Thứ bảy, 12/11/2022, 10h21

Chứng chỉ đầu tiên được cấp phép thi trở lại sau 2 ngày thông báo bị dừng

Chứng chỉ tiếng Anh Aptis của Hội đồng Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp phép cho thi trở lại, hai ngày sau khi tổ chức này thông báo hoãn các kỳ thi IELTS và Aptis kể từ ngày 11/11.

Sáng 11/11, Bộ GD&ĐT phê duyệt cho 5 công ty liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis với Hội đồng Anh trong 5 năm.

Theo đó, 5 công ty gồm Công ty TNHH Bristish Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông Giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển Giáo dục thời đại.

Địa điểm tổ chức thi là Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và TP HCM. Chứng chỉ được cấp là Aptis ESOL International Certificate.

Chứng chỉ đầu tiên được cấp phép thi trở lại sau 2 ngày thông báo bị dừng ảnh 1

Chứng chỉ tiếng Anh Aptis của Hội đồng Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp phép cho thi trở lại.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các bên tuân thủ pháp luật, những cam kết, kế hoạch đảm bảo các điều kiện về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ và Thông tư số 11 của Bộ hôm 26/7/2022.

Đề thi, quy trình đăng ký dự thi, tổ chức thi, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc đảm bảo an ninh, bảo mật; đội ngũ của các bên thực hiện theo quy định của Hội đồng Anh (Anh) và pháp luật. Lệ phí thi và các lệ phí khác (nếu có) thực hiện theo quy định.

Cùng với IELTS, Aptis là chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh của Hội đồng Anh, đã được tổ chức này thông báo dừng thi trên toàn quốc từ tối 9/11.

Trước thông tin gây sốc khi hai đơn vị sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam bao gồm Hội đồng Anh (British Council) và IDP đều đã thông báo tạm hoãn các kỳ thi IELTS cho đến khi có thông tin mới, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã đưa ra những lí giải về vấn đề này.

“Hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng”- ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng, để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.

Như vậy, các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định nêu trên. Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 86/2018 là 20 ngày). Sau khi phê duyệt, Bộ GDĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát.

Theo Đỗ Hợp/TPO