Thứ sáu, 16/10/2020, 15h26

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI: Tập trung phát triển kinh tế tri thức

Sáng 16-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bước vào ngày làm việc thứ 3, nghe trình bày tham luận của đại biểu. Tham luận của các đại biểu tập trung vào các nhiệm vu, giải pháp cho sự phát triển toàn diện các lĩnh vực của TP.


Quang cảnh Đại hội sáng 16-10. Ảnh: BTC

Đào tạo nhân lực chất lượng cao từ trường phổ thông

Đây là một trong các nhóm giải pháp của Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ Quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020-2035”, được đồng chí Lê Hồng Sơn - Thành ủy viên khóa X, Giám đốc Sở GD-ĐT, Đoàn Đại biểu Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra từ tham luận.

Đề cập nhóm giải pháp “Xây dựng nhân lực chất lượng cao từ các trường phổ thông”, đồng chí Lê Hồng Sơn - cho biết mục tiêu “hội nhập” đã được ngành GD-ĐT TP sớm đưa vào bậc phổ thông (PT). Các kỹ năng cần thiết đã được chú ý, giúp học sinh (HS) TP có hành trang vững chắc để hội nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tham gia thị trường lao động toàn cầu.

Những chương trình, đề án đưa các chuẩn Quốc tế về tiếng Anh, tin học, chương trình PT vào nhà trường đã được xã hội, phụ huynh và HS quan tâm, tham gia tích cực.


Đồng chí Lê Hồng Sơn - Thành ủy viên khóa X, Giám đốc Sở GD-ĐT, Đoàn đại biểu Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM báo cáo tham luận tại Đại hội

“Thời gian tới, giáo dục PT sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho HS sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết.

Cụ thể, TP đã xây dựng Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”. Đây là tiền đề quan trọng để giáo dục TP tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT và TT) nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý, hình thức tổ chức hoạt động dạy – học trong nhà trường. Bước đầu là mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh và Đề án “Mô hình trường học thông minh” đang được gấp rút triển khai.

Giáo dục TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giáo dục STEM, STEAM trong nhà trường, tạo điều kiện để các em tham gia nghiên cứu khoa học; tiếp tục mở rộng thí điểm đưa nội dung trí tuệ nhân tạo (AI) đến với HS các trường trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, tiếp tục đưa các tiện ích ứng dụng từ những thành quả của KH-CN vào nhà trường; đẩy mạnh hoạt động dạy-học trực tuyến để hình thành kho tài nguyên học liệu số, xây dựng môi trường học tập trực tuyến, phục vụ việc tự học của HS, việc học tập suốt đời của người dân và xây dựng xã hội học tập thông minh…


Đồng chí Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Đoàn đại biểu khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM) báo cáo tham luận “Phát triển TP Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP giai đoạn 2020 – 2035”

Ở nhóm giải pháp thứ hai, ngành GD-ĐT TP sẽ tập trung thực hiện Đề án “Đào tạo nhân lực trình độ Quốc tế giai đoạn 2020-2035 và đại học chia sẻ”. Ở Đề án này, Sở GD-ĐT TP đã tích cực phối hợp với Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH xây dựng Đề án tổng thể cùng với 9 đề án thành phần.

Đề án đưa ra quan điểm, mục tiêu cụ thể với 10 tiêu chí nhận diện nhân lực trình độ quốc tế, 3 mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể và 9 giải pháp có tính toàn diện. Đây sẽ là cơ sở để các trường ĐH được phân công xây dựng 9 đề án thành phần nhằm đào tạo nhân lực có trình độ Quốc tế của 8 ngành trọng điểm, gồm: CNTT-TT; cơ khí - tự động hóa; AI; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị và Đề án Đại học chia sẻ.

