Thứ tư, 5/1/2022, 12h41

Cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vẫn giữ ổn định như 2021

“Dù tham gia phương thức tuyển sinh nào thì điểm chung của học sinh đều có nền tảng kiến thức trung học phổ thông (THPT). Điều quan trọng hiện tại, học sinh cần nghiên cứu các phương thức tuyển sinh của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) để đa dạng hóa cơ hội lựa chọn của mình vào trường, ngành học mà bản thân yêu thích”.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Truyền thông và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân Hàng TP.HCM đã lưu ý vấn đề này đến học sinh lớp 12 tại Chương trình Tư vấn hướng nghiệp xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022 với chủ đề “Cùng bạn định hướng tương lai”.

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Bình Phước và Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước vừa tổ chức, với sự đồng hành của các trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Gia Định.

Cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vẫn giữ ổn định như 2021

Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho biết, hiện tại tình bình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường nên các thông tin chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chưa có. Tuy nhiên, “qua các thông báo mà Bộ GD-ĐT công bố thì cơ bản kỳ thi tốt nghiệp năm 2022 vẫn giữ ổn định như năm 2021. Như vậy, các tỉnh thành thuộc Trung ương vẫn có kỳ thi chung đề, chung đợt. Các địa phương có tình huống đặc biệt trước ảnh hưởng của dịch bệnh thì Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp để sắp xếp kỳ thi phù hợp với khung thời gian chung để đảm bảo kế hoạch tuyển sinh của các trường. Đối với học sinh, sẽ tham gia kỳ thi với các môn hoặc bài thi tổ hợp. Ví dụ thi môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, sau đó tham gia xét tuyển vào các trường”.

Theo Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, năm nay, Bộ GD-ĐT cũng công bố tăng thêm tính tự chủ tuyển sinh cho các trường nhằm tăng cơ hội, điều kiện cho học sinh được xét vào các trường đúng nguyện vọng. Như vậy, học sinh cần lưu ý trong việc đăng ký xét tuyển sao cho phù hợp với đề án tuyển sinh của các trường.

Bộ cũng sẽ có những quy định đối với việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng như các trường sư phạm. Dựa trên những chuẩn chung mà Bộ ban hành, các trường sẽ chủ động hơn so với trước đây trong các phương án xét tuyển, làm sao cho phù hợp với ngành nghề đào tạo mà các trường đang thực hiện.

Trước thắc mắc của nhiều học sinh về việc đang dạng hóa phương thức tuyển sinh có phải là tăng chỉ tiêu không, Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân Hàng TP.HCM cho biết, đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường dựa vào năng lực đào tạo của từng trường như giảng viên, cơ sở vật chất. Còn phương thức tuyển sinh là cách thức mà các trường lựa chọn thí sinh phù hợp vào học trường mình. Các trường tăng phương thức tuyển sinh chỉ là phân bổ lại chỉ tiêu cho các phương thức chứ hoàn toàn không dẫn đến việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh, việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh không làm giảm mà còn thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Mỗi trường có phương thức tuyển sinh khác nhau, gồm 3 nhóm: Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; dựa vào kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức; và dựa vào kết quả học tập bậc THPT của học sinh. Một số trường xét tuyển dựa trên kết quả học tập của học bạ học sinh theo tổ hợp môn. Cũng có những trường kết hợp các yếu tố khác như điểm IELTS, kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh…

Năm 2021, có nhiều trường ĐH dịch chuyển tuyển sinh theo hướng giảm tỷ trọng của phương thức xét tuyển thi tốt nghiệp THPT sang tăng tỷ trọng các phương thức khác. Với ĐH Ngân hàng TP.HCM, hiện tại chưa công bố đề án tuyển sinh chính thức, nhưng thí sinh cũng lưu ý các phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh về cơ bản vẫn tương đối ổn định so với năm trước. Tuy nhiên, “cho dù tham gia phương thức tuyển sinh nào thì điểm chung của học sinh đều có nền tảng kiến thức THPT. Điều quan trọng hiện tại, học sinh cần nghiên cứu các phương thức tuyển sinh của các trường để đa dạng hóa cơ hội lựa chọn của mình vào trường, ngành học mà bản thân yêu thích”, Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh.

