Thứ hai, 30/11/2020, 10h14

Đạo diễn trẻ được mùa

Các đạo diễn trẻ có cơ hội thể hiện phong cách dàn dựng mới trên sàn diễn cải lương và kịch nói là tín hiệu vui của sân khấu hôm nay

Tối 28-11, vở kịch "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" của đạo diễn Hoàng Tấn đã ra mắt khán giả tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP HCM), thu hút sự chú ý của số đông khán giả và giới chuyên môn khi vở kịch được đánh giá là có thủ pháp dàn dựng mới lạ. Các đạo diễn trẻ đã có nhiều sáng tạo độc đáo, góp phần mang đến cho người xem sự mãn nhãn về mặt nghe nhìn, đồng thời khẳng định sự kế thừa từ các đạo diễn đi trước.

Kết hợp hiện đại và truyền thống

Vở của đạo diễn Hoàng Tấn đã đưa công nghệ điện ảnh vào sân khấu, tạo bối cảnh sinh động, hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất của các diễn viên. Ưu điểm của màn ảnh led và gauze khi phối hợp đã tạo hiệu ứng không gian, cảnh trí rất độc đáo. Chiều sâu của không gian vì thế mang lại sự thích thú cho khán giả, nhất là những cảnh bãi biển, máy bay lượn trên không và cả cảnh những đứa bé bơi lội bên đàn cá tung tăng. Sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống trong dàn dựng đã mang lại cho Hoàng Tấn ưu thế tạo bố cục mở cho bản dựng đầu tay, để trong không gian đó, các diễn viên tha hồ tương tác.

Đạo diễn Dương Kim Tiến với vở "Bạch Đằng Giang", cũng kết hợp 2 yếu tố truyền thống và hiện đại, mang lại cho khán giả cải lương sự thích thú khi đón nhận từ một đạo diễn trẻ nỗ lực làm mới sàn diễn cải lương. Vở "Hồn ma bóng quỷ" của đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức cũng là một dấu ấn đẹp khi nữ đạo diễn trẻ này kết hợp độc đáo giữa ánh sáng, âm nhạc với cảnh trí, tạo bố cục lung linh cho một vở kịch đẹp như một bức tranh mang tính hiện đại.

Động cơ tạo nên sự bứt phá của các đạo diễn trẻ chính là muốn tạo ra khuynh hướng đổi mới trong hình thức dàn dựng. Đạo diễn Dương Kim Tiến cho rằng nỗ lực tìm tòi cái mới đã được các thầy cô đặt trọn niềm tin yêu cho thế hệ đạo diễn trẻ. "Kết hợp giữa hiện đại và truyền thống là chìa khóa sáng tạo để hướng tới những vở diễn có chiều sâu về mặt lý luận, qua hình thức dàn dựng gửi vào tác phẩm ý tưởng mới lạ phản ánh được đời sống sàn diễn trong thời hội nhập. Khán giả là người hưởng thụ, họ mua vé đến xem và có cái nhìn tinh tế hơn so với trước đây nên vở diễn muốn tồn tại phải nâng cao thủ pháp dàn dựng, biến hóa hình thức thể hiện để người xem đón nhận sản phẩm mới" - nữ đạo diễn của vở "Bạch Đằng Giang" nói.

Cảnh trong vở kịch “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” của Nhà hát Kịch TP HCM. Ảnh: Thanh Hiệp

Phản biện và tương tác

Chùm kịch ngắn của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM chính là điểm nhấn độc đáo trong cách tương tác, phản biện với người xem, mà chỉ có không gian "sân khấu nhỏ", diễn không cần micro mới hội đủ điều kiện khám phá nét mới trong dàn dựng. Nữ đạo diễn Tuyết Mai đã có một ê-kíp diễn viên giỏi nghề, làm cho 4 tiểu phẩm hài phản ánh thời sự xã hội những tiếng cười sâu sắc, giàu tính phản biện.

NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Tuyết Mai và Quốc Thịnh có thời gian gắn bó với kịch cà phê trước khi về với Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM nên cả hai có nhiều lợi thế và đo được sự tương tác của khán giả. Lần này, Tuyết Mai dàn dựng chùm kịch đã thật sự vận dụng ưu thế đó, để mỗi tiểu phẩm tạo tiếng cười châm biếm sâu sắc cho khán giả và cùng suy ngẫm các vấn đề thời sự được lồng ghép rất khéo trong kịch".

Trước đó, vở cải lương "Nguyễn Hữu Cảnh" của đạo diễn Nguyễn Minh Trường cũng chọn lối đi riêng để trong từng cảnh diễn, gửi gắm vào thủ pháp dàn dựng sự tương tác của khán giả về các tuyến nhân vật chính, phụ. Không gian văn hóa vùng miền được thể hiện rõ nét trong dàn dựng của Nguyễn Minh Trường. "Được sự dìu dắt, động viên của các thầy cô, tôi khai thác tối đa bố cục sân khấu, áp dụng với kỹ thuật và công nghệ, để tạo sự mới lạ trong dàn dựng, đồng thời tạo tính nhân văn cho vở diễn bằng những đặc trưng rất riêng của bộ môn nghệ thuật cải lương" - đạo diễn Minh Trường chia sẻ.

Góp ý với các đạo diễn trẻ, đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc cho rằng khuyết điểm lớn nhất là đa số các đạo diễn trẻ hiện nay của kịch và cải lương thường muốn đi vào những vấn đề lớn lao mà bỏ qua hoặc không khai thác hết chi tiết, những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng có thể gây ấn tượng mạnh và sức thuyết phục cao. "Để khai thác tận cùng gốc rễ của sự sáng tạo trong bố cục dàn dựng mới, đòi hỏi đạo diễn trẻ phải tư duy hình ảnh hiện đại trong bố cục dàn dựng. Cần tiếp thu những thành tựu từ sân khấu truyền thống và đặt mình vào tư thế phải tìm tòi, không đóng khung chính mình qua cách kể, cách diễn tả câu chuyện theo kiểu làm cũ" - đạo diễn - NSND Minh Ngọc góp ý thêm.

Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết Hội Sân khấu TP HCM sẽ tổ chức tọa đàm “Đạo diễn và hình thức dàn dựng hiện nay” tại 5B Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM vào sáng 4-12. Đây là cơ hội để đúc kết về mặt lý luận, giới thiệu về thủ pháp mới trong dàn dựng và tranh luận về nghề, tìm ra sự chuẩn mực trong việc áp dụng hiệu quả những thành tựu của công nghệ tiên tiến, góp phần lôi kéo khán giả đến với tác phẩm mới của đội ngũ đạo diễn trẻ hôm nay.
 

Theo Thanh Hiệp/NLĐO