Thứ năm, 6/8/2020, 09h57

Đào tạo ca sĩ theo cách truyền nghề

Đào tạo ca sĩ theo công thức của showbiz Hàn Quốc, Nhật Bản đã không gặt hái thành công như mong đợi, showbiz Việt trở lại phương thức đào tạo truyền nghề nhưng chưa biết hiệu quả ra sao

Sơn Tùng M-TP và công ty của anh (M-TP Entertainment) tạo bất ngờ khi ra mắt fanpage mới có tên "M-TP Talent", chính thức công bố ra mắt công ty đào tạo ca sĩ của riêng mình cùng 2 cộng sự không xa lạ với khán giả showbiz Việt là Kay Trần và nhà sản xuất âm nhạc (producer) Onionn. Sơn Tùng M-TP là một trong những ca sĩ nổi tiếng của showbiz Việt tham gia vào công việc kinh doanh đào tạo ca sĩ theo cách thức truyền nghề hiện nay.

Khi công thức ngoại không phù hợp

Khi K-pop (thị trường âm nhạc Hàn Quốc) hay J-pop (thị trường âm nhạc Nhật Bản) trở thành chuẩn mực cho nhiều thị trường giải trí học theo, trong đó có Việt Nam, hàng loạt nhóm nhạc, ca sĩ được tuyển lựa, đầu tư, đào tạo theo đúng công thức của K-pop, thậm chí do chính các công ty giải trí của K-pop, J-pop tham gia được thực hiện tại Việt Nam. Nhưng sau một thời gian ra mắt, nhiều ca sĩ được đào tạo từ những công thức ngoại này đã không thành công.

Nhóm nhạc nữ thần tượng đào tạo theo mô hình J-pop. Ảnh: Leon

Là nhóm nhạc nữ thần tượng đầu tiên của V-pop được xây dựng theo mô hình Hàn Quốc, X5 được kỳ vọng sẽ trở thành nhóm nhạc tươi mới của thị trường nhạc Việt. Nhưng X5 đã nhanh chóng rã đám sau 2 năm hoạt động. YounQ là phiên bản Việt của nhóm nhạc Hàn Quốc Girls’ Generation cũng mất hút chỉ sau một thời gian ngắn, dù đơn vị quản lý không ngại chi tiền tỉ để mời đạo diễn Bone Hồ thực hiện MV cho nhóm.

Không sao chép toàn bộ mô hình nhưng công thức đào tạo "chuẩn Hàn" của cặp đôi nhạc sĩ, ca sĩ Ông Cao Thắng - Đông Nhi cũng không giúp cho "gà cưng" Uni5 hay LipB khấm khá hơn. Cả hai nhóm này không có gì đặc biệt để được khán giả chú ý và trở thành hiện tượng. Còn LIME, 3 cô gái đã cất công sang các lò đào tạo của Hàn Quốc để học tập, thậm chí cũng tham gia một số sô diễn thực tế của Hàn Quốc nhưng khi trở về nước, vẫn chưa thực sự được đông đảo khán giả biết đến, sản phẩm đột phá tạo hit (ăn khách) của nhóm chưa có.

Hai nhóm nhạc được đào tạo theo mô hình đặc sệt Nhật Bản là P336 hay SG048 cũng không có nhiều đất để dụng võ, hoạt động cầm chừng, dù số tiền đầu tư của cả hai là bạc tỉ.

Những hứa hẹn mang ca sĩ Việt "tấn công" thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí châu Á của các công ty Hàn, Nhật khiến bất cứ ca sĩ nào cũng thấy hấp dẫn. Thế nhưng, giấc mơ ấy không dễ thành hiện thực. Ca sĩ Hồng Nhung cho rằng: "Ca sĩ Việt thì cứ tính thị trường bản địa trước đã. Khi chưa chinh phục được khán giả trong nước thì đừng nghĩ đến chuyện xa xôi khác vì chúng ta biết chắc sự thành công đó sẽ không bao giờ đến".

