Thứ năm, 26/11/2020, 19h59

Còn nơi chưa chủ động thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục

Ngày 26-11, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị “Tổng kết công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục giáo dục ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2011-2020” tại TP.HCM.


Nhiều mục tiêu, giải pháp về đảm bảo, kiểm định chất lượng giáo dục được đặt ra trong thời gian tới
 

Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã điểm qua một số kết quả công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục giáo dục ĐH, CĐ sư phạm trong 10 năm qua cũng như nhìn nhận một số mặt còn hạn chế, bất cập.

Nhân lực, tài chính còn hạn chế

Về kết quả, đã xây dựng và ban hành hệ thống văn bản bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục ĐH, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; việc phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng được tăng cường. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã được triển khai mạnh mẽ đối với các cơ sở giáo dục ĐH, các trường CĐ sư phạm trên cả nước và đã có những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên, sinh viên nói riêng và xã hội nói chung đối với công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập trong 10 năm triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam như: Nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ và nguồn tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế; nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên ở cơ sở giáo dục trong việc tiếp cận thực hiện nhiệm vụ mới còn chậm, chưa được đồng đều; tiến độ thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục còn chậm, nhất là đối với kiểm định các chương trình đào tạo, kết quả cũng chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.


Đại diện trường ĐH phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, đội ngũ kiểm định viên còn mỏng, năng lực của một số kiểm định viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn một số đơn vị chưa chủ động thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Việc tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH còn chậm. Quy trình thực hiện đánh giá trong, đánh giá ngoài, kiểm định chất lượng còn mang nhiều tính hình thức, khối lượng công việc còn nặng nề.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Nga (Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cũng cho rằng, hoạt động kiểm định chất lượng được biết đến ở Việt Nam từ năm 2002 nhưng thực tế mới khởi sắc được 5 năm nay. Hoạt động này đem lại những tác động tích cực cũng như một số tác động chưa tốt. Cả nước có trên 300 kiểm định viên, khá đông đảo nhưng tay nghề chưa đồng đều, cần nâng cao năng lực để ngày càng có tầm, có tâm.

Xây dựng đề án phù hợp cho giai đoạn tới

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và khó khăn bất cập, nhiều phương hướng được thống nhất đặt ra như: Tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục, trọng tâm tiếp tục trong lĩnh vực giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên. Tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quy trình đánh giá và kiểm định. Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong chất lượng giáo dục nhất là giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên trong thời gian tới.

Với hướng đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh 3 mục tiêu là: Nâng cao nhận thức và hành động, hiểu biết về công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu tự chủ giáo dục ĐH. Kiện toàn các tổ chức kiểm định chất lượng; nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục để hình thành hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định giáo dục mạnh trong khu vực, hội nhập quốc tế.

Với 3 mục tiêu này, theo Thứ trưởng, sẽ có các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được tập trung. Cụ thể, về phía Bộ GD-ĐT, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản về bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục để bảo đảm theo quy định của Luật giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH, đặc biệt các tiêu chuẩn đánh giá kiểm định các chương trình đào tạo; xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành đề án phát triển hệ thống bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2030 phù hợp thực tiễn Việt Nam, hội nhập khu vực và quốc tế, bảo đảm các quy định của pháp luật. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục; biên soạn cẩm nang hướng dẫn công tác bảo đảm chất lượng trên cơ sở phối hợp với các trung tâm kiểm định chất lượng và các cơ sở giáo dục ĐH.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; chú trọng thực hiện việc giám sát kiểm tra, thanh tra đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; giám sát kiểm tra thanh tra công tác bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục; xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu và các công cụ hỗ trợ chung về kiểm định chất lượng giáo dục ĐH…

Phía các cơ sở giáo dục, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về đẩy mạnh công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm, TC sư phạm.

Đối với những tổ chức kiểm định giáo dục, thực hiện việc tổ chức sắp xếp lại các đơn vị để bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành, ưu tiên triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường sư phạm, các chương trình đào tạo giáo viên. Lựa chọn đội ngũ đánh giá viên kiểm định, đánh giá viên, kiểm định viên phù hợp để tham gia các đoàn đánh giá ngoài, nhất là đánh giá các chương trình đào tạo. Chú trọng việc tư vấn, khuyến nghị cho các trường ĐH, CĐ sư phạm những giải pháp thực hiện cải tiến, nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo sau đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng…

Mê Tâm