động đi làm việc tại châu Phi ngoài những thị trường và doanh nghiệp dịch vụ nêu trên để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Người lao động có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 02438249517 (máy lẻ 301, 302 

Theo Thu Hằng/TNO