Thứ hai, 23/1/2017, 16h24

Chở nhau qua cầu Mỹ Thuận

Chiều 30 Tết, anh gọi điện cho tôi. Quả thật đó là điều bất ngờ, vì bình thường thì tôi chỉ gọi điện cho anh, và họa hoằn lắm mới thấy anh nhấc máy, đôi khi anh chỉ trả lời bằng một tin nhắn cụt lủn: “Thầy đang bận. Có chuyện gì không”? Tôi ngạc nhiên khi chuông điện thoại của mình hiện lên một tên quen, một số điện thoại quen. Mà trong tất cả các số điện thoại tôi lưu trong máy, chỉ có số điện thoại của anh là tôi thuộc lòng. Có thể giải thích là khi mình yêu một người nào đó, thì nhớ số điện thoại của người đó như thuộc từng tính tình của người đó là chuyện thường tình.

- Mùng ba Tết Nhẫn có rảnh không? - Anh hỏi như thế, và tất nhiên tôi trả lời cũng rất mau chóng:

- Em rảnh, có chuyện gì không thầy?

- Mùng ba Tết mình đi Vĩnh Long thăm nhà thầy được không?

- Dạ.

Chỉ bấy nhiêu thôi mà lòng tôi xôn xao, như thể tôi vừa phát minh ra một điều gì đó kỳ diệu. Anh hẹn sẽ tới nhà tôi, đón tôi bằng xe máy.

Vào ngày 21 tháng 5 năm 2000, cầu Mỹ Thuận bắc đầu đưa vào hoạt động, tôi mơ được đi qua cầu với một người đàn ông tôi yêu. Cầu Mỹ Thuận là một cây cầu được xây dựng bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu nằm cách TP.HCM 125km về hướng Tây Nam, trên quốc lộ 1A. Đó là thông tin mà mọi người đều biết, để thôi khỏi chen nhau qua những con phà, để nhìn những dề lục bình trôi bập bềnh, và để khỏi nôn nao khi biết người bên kia phà mà mình ở bên này phà. Nhưng đã bao nhiêu năm nay rồi, tôi cũng đã từng qua đó, nhưng chủ yếu là đi trên những chuyến xe có đông người. Xe lướt qua, xe không dừng lại. Tôi nhủ nếu người đàn ông nào chở tôi đi, tôi sẽ bảo anh dừng lại ở giữa cầu, dừng lại một chút xíu thôi.

Để rồi anh xuất hiện. Trong các câu chuyện tình tất nhiên đều phải có hai nhân vật chính là nam và nữ. Tôi và anh đã gặp nhau như thể anh là cực Bắc nam châm, tôi ngay tức khắc bị hút vào, tôi chẳng cần toan tính tự hỏi như rất nhiều cô gái đã hỏi: ảnh đẹp trai không? Ảnh làm giám đốc hay nhân viên? Ảnh giàu không? Ảnh có ô tô riêng không? Ảnh có nhà riêng không? Anh xuất hiện trong giờ giảng đầu năm của lớp học về tâm lý của tôi. Chẳng qua là tôi quyết định đi học bằng đại học thứ hai về tâm lý, vì tôi đang làm việc cho một công ty nước ngoài chuyên đi nghiên cứu về đời sống người dân ở vùng sâu vùng xa, nói chính xác hơn đó là một công ty đa quốc gia chuyên làm công tác xã hội.

Trong lóa nắng của buổi sáng Sài Gòn, anh mặc chiếc áo chemise vàng kẻ sọc trắng, anh nhìn xuống lớp, và đôi mắt anh chạm vào đôi mắt tôi. Tôi có cảm giác như anh là tình yêu của tôi từ kiếp trước bỗng dưng xuất hiện, bỗng dưng chói lòa. Tôi đã si mê anh từ cái nhìn đầu tiên. Từ đó, tôi không bỏ một tiết dạy nào của anh, thậm chí tôi còn xem lịch giảng dạy của anh ở những lớp học khác, để chỉ tới đó dự thính và ngắm nhìn anh. Tôi đi tìm tiểu sử của anh như đi tìm tiểu sử của một diễn viên điện ảnh, để tôi biết rằng anh chỉ hơn tôi 7 tuổi, hiện vẫn đang sống một mình và có nhà ở quận 4. Tôi còn biết rõ anh thích cà phê sáng ở quán nhỏ tên Thủy Trúc gần trường, buổi trưa hoặc chiều hay ăn cơm ở quán Phượng. Tôi còn biết anh hay ngồi chỗ nào, món ăn anh thích… Nói chung là tôi có một bản lý lịch chi tiết về anh, như thể tôi là một thám tử chuyên nghiệp. Điều hơi lạ là tại sao một anh chàng đẹp trai, tài hoa và giỏi giang như anh đã 32 tuổi lại chưa hề có một mối tình nào trong cuộc đời. Trong khi đó, ngay khi lần đầu gặp anh, tôi nhủ là chắc chắn bên cạnh anh phải có một người con gái nào đó, và khi yêu anh, tôi chắc phải khó nhọc để níu anh về phía tôi, hoặc có thể tôi sẽ thất bại vì anh và người con gái đó đã có một mối tình sâu đậm.

