Thứ bảy, 14/3/2020, 19h13

Đạo làm con phải thương cha mẹ

Vic con dâu (Phm Th Loan, 57 tui) và con trai (Võ Quc Tun, 56 tui) ngưc đãi m già (88 tui) huyn Ch Go, tnh Tin Giang đã gây phn n dư lun trong nhng ngày qua.

nh minh ha. Ảnh: I.T

Khi cha mẹ tuổi đã già, đó là quãng thời gian mà con cái cần quan tâm, chăm sóc nhiều nhất. Ở giai đoạn này, cha mẹ cần con cái hơn bao giờ hết bởi cha mẹ “quay lại thời con nít - con nít lần thứ hai”. Lúc này cha mẹ già yếu rồi, sức khỏe và tinh thần đang theo chiều đi xuống, bởi vậy con cái hãy nghĩ về thời thơ ấu cha mẹ chăm sóc mình để mình chăm sóc lại cha mẹ như thế. Đạo làm con là vậy.

Thế nhưng, rất nhiều trường hợp con cái “đền ơn” cho cha mẹ bằng nỗi đau (hắt hủi, chửi bới, đuổi ra khỏi nhà, thậm chí là gây ra những cái chết thương tâm). Rất nhiều người con đã nhẫn tâm với đấng sinh thành. Thật đáng lên án vô cùng.

Hãy biết yêu thương cha mẹ, quan tâm cha mẹ bằng những gì nhỏ bé nhất, gần gũi nhất. Đừng tạo áp lực cho cha mẹ khi cha mẹ đã đến tuổi gần đất xa trời.

Cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho chúng ta. Khi cha mẹ đã già, đó là lúc chúng ta hãy hy sinh nhỏ nhoi dành nhiều thời gian bên cha mẹ, chăm sóc cha mẹ. Hãy ở bên cha mẹ nhiều hơn và hiểu nỗi lòng cha mẹ hơn như cha mẹ từng bên cạnh chăm sóc, lắng nghe những tiếng nói bi ba bi bô khi ta còn nhỏ, khi ta lớn lên và khi ta lập gia đình.

Chúng ta hãy nhớ rằng, khi cha mẹ già đi đồng nghĩa với sức khỏe kém dần, những bước chân có thể không còn vững nữa, khi đó ta hãy dìu cha mẹ từng bước như cha mẹ từng dìu dắt ta khi ta chập chững từng bước đi.

Khi cha mẹ ăn uống có rơi vãi lung tung, ta hãy nhẫn nại để cha mẹ ăn uống một cách ngon nhất. Đừng tỏ vẻ khó chịu bởi ngày xưa cha mẹ đã nhẫn nại với ta như thế. Ta cần dỗ dành để cha mẹ ăn nhiều hơn một chút, ngon hơn một chút. Đừng ép cha mẹ phải ăn uống nhiều. Đôi lúc ép cha mẹ ăn nhiều, ăn món này món nọ chưa hẳn là sự chăm sóc tốt. Bởi những lúc đó cha mẹ không đói, không thích những món ăn như vậy. Làm được như thế mới là cách giúp cha mẹ ăn uống ngon nhất.

Khi cha mẹ không siêng tắm rửa như trước, thậm chí rất ngại việc tắm rửa, ta hãy khoan đã buồn, khoan đã trách cha mẹ. Thời bé thơ ta đã từng như thế. Chính cha mẹ đã “sáng kiến” đủ cách để ta thích thú hơn trong việc tắm rửa. Nghĩ được như vậy, ta hãy nhỏ nhẹ dùng những lời khuyên giúp cha mẹ hứng thú hơn.

Quan sát thấy cha mẹ mỗi lúc thay quần áo khó khăn, đó là điều tất yếu bởi tay chân cha mẹ không còn khỏe mạnh, lanh lợi như xưa. Ta hãy nhẹ nhàng giúp cha mẹ thay quần áo vì cha mẹ đã làm như thế cho ta một thời.

Khi nghe cha mẹ nói đi nói lại một điều gì đó, ta cần hiểu rằng người già hay lẩm cẩm; khi cha mẹ thường hay quên, ta hãy nhẫn nại nhắc lại cho cha mẹ nhớ. Tất cả những điều đó ta đã từng là người trong cuộc: ta từng nói linh tinh, từng thích những câu chuyện mà cha mẹ kể đi kể lại, từng quên vô số điều mà cha mẹ dặn.

Thời đại của công nghệ thông tin - khoa học kỹ thuật, cha mẹ tiếp nhận không được thành thạo, ta hãy hướng dẫn cha mẹ một cách nhẹ nhàng bằng những lời nói tế nhị để cha mẹ từ từ tìm hiểu như cha mẹ từng dạy ta biết bao điều. Và điều quan trọng hơn, để chúng ta tiếp nhận những gì tiên tiến này cũng từ công sức của cha mẹ nuôi dưỡng. Biết bao điều khác nữa để chúng ta yêu thương và nhẫn nại với cha mẹ. Khi chúng ta yêu thương và nhẫn nại, ta sẽ đặt mình vào cha mẹ và nghĩ về những gì cha mẹ đã làm cho mình, ta càng chăm sóc cha mẹ tốt hơn. Đạo làm con là vậy.

Người ta nói rằng: “Mỗi người chỉ có một cha mẹ, chẳng có gì thay thế được”. Đúng như thế. Bởi vậy con cái hãy luôn kính yêu cha mẹ, hết mình vì cha mẹ. Cuộc sống sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa khi thiếu vắng đấng sinh thành.

Hoàng Thái Hùng (TP.HCM)