Kỳ vọng Khu đô thị sáng tạo phía Đông

Đồng chí Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Đoàn đại biểu khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM) báo cáo tham luận “Phát triển TP Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP giai đoạn 2020 – 2035”.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Nhã, TP.HCM đã tiến những bước dài trên con đường phát triển về thương mại, dịch vụ, công nghệ và hạ tầng đô thị. Khu vực phía Đông bước đầu hình thành những trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm, Q.2, Khu nghiên cứu khoa học - Khu công nghệ cao tại Q.9 và Q.Thủ Đức. Đây là một trong những tiền đề TP đưa ra ý tưởng xây dựng phía Đông TP (gồm 3 quận: Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức) trở thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế TP và khu vực phía Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới.

Khu vực phía Đông TP hiện sở hữu nhiều thế mạnh nổi trội như: Vị trí địa lý trung tâm miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận như tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021; tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch); cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn - sông Đồng Nai,… Đồng thời, khu vực đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái - Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.


Đồng chí Vũ Hải Quân (Phó Giám đốc Thường trực ĐH Quốc gia, Đoàn Đại biểu Đảng bộ ĐH Quốc gia TP.HCM)

Phía Đông TP có Hệ sinh thái khởi nghiệp hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, thuận lợi tạo ra được các sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Trong đó có Khu công nghệ cao; ĐH Quốc gia TP có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.

Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế

Tại Đại hội, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã có tham luận đưa ra các giải pháp cũng như sản phẩm cụ thể phát triển kinh tế tri thức ở TP.HCM. Đồng chí Vũ Hải Quân (Phó Giám đốc Thường trực ĐH Quốc gia, Đoàn Đại biểu Đảng bộ ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin, giai đọan 2020-2025, sẽ tiếp tục xây dựng các giải pháp, sản phẩm phát triển kinh tế tri thức ở TP.

Theo đó, giải pháp được xây dựng xoay quanh bốn trụ cột chính: giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học – đổi mới sáng tạo, hạ tầng CNTT và hệ thống thể chế chính sách, gắn liền với các chương trình đột phá và chương trình trọng điểm của TP, hướng tới các chỉ tiêu chính liên quan đến năng suất lao động, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; Đến năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc; Chi đầu tư cho KH-CN của xã hội đạt bình quân trên 1%/ GRDP.

Nhân lực là điểm tựa, KH-CN là đòn bẫy

Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, nhân lực chính là điểm tựa và KH-CN là đòn bẩy cho sự tăng trưởng nhanh, bền vững của TP. Hiện nay, hệ thống giáo dục từ MN đến PT tại TP.HCM có 2.385 trường với hơn 1,7 triệu HS. Có 54 trường ĐH, học viện với hơn 200.000 SV đang theo học nhiều ngành nghề khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP và cả nước, giáo dục TP.HCM phải không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

“Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là nguồn lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ mà phải là nguồn nhân lực trình độ Quốc tế. Nhân lực đó được đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn Quốc tế, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường toàn cầu, cạnh tranh tích cực với lao động từ mọi quốc gia trên thế giới. Đồng thời thích ứng nhanh chóng với CMCN 4.0”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Về GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chủ động tích cực tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực, cụ thể là: Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực và đại học chia sẻ giai đoạn 2020 – 2035; Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 – 2030; Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn năm 2030; Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020 – 2030.

Sản phẩm dự kiến bao gồm:

Các chương trình đào tạo trình độ Quốc tế ở các lĩnh vực được giao như CNTT-TT, cơ khí – tự động hóa, AI, quản lý đô thị. Các chương trình đào tạo này sẽ được thiết kế và xây dựng theo các chuẩn mực kiểm định Quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của TP trong việc phát triển kinh tế tri thức.

Thành lập và vận hành mô hình ĐH chia sẻ, tạo ra nền tảng để các trường ĐH trên địa bàn TP chia sẻ tài nguyên: tài liệu sách, giáo trình, hệ thống bài giảng…; Các sản phẩm ứng dụng AI trong lĩnh vực giao thông, y tế, tài chính.

T.Anh - N.Trinh