Sau ba tháng trời theo dõi anh, tôi quyết định tỏ tình với anh. Dù sao thì tôi dễ dàng có số điện thoại của anh không khó khăn gì, nhưng để anh biết số điện thoại của tôi lại là chuyện khác. Tôi lên mạng tìm hiểu về cách mà một người con gái có thể làm cho người con trai hiểu rằng mình yêu anh ta như thế nào, và tôi đã không học được một điều gì. Rồi buổi chiều hôm ấy, tôi đi xe buýt tới trường, đến khi tan học, tôi đợi anh dắt xe ra cổng, tôi nói: “Thầy ơi, thầy cho em quá giang một đoạn”. Anh nhìn tôi, và anh đồng ý. Ngồi sau lưng anh dẫu chỉ đi qua vài con phố, lòng tôi đã rộn ràng.

Anh là một thầy giáo giỏi, anh ăn nói rất hay, còn tôi chỉ là học trò, dù chỉ một khoảng cách nữa thôi tôi và anh sẽ trở thành đồng nghiệp. Nhưng sao tôi thấy bóng của anh bao trùm khắp, dẫu buổi tối tôi nhắn tin cho anh: “Em chúc Thầy ngủ ngon”. Dẫu buổi sáng tôi nhắn tin cho anh: “Em chào Thầy buổi sáng”. Họa hoằn lắm anh mới trả lời tôi một tin nhắn rất khô khốc: “Thầy cám ơn em”. Anh chẳng chúc tôi ngủ ngon.

Tôi thường xuyên tới chỗ anh cà phê sáng, lâu lâu giả vờ tới bàn của anh hỏi bài vở, rồi giả vờ trả tiền ly cà phê cho anh như một cách đáp lễ. Lúc đó anh cười, nụ cười anh đẹp làm sao. Tôi có khi đợi anh ở chỗ anh thường đến, đôi khi chỉ để chạm vào anh như một người vô tình lướt qua một người, như thế là hạnh phúc.

Tôi và anh như thế lần lần quen nhau, nhưng vẫn chỉ là quen nhau như cô học trò với thầy dạy học của mình. Giờ thì cà phê chung, thỉnh thoảng đi ăn sáng, để biết món ăn duy nhất anh thích là phở bò tái, ngoài ra anh không ăn món gì khác. Đôi khi tôi hỏi: “Thầy ơi, tiêu chuẩn của người con gái thầy yêu như thế nào”? Anh nhìn tôi: “Khi nào thầy chở người đó qua cầu Mỹ Thuận”.

Nhà ba mẹ anh ở Vĩnh Long, ẩn dụ anh chở cô gái đó qua cầu Mỹ Thuận mãi sau này tôi mới hiểu. Còn khi anh trả lời cầu Mỹ Thuận thật đẹp, nó giống như một tác phẩm kiến trúc vĩ đại bắc qua sông Tiền. Tôi tự nhủ nếu chưa có chiếc cầu này, chắc anh sẽ nói: “Khi nào anh đưa người đó qua phà Mỹ Thuận”.

 Anh đón tôi từ sáng sớm. Sáng Tết Sài Gòn vắng tanh khác với ngày thường lúc nào cũng nghẹt xe cộ. Mọi người đã về quê ăn Tết, còn anh thì rủ tôi về nhà anh ăn Tết. Buổi sáng Sài Gòn mềm và thơm mùi lá cây, cái mùi mà bấy lâu nay tôi không nghe được. Thế là tôi và anh làm cuộc hành trình dài 125km, để tôi tự nhủ, cái khoảng cách ấy gần hay xa cho một cuộc tình? Vì nếu thích, anh có thể cùng tôi leo lên một chuyến xe đò, để nghe âm thanh đập cửa của người lơ xe: “Ai Mỹ Tho, ai Vĩnh Long… hông”? Để nhìn những người bán hàng dạo cứ với tay qua cửa kính mời chào mua bánh mì, mua trái cây… nói chung là mua thứ gì mà họ muốn bán. Nhưng anh đã chọn cách chở tôi đi.

Xe ra giữa cầu, tôi ôm chặt lấy anh như một phản xạ tự nhiên. Cây cầu dài một cây số rưỡi ấy bạt ngàn gió, và trong tôi cũng bạt ngàn vui. Rồi anh dừng xe lại ở giữa cầu. Anh nói: “Em có biết tại sao anh chở em bằng xe máy mà không đi ô tô không? Em thích ngắm sông Tiền ở giữa cầu phải không? Cứ ngồi mà ngắm một tí nhé”. Thì ra anh đâu vô tình, tôi đã từng kẹp một mảnh giấy nhỏ trong cuốn sách mà anh cho tôi mượn: “Em thích được anh chở em qua cầu Mỹ Thuận. Khi đó anh cho em dừng lại giữa cầu tí xíu”. Tôi tưởng anh không đọc nó, hoặc anh đã xé vì cách yêu khờ khạo của tôi. Tôi đưa mắt nhìn dòng sông đang vào mùa xuân, vẫn cuộn trôi và vô cùng rộng lớn. Anh thì thầm: “Khi không có ai thì đừng kêu anh bằng thầy nghe chưa?”. Tôi: “Dạ”. Anh dịu dàng đưa bàn tay mình nắm lấy bàn tay tôi, anh nói nhỏ, tiếng anh lồng lộng trong gió: “Mẹ anh bảo, năm nay anh không được về ăn Tết một mình”. Tôi biết mình đang nhận lấy ở mùa xuân này một tình yêu.

Khuê Việt Trường