Thứ năm, 29/9/2022, 10h14

Còn nhiều băn khoăn về Luật Điện ảnh

Sau khi Luật Điện ảnh 2022 được Quốc hội thông qua vào tháng Sáu vừa qua, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Điện ảnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.

Nhờ có nước ngoài hỗ trợ 15.000 USD mà đạo diễn Phan Đăng Di mới hoàn thành phim Tro tàn rực rỡ để tranh tài tại LHP Tokyo sắp tới

Nhờ có nước ngoài hỗ trợ 15.000 USD mà đạo diễn Phan Đăng Di mới hoàn thành phim "Tro tàn rực rỡ" để tranh tài tại LHP Tokyo sắp tới

Có hai điều thuộc phạm vi điều chỉnh gây nhiều băn khoăn tranh cãi trong dự thảo này, là quy định chi tiết về tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, và quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. 

Về tỷ suất chiếu phim Việt tại rạp, dự thảo đưa ra con số “bảo đảm đạt ít nhất 25% tổng số suất chiếu trong năm”. Ở góc độ nhà sản xuất, ông Trinh Hoan - đại diện HK Film - làm bài tính: “Mỗi ngày trung bình cả nước có 6.000 suất chiếu, 25% là khoảng 1.500 suất. Mỗi năm hiện có 30-40 phim ra rạp, trong thời gian tới có thể lên 50 phim, trung bình mỗi phim chỉ chiếu từ 10 ngày đến hai tuần. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu mỗi ngày phim Việt chiếu 2.000 suất, khả năng thu hồi vốn dường như không có, phải 3.000-4.000 suất/ngày mới được”. Về phía chủ rạp, một đại diện của Cinestar Cinema cho biết: “Tỷ lệ 25% nên tùy vào số lượng phim ra rạp năm đó. Cinestar luôn ưu ái suất chiếu cho phim Việt, nhưng phim không có khách. Phải cố gắng lắm mới có thể đạt con số 25 - 30% với điều kiện phải có phim hot”. 

Các nhà đài cũng lo lắng với quy định trong dự thảo: Thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình. Đại diện đơn vị truyền hình kỹ thuật số của HTV chia sẻ: “Phim truyền hình Việt sản xuất rất ít. Trước đây, các hãng còn trao đổi phim được, nhưng hiện tại, mỗi đơn vị kinh doanh có nhiều hạ tầng để khai thác, không trao đổi, không bán được như trước nữa, nên muốn đạt tỷ lệ 30% rất khó. Tỷ lệ này càng cao, thì tần suất phát lại càng nhiều, ảnh hưởng đến uy tín đài”.

Về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, dự thảo quy định về nguồn thu như sau: “Trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam, 3% từ phí thẩm định và phân loại phim, 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới, 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền, 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình và 5% phí hậu kiểm”.

Việc quỹ này vẫn tồn tại trong luật là thành công của những người làm luật, vì rất nhiều đại biểu Quốc hội đòi bỏ. Nhưng dù được giữ lại, thì khả năng đi vào hiện thực của quỹ vẫn rất khó. Nguyên nhân là nguồn thu tác động trực tiếp đến các đơn vị kinh doanh phim ảnh. Đại diện đơn vị BHD đã thẳng thắn xin chưa nộp 3% từ doanh thu bán vé, vì “tình hình kinh doanh các rạp của đơn vị chưa hồi phục sau đại dịch”. Ngoài nguồn thu, việc điều hành quỹ như thế nào cũng là vấn đề. Dùng tư duy quản lý, kiểm soát theo cách thức của một quỹ nhà nước có thể không giúp quỹ phát huy hiệu quả, mà còn bị giậm chân tại chỗ. 

Thời gian để Luật Điện ảnh 2022 đi vào cuộc sống chỉ còn hơn ba tháng nữa. Dù vậy, nhìn vào những ý kiến phản biện kể trên, có thể thấy đang còn không ít vấn đề cần phải làm rõ, tìm giải pháp hợp lý, thuyết phục. 

Theo Nguyễn Ngọc/PNO