Thứ ba, 14/1/2020, 09h46

Chuyến xe chiều cuối năm

Ai chán cảnh bến xe chứ riêng tôi thì khác, bởi có hỗn tạp, bát nháo thế nào nhưng ở đó tình cờ tôi nghe giọng Nẫu; ở đó - nơi tôi bắt đầu cuộc sống mới và cũng là nơi để tôi trở về…

Lang bạt nhiều nơi, đi và đến nhiều bến xe nhưng tôi thích cảnh bến xe liên tỉnh thời thị xã Tuy Hòa chưa lên thành phố. Cái ồn ào ở bến xe thị xã ngày giáp Tết cuối những năm 90 dễ chịu lắm chứ không như bến xe liên tỉnh bây giờ. Ngày đó, trong bến chủ yếu là xe lam ba bánh (Lambro) vừa chở khách vừa cõng hàng về các huyện, ngược lại là những chuyến đầy cây trái, tôm cá từ các huyện miền núi, miền biển về chợ tỉnh. Tôi không rời mắt những chuyến xe chở đầy bông lay ơn, vạn thọ, cúc… đủ màu sắc từ làng hoa Ngọc Lãng chầm chậm vào bến phân phối cho các thương lái của chợ thị cách đó vài bước chân.

Quê nội, quê ngoại tôi đều ở thị xã, chỉ là khác phường. Ngày hè, dù vất vả thế nào chúng tôi cũng được ba má cho vào thị xã thăm ông bà, cô, dì chú, bác ít nhất một tuần. Những ngày cuối năm, ba má bận thì anh em tôi có nhiệm vụ mang rượu, bánh tét, thịt heo… vào cho người thân. Khi về, ngoại thường gọi xe xích lô trong xóm đưa tôi ra bến xe, có khi ngoại xin cho tôi ngồi ké trước xe lam chở cá từ cảng ra chợ rồi đi bộ sang bến. Từ bến xe ra có nhiều điểm đón khách nhưng người ta thường vào bến hơn bởi đi xe nào quen xe ấy, hơn nữa khỏi phải kỳ kèo giá cả.

Thị xã bé nhỏ với những con đường rợp bóng cây, phố vắng người thưa cùng âm thanh giòn tan là lạ của động cơ xe lam lúc bấy giờ cho tôi nhiều cảm xúc. Tiếc là…

Rồi những năm sau đó, hầu như xe lam không còn sử dụng để chở khách nữa bởi đã có các loại xe khác chạy kinh tế hơn nhiều. Thi thoảng bắt gặp xe này chở hàng ở chợ, bến cá và đều đã cũ nát.

Quãng này, trong xã chỉ có hai chiếc xe chạy tuyến thị xã, một chiếc xe Dasu và chiếc kia là gì không nhớ rõ, chỉ biết chở được nhiều người hơn và ít “bịnh” hơn được mua lại ở đâu đó. Dù xe gì đi nữa thì người ở quê vẫn gọi là xe lam, có lẽ cái tên ấy đã gắn với họ tự lúc nào.

Nhà ông chủ chiếc xe Dasu ở khác thôn nhưng cũng nằm trên đường về nhà, nghe đâu trước kia ông cũng có chiếc xe lam, rồi phải bán đi vì xe “đổ bịnh” nặng. Chiều tan học, chúng tôi thường canh me ở những đoạn đường có khúc cua gắt chờ xe chạy chậm lại mà nhảy lên. Cái tánh khí ông này cũng mưa nắng dữ lắm, hôm nào vui thì còn cho xuống xe, buồn bực chi đó là ông đạp ga cho xe chạy thật nhanh về nhà ông luôn, báo hại bọn này mất một vòng đi bộ muốn rã cặp giò.

Bữa hai đứa đậm rượu, bạn hỏi ông có còn nhớ gì về thị xã Tuy Hòa? Câu hỏi của bạn gợi lại những gì ghi nhớ đầy đủ trong ký ức tôi, đã mấy mươi năm rồi còn gì. Nhớ nhất là bến xe và xe lam - câu trả lời của tôi làm nó chưng hửng, bảo nhớ gì không nhớ lại nhớ thứ gì đâu. Ơ hay, bạn mình lạ. Ở đó có nhiều mảnh đời cần lao với rổ bánh tiêu bánh bò, những xe bánh mì đẩy cọc cạch và cả những cô cậu bé xách ấm đi bán trà đá. Nhớ mùi khói xe lam; Nhớ mấy ông lái xe lúc nào tay chân, mặt mũi cũng lấm lem dầu nhớt… Nhớ nhất bà chủ tiệm cơm nằm cuối bến xe đã cho hai đứa một bữa no với nhiều món ngon chỉ vì “thấy tụi con ở quê vô”.

Lần đó, sau bữa cơm được người dưng ở thị xã đãi, tôi với bạn đèo nhau về, trên đường gặp một chiếc xe lam hỏng máy. Bác tài xế đang loay hoay với túi đồ nghề, thấy chúng tôi liền ra hiệu nhờ đẩy giúp. May quá xe nổ máy sau hơn chục mét, bác tài vặn tay ga xịt khói đen, tiếng động cơ lẹt bẹt nghe đã tai rồi đề nghị hai đứa lên xe ông đưa về xem như để cảm ơn. Cũng đã thấm mệt vì nắng, hơn nửa quãng đường còn lại gần hai mươi cây số, hai đứa nhìn nhau gật đầu rồi leo lên xe. Xe không còn chỗ ngồi, chúng tôi đu phía sau còn chiếc xe đạp thì treo bên hông. Chạy đoạn, phía trước có khách đang vẫy tay đón xe. Bác tài dừng xe và thúc người đàn ông lên xe nhanh. Bạn nhìn tôi, miệng lầm bầm “lên đèo không nổi đừng hòng tao đẩy”. Chạy đoạn là lên đèo Quán Cau, bác tài điều khiển xe theo kiểu con lươn bò để lên đèo nhưng không thể, bắt hành khách xuống hết, riêng đàn ông thanh niên phải làm nhiệm vụ đẩy xe từ phía sau, ai nấy muốn hụt hơi. Bạn nhìn tôi, miệng nó méo xệch “tao nói đâu trúng đó, biết vậy đạp xe còn hơn”.

Bạn lại nhắc chuyện năm nào đó còn là sinh viên về quê ăn Tết, thay vì đi thẳng thì tôi xuống xe ở Tuy Hòa, bạn đến đón tôi đi ăn bánh canh hẹ, uống cà phê rồi làm một vòng bến xe cũ cho thỏa nhớ. Chưa hết, bạn còn chở tôi ngược sang Ngọc Lãng ngắm đồng hoa Tết. Ngày đó, xe lam còn dập dìu trên quốc lộ chờ chở hoa về các nơi.

Cuối năm lại nhớ bến xe thị xã và những chuyến xe lam.

Tạp bút của Trn Tuy An