Bình tĩnh, tìm hiểu chi tiết phương thức xét tuyển của từng trường

Tại chương trình, nhiều học sinh chia sẻ băn khoăn trước việc chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp với năng lực, sở trường. Quan tâm đến Trường ĐH Gia Định, học sinh Nguyễn Hồng Nhung, Trường THPT Phú Riềng, huyện Phú Riềng hỏi, em có khả năng giao tiếp tốt, rất thích Ngành Đông phương học và Luật nhưng chưa biết chọn ngành nào? Trường Đại học Gia Định có đào tạo 2 ngành này không? Điều kiện xét tuyển là gì?

Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Gia Định cho biết, với học sinh có khả năng giao tiếp sẽ phù hợp khi tham gia học các khối ngành liên quan đến xã hội, đặc biệt học sinh có năng khiếu môn Văn, Sử, Địa, Toán, Văn, Anh. Tuy nhiên, khi chọn ngành học phải có năng lực và sở thích, kỹ năng giao tiếp chỉ là yếu tố thứ hai, thứ ba chứ không phải chính. Hiện có nhiều kênh để tham khảo ngành nghề, học sinh nên cân nhắc kỹ để chọn ngành và trường học đúng với năng lực, đam mê của bản thân.

Tại ĐH Gia Định, theo Tiến sĩ Mai Đức Toàn, trường đào tạo 19 ngành, trong đó có ngành đông phương học và ngành luật. Hàng năm, trường thực hiện 3 phương thức xét tuyển bằng học bạ; kết quả thi THPT và xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trong đó, phần lớn nhà trường dành chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Đây là phương thức thuận tiện nhất để học sinh vừa tăng cơ hội xét tuyển và cơ hội trúng tuyển vào các trường.

Trịnh Mai Anh, học sinh Trường THPT Đa Kia, huyện Bù Gia Mập hỏi, muốn chế tạo, thiết kế được robot tự động học thì học Ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM được không? Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, để thiết kế, điều khiển được robot, học sinh có thể học các ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật robot, trí tuệ nhân tạo (AI), cơ điện tử… Một người học công nghệ thông tin, cơ khí, lập trình…. đều có thể tham gia vào chế tạo robot. Nhưng đây là một lĩnh vực rất khó, để chế tạo hoàn chỉnh một robot đòi hỏi phải biết áp dụng nhiều kiến thức chuyên môn khác nhau. Người theo học phải có tư duy logic tốt, đặc biệt phải giỏi kiến thức toán, lý, đam mê khám phá, sáng tạo. Nếu toán không tốt thì rất khó học ngành này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là một trong những nhóm ngành Việt Nam đang cần để phục vụ cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới rất cần trong tất cả các lĩnh vực. Tại các trường ĐH đa ngành đều đào tạo ngành này, trong đó có ĐH Công nghiệp TP.HCM. Hàng năm, công tác tuyển sinh của trường theo 4 phương thức, nhưng chính vẫn là xét tốt nghiệp THPT; đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trường ưu tiên xét tuyển thẳng đối với học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, học sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 trở lên. Riêng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT, năm nay nhà trường nâng ngưỡng lên 21 điểm của tổ hợp 3 môn.

“Có rất nhiều phương thức xét tuyển dễ khiến học sinh bị loạn. Vì thế, học sinh cần bình tĩnh, tìm hiểu chi tiết phương thức của từng trường. Nhiệm vụ bây giờ của các em cần tập trung học, ôn tập, đặc biệt các môn thế mạnh mà các em dự định xét tuyển”,  Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nói.

Thu Hà