Thứ tư, 25/3/2020, 10h10

Chiến dịch Giờ Trái đất 2020: Tiếp nối nhiệt huyết yêu môi trường trong cộng đồng

Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 được xác định tổ chức ngày 28-3. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng và diễn biến phức tạp, hơn 200 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã chuyển các hình thức hoạt động bảo vệ môi trường trực tiếp sang online và phát huy khả năng của mỗi cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường tại khu vực địa phương mình sinh sống. 
Trải nghiệm sống xanh được các bạn tình nguyện viên Chiến dịch Giờ Trái đất thực hiện
Nhiều thông điệp và hành động
Bà Lý Việt Trung, Phó tổng biên tập Báo SGGP, Trưởng ban chỉ đạo Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam, cho biết, từ năm 2010 đến nay, Chiến dịch Giờ Trái đất do Báo SGGP chủ trì tổ chức không chỉ gói gọn trong hoạt động kêu gọi cộng đồng thực hiện tiết kiệm năng lượng mà mở rộng sang triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu phát thải khí gây biến đổi khí hậu; tăng cường mảng xanh; cải thiện chất lượng nguồn nước và không khí, giảm thiểu sử dụng nhựa, tăng khả năng tái chế rác thải nhựa, hỗ trợ giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường lên những cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương... Đặc biệt, ban tổ chức tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng tăng cường nhận diện sản phẩm thân thiện môi trường và sản phẩm của các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cải thiện môi trường cho cộng đồng. Từ đó, xây dựng thói quen tiêu dùng có lợi cho môi trường sống. 
Bạn Nguyễn Thanh Hoa, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ, là tình nguyện viên năm thứ 2 của Chiến dịch Giờ Trái đất, em cũng như nhiều bạn sinh viên rất vui và tự hào vì đã đóng góp một phần sức mình vào dự án cải thiện môi trường. Em tham gia dự án Khu phố xanh với mục đích vận động người dân hiểu rõ tầm quan trọng cũng như xây dựng thói quen thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom. Đội ngũ tình nguyện viên đã làm việc ròng rã hơn một tháng để khảo sát thói quen sinh hoạt của người dân. Trên cơ sở đó, xây dựng lịch trình thu gom cũng như bỏ rác thải phù hợp với cộng đồng dân cư. Cuối cùng là vận động người dân thiết lập thói quen phân loại rác và bỏ rác trước cửa nhà đúng thời gian quy định. 
Khác với dự án Khu phố xanh, các bạn tình nguyện viên thuộc dự án Kết nối xanh lại triển khai các hoạt động chủ yếu trên nền tảng online. Các bạn có nhiệm vụ chuyển tải những hành động đẹp về bảo vệ môi trường của các bạn tình nguyện viên thuộc các dự án khác đến với đông đảo cộng đồng dân cư trên cả nước và thế giới. Mặt khác, thông qua các thông điệp chuyển tải, vận động thêm ngày càng nhiều người dân tự nguyện tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Bạn Lý Thị Tú Như, sinh viên Trường Đại học Văn Lang, hồ hởi nói, nhiều bạn cho rằng đây là dự án “ngồi phòng lạnh”, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Để tạo ra được những hình ảnh, những video clip đẹp, có đủ khả năng khuyến khích các bạn trẻ tham gia bảo vệ môi trường, các bạn tình nguyện viên dự án phải bám sát và ghi lại hình ảnh hoạt động của nhiều dự án khác trong chiến dịch. Sau đó, dựng lại thành các phim ngắn và cuối cùng là phải đẩy được thông tin đến nhiều bạn trẻ nhất thông qua hình thức “like” “view” và “share” trên phương tiện truyền thông online. 
Phát huy khả năng cá nhân
Những dự án được ban tổ chức chiến dịch đã và đang thực hiện trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất qua các năm phải kể đến như: Chuyển động xanh, Cộng đồng xanh, Điểm đến xanh, Kết nối xanh, Hành động vì khí sạch và nước sạch, Trường học sinh thái, Khu phố xanh… Việc tổ chức thực hiện những dự án này góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, để mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn nữa hành động thiết thực nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, hình thức hoạt động của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 có nhiều thay đổi. Theo đó, khuyến khích các tình nguyện viên thực hiện bảo vệ môi trường tại khu vực mình sinh sống, thực hiện hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường trên online, tránh tụ tập đông người. Những hoạt động của các tình nguyện viên cũng sẽ được khuyến khích ghi hình và chuyển về để ban tổ chức tổng hợp, xây dựng thành những video clip chung để cùng chia sẻ, kêu gọi cộng đồng tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung cùng chung tay bảo vệ môi trường. 
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường đã và đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, thống kê từ Bộ TN-MT cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam thải bỏ ra môi trường khoảng 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Việt Nam cũng được ghi nhận là tốp đầu những nước sử dụng và thải bỏ nhựa lớn nhất thế giới. Thời gian qua, nhiều bộ ngành địa phương đã rất quyết liệt trong việc cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu sử dụng nhựa, nhưng thiết nghĩ để có thể giảm thiểu lượng rác thải phát sinh nói chung, vẫn phải bắt đầu từ thói quen tiêu dùng của người dân. Do đó, những chiến dịch có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng như Chiến dịch Giờ Trái đất rất cần thiết duy trì.
Có thể nói, ban tổ chức đã và đang nỗ lực duy trì thực hiện chiến dịch trên nhằm từng bước xây dựng cộng đồng bảo vệ môi trường ngày càng đông đảo. Riêng sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 diễn ra 20 giờ ngày 28-3, ban tổ chức sẽ thực hiện livestream trên Page Giờ Trái đất Việt Nam và thông tin trên SGGP Online. “Kỳ vọng với sự chung tay của các tình nguyện viên chiến dịch, cộng đồng người dân yêu môi trường và đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp như Công ty CP B.O.O Nước Thủ Đức, Công ty CP Đầu tư Nước Tân Hiệp… sẽ lan tỏa mạnh mẽ hành động bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng”, bà Lý Việt Trung nhấn mạnh.
ÁI VÂN (theo SGGP)