Trở về công thức truyền nghề

Tới thời điểm này, ngoài các học viện âm nhạc đào tạo bài bản, hình thức truyền nghề đang trở lại mạnh mẽ. Việc Sơn Tùng M-TP thành lập M-TP Talent đã được thông báo từ đầu năm với mục tiêu "sẽ ra mắt sớm thế hệ kế tiếp".

Sơn Tùng M-TP tâm sự anh từng ôm ấp giấc mơ làm ca sĩ khi tuổi 18 và đã phải trải qua nhiều cảm xúc cay đắng trên con đường thực hiện ước mơ của mình. Nghĩ sẽ còn rất nhiều trai xinh, gái đẹp thế hệ sau với giấc mơ trong vắt, đang trên con đường tìm kiếm và biến giấc mơ của mình trở thành sự thật, Sơn Tùng muốn họ được bay nhảy trong âm nhạc và được người khác tôn trọng. Không dám hứa chắc rằng M-TP Talent sẽ là nơi đưa các bạn trẻ nổi tiếng nhưng có thể hứa đó sẽ là nơi đàng hoàng nhất đối với tất cả.

Ca sĩ Mỹ Linh cùng chồng là nhạc sĩ Anh Quân thành lập nên trung tâm đào tạo âm nhạc thanh thiếu niên mang tên Young hit young beat cũng vì ước mơ về một trại hè âm nhạc có ích cho những đứa trẻ (từ 5 đến 18 tuổi). Ở đó, những đứa trẻ vừa học nhạc vừa chơi bằng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên tâm huyết tài năng (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Ca sĩ Hồng Nhung cũng đang dốc tâm sức cho Celeb Academy vì "phải phấn đấu, tìm hiểu về các lĩnh vực khác nhiều hơn nữa để có thể gọt giũa một viên kim cương thô ráp trở thành sáng chói, có giá trị và sức ảnh hưởng đến thế giới xung quanh" - Hồng Nhung nuôi tham vọng.

Ca sĩ Trọng Tấn cũng hợp tác với ca sĩ Thanh Lam để đào tạo nên một thế hệ ca sĩ mới. Anh tự tin với kinh nghiệm hơn 10 năm đứng lớp tại nhạc viện và cả kinh nghiệm cọ xát thực tế trong đào tạo và biểu diễn của mình cũng như Thanh Lam, "chúng tôi sẽ góp phần bổ khuyết cho thị trường âm nhạc Việt những ca sĩ cứng cáp hơn, tự tin hơn".

Ngoài ra, ca sĩ Thùy Dung, vợ chồng Bùi Công Duy - Trinh Hương… cũng có những trung tâm đào tạo riêng với tâm huyết tạo nên những giọng ca chất lượng cho đời sống nhạc Việt.

Chưa biết mô hình đào tạo truyền nghề này sẽ mang lại hiệu quả đến đâu nhưng giới chuyên môn nhận thấy để ca sĩ có màu sắc riêng, khán giả riêng, phát triển đúng hướng, đặc biệt là nghiêm túc làm nghề, có lẽ ca sĩ Việt đàn anh, đàn chị với kinh nghiệm hoạt động nghề lâu năm, nắm rõ hơn các công ty ngoại. 

Cùng nhau gánh vác trách nhiệm

Sơn Tùng M-TP với vai trò "ông bầu" tuyên bố: "Không chỉ có một mình Sơn Tùng mà sẽ có cả một thế hệ nghệ sĩ Việt Nam cùng nhau gánh vác trách nhiệm đưa mô hình giải trí nước nhà phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Chúng ta không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn mang lại lợi ích cho ngành giải trí Việt Nam nói chung, âm nhạc nói riêng. Đây là giấc mơ rất lớn của chúng tôi".

Theo Thùy Trang/NLĐO