Thứ bảy, 21/9/2019, 21h05

Có người bất ngờ, có người lại… chủ động

Kỳ thực, câu chuyện giảng viên cơ hữu “ảo” là vấn đề nhức nhối được quan tâm trong vài năm qua. Đây là hệ lụy của việc các trường ĐH được nâng cấp từ trường CĐ hoặc được cấp phép mở mới tràn lan từ nhiều năm trước đó. Cơ chế chưa thật sự thu hút nhân tài, tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh mẽ, nguồn tuyển sinh hàng năm không ổn định… là những lý do khiến các trường này gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu. Đáng chú ý, ở các trường tư, vấn đề này lại càng trở nên nghiêm trọng. Để giải quyết, hàng loạt cách… lách luật đã được thực hiện. Cán bộ phòng ban có học hàm, học vị, tuy chỉ đơn thuần làm công việc văn phòng, không hề giảng dạy bất cứ học phần nào, cũng được đưa vào danh sách giảng viên cơ hữu. Các trường cũng tận dụng luôn đội ngũ giảng viên thỉnh giảng để phục vụ cho việc thống kê “ảo” này. Vì khi thỉnh giảng, các giảng viên đều được yêu cầu cung cấp lý lịch khoa học. Và đây chính là một “chiêu” để nhà trường danh chính ngôn thuận có trong tay hồ sơ của một giảng viên thỉnh giảng bất kỳ. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi một giảng viên đang công tác tại một trường công nào đó bất ngờ tá hỏa vì mình có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu ở một trường khác mà không hề hay biết.

Tuy vậy, cũng không hiếm các trường hợp chủ động trở thành giảng viên cơ hữu “ảo” cho một trường ĐH nào đó. Thường gặp là các giảng viên đã về hưu, không muốn tiếp tục giảng dạy hoặc nghiên cứu, nhưng vẫn chủ động cho “mượn” lý lịch khoa học để các trường bổ sung vào danh sách giảng viên cơ hữu. Tất nhiên, hành động mượn này đều có chi phí rõ ràng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố/tiêu chí: uy tín khoa học, thâm niên giảng dạy; học hàm, học vị (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư)… Để dễ hình dung, hãy nghĩ đến tình trạng các dược sĩ cho chủ nhà thuốc thuê bằng để mở tiệm thuốc đã từng xảy ra trong quá khứ. Hai mô hình này có phần giống nhau về cách thức tổ chức. Ở một số trường, hành động mượn này được hợp thức hóa thông qua bản hợp đồng với chức danh mỹ miều hơn: giảng viên nghiên cứu. Tức là giảng viên không tham gia giảng dạy, cũng rất ít khi xuất hiện trong các hoạt động công việc của bộ môn, khoa và nhà trường; chỉ mỗi tháng nhận tiền lương theo thỏa thuận! Một bên thì có thêm thu nhập ngoài khoản lương hưu, một bên thì có thêm một nhân sự có trình độ tiến sĩ trở lên, làm hùng hậu cho đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường, mặc dù chỉ là hình thức ảo!

Trn Xuân Tiến