Thứ ba, 24/11/2020, 19h26

Cơ hội việc làm “trong tay người học”

Học sinh phải tận dụng các lợi thế để tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH; xây dựng giá trị hành nghề của bản thân để tìm kiếm cơ hội việc làm… Đó là những lưu ý được các chuyên gia tư vấn đưa ra trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 diễn ra tại Trường THPT Thủ Đức và Trường THPT Linh Trung (Q.Thủ Đức) mới đây. Cụ thể, trước những băn khoăn của một số học sinh về cơ hội việc làm ở các ngành nghề hiện nay, ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) khẳng định, tất cả ngành nghề được các trường ĐH đào tạo mục đích đầu tiên là đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đa phần các trường ĐH đều có trung tâm hợp tác với doanh nghiệp, trao cơ hội việc làm cho sinh viên. “Có một thực trạng là nhà trường rất nỗ lực để kết nối sinh viên với doanh nghiệp, song ở các ngày hội việc làm do nhà trường tổ chức thì lại rất vắng sinh viên đến để tìm hiểu, tận dụng cơ hội, tranh thủ sự tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là rất lớn, ở rất nhiều vị trí công việc, ngành nghề, lĩnh vực. Từ phía người học, điều cần thiết đó là nỗ lực học tập để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tìm hiểu kỹ, nắm bắt các cơ hội để có sự thành công trong lựa chọn của mình”, ông nói.


Đi din ban tư vn gii đáp thông tin ngành ngh cho hc sinh Trưng THPT Th Đc

Nhìn ở góc độ thị trường lao động, TS. Đỗ Thanh Vân (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết doanh nghiệp đánh giá cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp của người học khi tuyển dụng chứ không phải chỉ dựa vào bằng cấp của người học. “Không chỉ học ĐH thì người học mới có cơ hội việc làm rộng mở. Thực tế cho thấy, có một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp ĐH nhưng không có việc làm. Vì vậy, ngoài ĐH, người học có thể lựa chọn học CĐ, TC. Khối giáo dục nghề nghiệp với 70% thời lượng học là thực hành, trang bị cho người học kỹ năng thực hành vững chắc, đủ năng lực nghề để đáp ứng với đòi hỏi của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự học là suốt đời, không có điểm dừng, người học có thể liên thông từ CĐ lên ĐH để đáp ứng đòi hỏi cao hơn của công việc”, TS. Vân chia sẻ. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bảo Vy (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn) cho rằng bất cứ ngành nghề nào, học ở bậc nào cũng có khả năng “hái ra tiền”. Song để “hái ra tiền” thì lại phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của bản thân người học. “Môi trường học tập, ngành học không phải là “kim bài” để các em có việc làm. Để có một công việc tốt, giá trị tạo ra cao thì bản thân người học phải có một giá trị hành nghề nhất định”, bà Vy nói.

Bài, ảnh: Yến Hoa