Thứ ba, 12/5/2020, 19h50

Chọn học nhóm ngành ngôn ngữ như thế nào?

Các chuyên gia tư vn trong chương trình

Ngôn ngữ là chìa khóa mở ra thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp, nhưng để theo được nhóm ngành này, bên cạnh tố chất cốt lõi thì người học cần phải có quyết tâm và mục tiêu rõ ràng.

Đó là lời khuyên của các chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến STEP UP YOUR FUTURE năm 2020 với chủ đề “Nhu cầu nhân lực nhóm ngành ngôn ngữ”. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).

Khẳng định vai trò của ngôn ngữ là phương tiện cho giá trị sống, năng lực ngôn ngữ là nền tảng giải quyết các vấn đề, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho rằng để chọn được một ngôn ngữ phù hợp, người học cần trả lời được các câu hỏi sau: Mục tiêu học ngôn ngữ của mình là gì? Làm phiên dịch viên, hướng dẫn viên hay dịch thuật, giảng dạy... Năng lực ngôn ngữ của mình là gì? Mình thích hợp học ngôn ngữ nào? “Để kiểm tra năng lực ngôn ngữ, các em có thể học thử xem bản thân phù hợp với ngôn ngữ nào. Một yếu tố nữa là điều kiện tài chính, cần tham chiếu ba mẹ, thầy cô, bạn bè để đưa ra quyết định đúng đắn nhất”, bà Thảo nói. Chia sẻ về “tố chất cốt lõi” để học nhóm ngành ngôn ngữ, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Truyền thông, UEF) nhận định, khi lựa chọn học ngành ngôn ngữ, người học phải có trí nhớ tốt, khả năng phát âm chuẩn, dễ dàng hội nhập văn hóa, tư duy hướng ngoại và đặc biệt là kiên trì nhẫn nại. Bên cạnh đó, khi học ngôn ngữ để ứng dụng cụ thể vào từng ngành nghề thì cần thêm những tố chất khác nhau. Theo đó, các em có thể sử dụng công cụ trắc nghiệm, tham khảo ý kiến ba mẹ, thầy cô, quan sát ngôn ngữ xung quanh mình để làm kênh tham chiếu xác định năng lực, phẩm chất cá nhân phù hợp với ngôn ngữ nào, qua đó chọn được bậc học phù hợp vừa sức. Năm 2020, UEF tuyển sinh đào tạo 4 ngôn ngữ là Anh, Nhật, Hàn và Trung với các chuyên ngành: Kinh tế thương mại; biên phiên dịch du lịch; giảng dạy. Ở tất cả các ngôn ngữ, sinh viên có nhiều cơ hội học tập tại nước ngoài thông qua mô hình liên kết.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Lê Ngô Bảo Sang (CEO Công ty Galatek Limied) đánh giá, khi có thêm một ngôn ngữ mới sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt. Tuy nhiên, để hiệu quả thì khi học một ngôn ngữ mới, người học cần xác định được mục đích của mình. “Vậy chọn học ngôn ngữ gì thì phù hợp? Ở đây các em nên theo dõi trên thị trường lao động xem thị trường đang thịnh hành ngôn ngữ nào. Và khi học ngôn ngữ, chỉ giao tiếp thôi thì chưa đủ mà phải hiểu được văn hóa của nước đó. Để học được bất cứ ngôn ngữ nào, các em phải kiên trì, học mỗi ngày, nghe mỗi ngày”, ông Sang chia sẻ.

Trong câu chuyện học ngoại ngữ ở trường phổ thông, cô Kim Nguyễn Quỳnh Giao (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Q.8, TP.HCM) đưa ra lời khuyên: Học sinh phải ý thức rằng học ngoại ngữ không phải chỉ để thi cử. Các em phải xây dựng được mục tiêu học tập, mục tiêu ngành nghề của mình gắn với ngoại ngữ để làm động lực học tập.

Bài, ảnh: Q.Long