Thứ hai, 2/11/2020, 09h34

“Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” đến với học sinh Củ Chi

Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 vừa diễn ra tại 3 trường trên địa bàn huyện Củ Chi: THPT An Nhơn Tây, THPT Trung Lập và THPT Quang Trung. Gần 2.000 học sinh đã được cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong việc lựa chọn ngành nghề, các hướng đi và phương thức xét tuyển vào ĐH, CĐ trong năm học tới.


Học sinh Trường THPT Quang Trung đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.


Học sinh Trường THPT An Nhơn Tây đang nhờ ban tư vấn giải đáp thắc mắc

Tư vấn cho học sinh cả 3 trường, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động) nhấn mạnh, sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có nhiều sự lựa chọn. Lựa chọn nào không quan trọng mà quan trọng là các em phải hiểu mình để chọn ngành nghề phù hợp với đam mê, năng lực và xu hướng xã hội. Để học sinh có được bức tranh tổng quan về các ngành nghề, ông Tuấn đã gợi ý cho các em những nhóm ngành nghề có tiềm năng trong tương lai như công nghệ thông tin; kinh tế, tài chính; du lịch; sư phạm; y dược; công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học… “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với tri thức, nhưng kỹ năng và thái độ cũng là yếu quan trọng quyết định sự thành công. Do đó, các em phải cố gắng và trao dồi để trang bị cho mình nền tảng vững chắc khi bước vào đời. Khi có đầy đủ những yếu tố trên thì cơ hội việc làm sẽ rộng mở, đi đến đâu cũng tìm được việc”, ông Tuấn khẳng định.


Ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động) đang tư vấn cho học sinh Trường THPT An Nhơn Tây

Trước sự đa dạng về ngành nghề, em Thanh Vy (học lớp 12A5 Trường THPT An Nhơn Tây) băn khoăn: “Em học giỏi văn thì có thể học báo chí không?”. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng báo chí là một ngành đòi hỏi người học phải có kiến thức sâu rộng, có khả năng phân tích, đánh giá sự việc để tạo ra những tin, bài hay, chất lượng, độ tin cậy cao phục vụ độc giả. Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ngành báo chí có điểm chuẩn cao, tuy nhiên nếu không đủ điều kiện xét tuyển vào trường này, các em có thể lựa chọn ngôi trường khác hoặc những ngành nghề có liên quan để học tập như quan hệ công chúng, ngôn ngữ. Nói về công việc sau khi ra trường, ThS. Lê Thị Thu Hà (Trưởng phòng Phụ trách bộ phận hướng nghiệp việc làm, Ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết với ngành báo chí, sinh viên có thể làm việc tại các tòa soạn báo, đài truyền hình, đài truyền thanh. Bên cạnh đó, người học ngành này còn có thể làm ở các trang báo mạng, biên tập nội dung cho các chương trình, sự kiện...


Chuyên gia tư vấn riêng cho học sinh Trường THPT An Nhơn Tây

Trả lời câu hỏi của em Yến Vy (học lớp 12A4 Trường THPT An Nhơn Tây) về ngành Digital Maketing, ông Nguyễn Thanh Vũ (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn) thông tin, đây là ngành học kết hợp giữa marketing với công nghệ. Học ngành này, sinh viên được đào tạo kiến thức về việc thiết kế web bán hàng, kỹ năng viết nội dung cho các kênh Youtube, Facebook, Website... Khi học tại Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn, nhà trường còn có chính sách giảm 10% học phí cho sinh viên khó khăn, học giỏi.


Chương trình tư vấn tại Trường THPT Quang Trung

Tại Trường THPT Quang Trung, em Anh Thư (học lớp 12A6) đặt câu hỏi về việc đi du học ngành tài chính ngân hàng. Theo ThS. Võ Minh Tiến (Trợ lý Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM), tài chính ngân hàng thu hút nhiều sinh viên theo học nhưng ngành này chỉ phù hợp với những ai có trí nhớ tốt, cẩn thận, tỉ mỉ khi xử lý những con số. Đối với việc đi du học, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có chương trình chuyển tiếp học 1 hoặc 2 năm tại Việt Nam, sau đó sang nước ngoài du học. Hoặc các em có thể tham gia một số chương trình du học ngắn hạn tại các trường đối tác. “Tùy vào nhu cầu, các em có thể lựa chọn trường và chương trình đào tạo phù hợp”, ThS. Tiến khuyên. Bổ sung thêm, ông Trần Anh Tuấn cho hay, hiện Đức đang liên kết với Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM tuyển sinh một số ngành nghề, vì vậy học sinh nào quan tâm có thể tìm hiểu học tập.


Học sinh Trường THPT Trung Lập chia sẻ khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề với ban tư vấn

Trong khi đó, tại Trường THPT Trung Lập, em Duy Khang (học lớp 12A7) có thắc mắc đối với ngành kiến trúc. Để học sinh có cái nhìn cụ thể hơn về ngành này, ThS. Vũ Quang Huy (Giám đốc Tuyển sinh khu vực Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, ngành kiến trúc đào tạo cho sinh viên kiến thức về công tác quy hoạch - thiết kế đô thị; khả năng lĩnh hội nghệ thuật kiến trúc và nắm bắt các xu hướng thiết kế đương đại. Ngoài ra, sinh viên còn được phát triển toàn diện các kỹ năng  như: kỹ năng quan sát, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng... để vừa làm tốt công việc chính của một kiến trúc sư là tư vấn thiết kế, vừa có thể tự tin thuyết phục khách hàng… “Ngành kiến trúc đào tạo 5 năm, ra trường nhận bằng kiến trúc sư”, ThS. Huy cho biết.

Bài, ảnh: Hồ Trinh