Thứ năm, 8/4/2021, 10h13

Chọn sách giáo khoa mới: Giáo viên đề xuất, UBND tỉnh quyết

Quy trình chọn SGK cho năm học 2021 - 2022 áp dụng theo quy định mới, do vậy có nhiều công đoạn hơn. Giáo viên nhận xét, đề xuất, sau nhiều công đoạn, cuối cùng việc quyết định chọn sách nào thuộc về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Giáo viên tại TP.HCM tham gia hội thảo chọn sách giáo khoa lớp 2   /// ẢNH: Đ.N.T
Giáo viên tại TP.HCM tham gia hội thảo chọn sách giáo khoa lớp 2. ẢNH: Đ.N.T
Giáo viên nhận xét: Người nghiêm túc, người đối phó
So với sách giáo khoa (SGK) lớp 1, điểm mới trong quy trình thẩm định, lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 là Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi giáo viên (GV) phải có bản nhận xét về các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Mục đích của việc làm này, theo lãnh đạo Bộ, ngoài đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nếu GV phát hiện sách có nội dung chưa phù hợp thì báo ngay tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng; lãnh đạo trường phải báo ngay với phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT để kịp thời báo cáo về Bộ điều chỉnh trước khi năm học bắt đầu.
Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh những GV thực sự nghiêm túc trong công việc này, không ít người nhận xét mang tính đối phó. Thời điểm đầu tháng 3 vừa qua, trên một số diễn đàn dành cho GV, nhiều người lên “xin” bản nhận xét SGK của đồng nghiệp để sao chép, đỡ mất công nghiên cứu mà vẫn “hoàn thành nhiệm vụ” cấp trên giao.
Một GV dạy lớp 2 cho hay, GV tiểu học dạy nhiều môn nên phải nhận xét tất cả các môn, mỗi môn lại có 3 bộ sách khác nhau. Trong khi đó, thời điểm yêu cầu nhận xét SGK thì sách chưa được in ra mà chỉ có bản PDF, GV phải đọc trên máy. Đọc từng bài thì không sao nhưng đọc hết cuốn nọ đến cuốn kia để nhận xét quả là một thách thức. Hơn nữa, đây cũng không phải là thời điểm nghỉ hè nên ngoài giờ dạy, GV còn rất nhiều việc chuyên môn khác như chấm bài, soạn bài nữa.
Chưa kể, nắm bắt được nhu cầu cần “bản mẫu” nhận xét của GV, có những website đưa lên nhận xét từng môn của từng bộ sách khá chi tiết để nếu cần, GV có thể tải xuống sử dụng ngay. Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Tây Hồ (Hà Nội) cho biết ông phải “cảnh báo” GV của trường mình “tuyệt đối không sử dụng những bản mẫu nhận xét này”, vì việc xã hội hóa SGK nên nhiều bộ sách khác nhau có thể có những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh. Những “bản mẫu” nhận xét sách đã cho thấy có hiện tượng nêu ra hàng loạt ưu điểm của bộ SGK A nhưng với bộ SGK B thì phần nhiều là hạn chế, nhược điểm.
“Nếu GV không đọc SGK mà cứ sao chép các lời nhận xét ấy để gửi cơ quan chức năng thì sẽ dễ dẫn tới nhiễu loạn thông tin”, vị hiệu trưởng này nói.
Địa phương chọn SGK theo tiêu chí nào ?
Tại các buổi kiểm tra về việc chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở một số địa phương thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lựa chọn sách khác với năm trước là từng trường được quyền quyết định danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục của mình, còn từ năm 2021, quyết định lựa chọn sách thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Chọn lại hay giữ nguyên SGK lớp 1 ?
Việc thực hiện SGK lớp 1 theo chương trình mới đã có nhiều lùm xùm, ảnh hưởng không nhỏ tới việc chọn SGK của năm nay. Khi những ồn ào chưa dứt về sai sót trong sách tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều thì dư luận lại bất ngờ về 2 bộ của NXB Giáo dục VN “biến mất” ở lớp 2. Các nhà trường, địa phương đã chọn những sách lớp 1 “có sạn” hoặc sẽ chỉ tồn tại duy nhất ở lớp 1 mà không có lớp 2 không tránh khỏi băn khoăn với câu hỏi lớn: có nên tiếp tục sử dụng SGK này hay chọn lại?
Xung quanh vấn đề này, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Theo nguyên lý quản lý chương trình về mặt chuyên môn thì lớp 1 học sinh học SGK này, lên lớp 2 học SGK khác vẫn không ảnh hưởng gì. Bản thân GV khi dạy SGK mà nhà trường lựa chọn vẫn có quyền sử dụng của nhiều bộ khác để xây dựng thành kế hoạch bài giảng riêng, phù hợp với học sinh”.
Dù thay đổi thẩm quyền quyết định nhưng ông Độ khẳng định từng trường, từng GV vẫn phát huy được vai trò, chính kiến trong hoạt động lựa chọn sách.
Quy trình lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 của các địa phương được thực hiện trước hết dựa trên cơ sở đề xuất của chính GV các nhà trường. Theo đó, tổ chuyên môn của các cơ sở giáo dục đã tổ chức cho GV nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học; báo cáo người đứng đầu nhà trường danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất. Các trường đã tổ chức cuộc họp với các thành phần theo quy định, trong đó có cả đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học; báo cáo về phòng GD-ĐT. Các phòng GD-ĐT tổng hợp báo cáo sở GD-ĐT danh mục sách được các nhà trường đề xuất lựa chọn.
Trên cơ sở danh mục SGK do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất, hội đồng lựa chọn sách cấp tỉnh tổ chức họp, thảo luận, đánh giá mỗi SGK theo các tiêu chí được UBND tỉnh ban hành, bỏ phiếu và lựa chọn được sách cho mỗi môn học. Mỗi bộ môn sẽ có một hội đồng riêng, thành viên hội đồng lựa chọn cấp tỉnh được yêu cầu là những người có năng lực, kinh nghiệm dạy học và quản lý. Trong đó, 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn, GV trực tiếp đứng lớp và có đại diện cho từng địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Kết quả lựa chọn của các hội đồng được chuyển giao cho sở GD-ĐT để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Theo quy định, sách được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có sách nào đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.
Trước khi tiến hành chọn, UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chí chọn sách để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương mình.
Ghi nhận thực tế cho thấy tiêu chí chọn SGK của các địa phương dù 2 hay 3, 4 tiêu chí thì đều na ná nhau về mặt nội dung và giống với tiêu chí khung của Bộ GD-ĐT.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO