Thứ bảy, 17/7/2021, 09h00

Đã có địa phương chấm xong bài thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn

Nhiều tỉnh phía Nam và Tây nguyên đã chấm bài thi tự luận được tới hơn 80%, trong đó có một số địa phương đã hoàn tất khâu chấm và đang chuẩn bị ráp phách, kiểm dò. 
Giám khảo chấm thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 /// ẢNH QUỲNH TRANG
Giám khảo chấm thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. ẢNH QUỲNH TRANG
 Tiến độ chấm thi không ảnh hưởng bởi dịch bệnh 
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, chiều 16.7 đã chủ trì họp trực tuyến với ban chỉ đạo thi cấp tỉnh của 11 tỉnh phía Nam và Tây nguyên để kiểm tra về công tác chấm thi, gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng, Gia Lai, Long An, Kom Tum.
Nhiều địa phương trong số này đang có diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp. Tuy nhiên, tại cuộc họp, tất cả các địa phương đều cam kết quy trình và tiến độ chấm sẽ đảm bảo an toàn, theo đúng kế hoạch mà Bộ GD-ĐT đặt ra.
Trong số 11 hội đồng thi tham gia cuộc họp, TP. HCM có số lượng bài thi lớn nhất với 87.668 bài tự luận ngữ văn, hơn 420.000 bài trắc nghiệm.
Dù báo cáo do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên việc huy động lực lượng chấm thi khó khăn hơn các năm trước nhưng lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: "Với công suất và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm hiện nay, Hội đồng thi sẽ hoàn thành công tác chấm chậm nhất vào ngày 24.7, theo đúng kế hoạch Bộ GD-ĐT đề ra".
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải báo cáo: “Tình hình chấm thi tại địa phương diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch. Công tác chấm thi tự luận được tiến hành từ 11.7 và chiều 16.7 đã chấm xong. Dự kiến chiều 17.7 hoàn tất phần chấm tự luận. Sáng 18.7 sẽ tiến hành ráp phách, kiểm dò".
Hội đồng thi sở GD-ĐT tỉnh Kom Tum dự kiến ngày hôm nay, 17.7, sẽ hoàn thành chấm thi môn tự luận.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh Đắk Lắk, Long An, Tiền Giang cũng cho biết tính đến chiều 16.7 đã hoàn thành khoảng 80% chấm tự luận với môn văn. Dự kiến hoàn thành chấm thi vào 20.7 và công bố kết quả thi theo kế hoạch của Bộ là 26.7.
Tỉnh Đồng Nai dự kiến 18.7, chậm nhất là 20.7, hội đồng thi tỉnh này sẽ hoàn thành chấm thi môn ngữ văn.
Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đến 16.7 đã chấm được 1/3 trong số 12.846 bài thi môn tự luận ngữ văn; quét xong bài và nhận dạng bài thi của hơn 44.000 bài thi trắc nghiệm. Hoạt động chấm này dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 18.7 với các môn trắc nghiệm và trước ngày 20.7 với môn tự luận.
Về chấm thi trắc nghiệm, hầu hết các tỉnh đã hoàn thành việc quét bài, nhận dạng bài thi và gửi các đĩa CD0, CD1 về Bộ GD-ĐT.
Ăn ngủ tập trung để vừa chấm thi vừa phòng dịch
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết, bên cạnh đảm bảo công tác chuyên môn về chấm thi, Hội đồng thi Sở GD-ĐT TP.HCM phải “căng mình” ứng phó với dịch bệnh. Song song với các ban chuyên môn như Ban làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm…, TPHCM còn thành lập Ban phòng chống Covid-19 để kiểm soát, phòng chống dịch cho tất cả đội ngũ giám khảo, cán bộ, nhân viên tham gia chấm thi được yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu chấm thi, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đều được xét nghiệm Covid-19. Hoạt động xét nghiệm này đều đặn tiến hành 5 ngày/lần, để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân sự tham gia.
Khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, Hội đồng thi của Sở đã chia nhỏ Ban chấm thi thành 20 tổ, mỗi tổ không quá 10 người để đảm bảo giãn cách. Các tổ chấm chia ca, tổ chức chấm lệch giờ để tránh tập trung đông người.
Nguyên tắc 3 tại chỗ (chấm thi, ăn, nghỉ tại chỗ) cũng được hội đồng thi các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai áp dụng. Trong suốt quá trình chấm thi tập trung, lực lượng này thực hiện ăn nghỉ cách ly và chỉ rời khu chấm khi công tác chấm thi đã hoàn tất. Trước khi ra về, cán bộ, giáo viên, nhân viên được xét nghiệm lại Covid-19 để đảm bảo không có nguồn dịch lây trong cộng đồng.
Kết quả chấm kiểm tra không thấy "bất an"
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai Lê Duy Định cho hay dự kiến sẽ chấm kiểm tra 950 bài thi tự luận trên tổng số 13.726 bài (tỷ lệ chấm 6,9%) theo tiến độ chấm thi.
Việc chấm thi tự luận được giám khảo ở Gia Lai đánh giá hướng dẫn chấm rõ ràng, thầy cô dễ thảo luận và vận dụng. Do vậy, đánh giá bước đầu, theo ông Định, năm nay số lượng bài thi phải chấm vòng 3 so với mọi năm có vẻ ít hơn. Cụ thể, trong 2 - 3 ngày đầu chấm thi số bài phải chấm lần 3 khoảng 10%; từ ngày thứ tư trở đi số lượng này giảm hẳn.
Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cũng thông tin giáo viên chấm đều tay, trong số 480 bài đã chấm kiểm tra, chỉ có 7 bài số lệch điểm giữa 2 vòng chấm, mức chênh lệch cao nhất là 0,25, nằm trong “vùng an toàn”.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải cho hay, đến thời điểm chiều 16.7 đã chấm kiểm tra 1186 bài thi ngữ văn, chiếm khoảng 9%, không có bài nào lệch điểm giữa 2 vòng chấm lớn hơn 1,5 điểm để phải chấm lại lần 3…
Không lơ là, chủ quan dù ở khâu cuối cùng 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận các địa phương đã chủ động, sáng tạo các phương án tổ chức chấm thi trong điều kiện có dịch, như thực hiện 3 tại chỗ, chia nhỏ tổ, chấm lệch giờ.
Đánh giá công tác chấm thi của các địa phương đang diễn ra theo đúng kế hoạch, bước đầu đạt mục tiêu kép: bảo đảm an toàn phòng dịch, chất lượng và tiến độ.
Ông Độ đề nghị địa phương tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt việc chấm thi, không lơ là, chủ quan dù ở khâu cuối cùng. Trong đó, lưu ý những công đoạn như nhập điểm, khớp phách phải đảm bảo chặt chẽ, tránh sai sót, gây thiệt thòi cho thí sinh.
Theo Tuệ Nguyễn - Quỳnh Trang/TNO