Thứ năm, 19/12/2019, 10h02

Đào tạo... đi sau các xu hướng mới

Dữ liệu lớn và máy học, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp dựa trên blockchain, kết nối vạn vật, thực tế ảo... là những kỹ năng nghề đã được ứng dụng trong thực tế và rất cần nhân lực.
Bạn trẻ tham gia cuộc thi Thử thách trí tuệ nhân tạo do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức /// Nguyễn Ngọc Tú
Bạn trẻ tham gia cuộc thi Thử thách trí tuệ nhân tạo do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức. Nguyễn Ngọc Tú
Nhưng việc đào tạo liên quan các lĩnh vực trên tại các trường ĐH, CĐ đang còn rất nhiều khoảng trống.
Phải thuê nhân công nước ngoài với giá cao
Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc chiến lược vùng của Infinity Blockchain Labs kiêm Giám đốc điều hành Blockchain Việt Nam Corporation, cho biết: “Cách đây 2 - 3 năm, do ở Việt Nam không có người có chuyên môn về blockchain để tuyển nên chúng tôi phải thuê nhân lực châu Âu làm việc với giá 20 - 30.000 USD/tháng. Đến thời điểm này, nhân lực blockchain trong nước dù đã có nhưng vẫn rất ít trong khi nhu cầu tuyển dụng rất cao. Mức lương mà doanh nghiệp trả cho kỹ sư có chuyên môn này luôn cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi kỹ sư công nghệ thông tin thông thường”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc điều hành VietAI (Tổ chức Trí tuệ nhân tạo Việt), cũng thông tin thị trường mảng AI (trí tuệ nhân tạo) vô cùng khan hiếm nhân lực. Ông Tú chia sẻ: “Chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng về người có khả năng làm việc về AI, nhưng rõ ràng trên thực tế cầu nhiều hơn cung. Giữa đào tạo và tuyển dụng đang có độ chênh lớn. Có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam không dự báo được chính xác nhu cầu nhân lực do chưa hình dung ra doanh nghiệp mình trong tương lai cần ứng dụng AI vào những sản phẩm gì, phát triển ra sao. Thứ hai, các trường ĐH, CĐ cũng không nắm bắt được thị trường đang có nhu cầu lớn như vậy, nên vẫn tiếp tục đào tạo các chương trình truyền thống”. Theo ông Tú, kỹ sư AI, người phát triển sản phẩm AI có mức lương trung bình 1.200 - 1.500 USD/tháng, kỹ sư thực hiện về AI lương 2.500 - 4.000 USD/tháng và chuyên gia nghiên cứu về AI lương từ 4.000 - 6.000 USD/tháng.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều ngành nghề đang trở thành xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam nhưng lại đang có lỗ hổng về nhân lực. Mới đây, tại kỳ thi Tay nghề thế giới được tổ chức tại Nga, 24 kỹ năng nghề lần đầu tiên được trình diễn, như các giải pháp dựa trên blockchain, công nghệ composite, trí tuệ nhân tạo, nhà máy kỹ thuật số, thiết kế thời trang kỹ thuật số, vận hành vật thể bay không người lái, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và máy học, phát triển ứng dụng di động, công nghệ lượng tử, chép hình nhanh, tích hợp hệ thống robot, hàn robot, kỹ thuật hệ thống không gian, thực tế ảo...
Không có chiến lược đào tạo sẽ không thể cạnh tranh
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), chia sẻ những kỹ năng nghề trên đều đã xuất hiện ở các nước phát triển. Trong đó, trí tuệ nhân tạo, giải pháp dựa trên blockchain, thực tế ảo, dữ liệu lớn và máy học... đều đã được ứng dụng ở Việt Nam, trong các doanh nghiệp lớn hoặc một số trường ĐH, CĐ. “Tuy nhiên, chúng chưa được xây dựng thành các ngành học. Những nghề này đều ở chuyên môn hẹp, mang tính kỹ năng”, ông Trường nói.
Theo ông Trường, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam bỏ rất nhiều tiền để nhập công nghệ nước ngoài về, nhưng thiếu đội ngũ có kỹ năng để vận hành nên rất khổ sở và chật vật. “Chúng ta không thể thuê toàn bộ nhân công nước ngoài được. Các doanh nghiệp phải có chiến lược lâu dài để có được đội ngũ nhân lực cho mình, và hệ thống trường nghề cũng ngay lập tức phải triển khai các kế hoạch đào tạo theo xu thế này, nếu không sẽ thua thiệt. Doanh nghiệp và trường học ngày nay không thể theo sau công nghệ mà phải bắt nhịp, song hành, thậm chí đi trước mới không bị hụt hơi trong cạnh tranh. Trước hết, chúng ta cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, rồi xây dựng chương trình đào tạo. Tại Kỳ thi tay nghề quốc gia vào năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ tổ chức trình diễn các kỹ năng nghề mới này”, ông Trường thông tin thêm.
Trong khi đó, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, cho rằng trước mắt, để đáp ứng xu hướng, các trường nên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để tích hợp các kỹ năng nghề mới vào chương trình đào tạo. “Đây là điều rất cần thiết vì nếu không bắt đầu từ bây giờ thì sẽ trễ mất. Các kỹ năng về công nghệ số, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo... phải được xây dựng thành những mô đun tích hợp vào các môn học phù hợp để người học được tiếp cận dần dần”, bà Thủy nhận định.
Tiến sĩ Lê Đình Kha, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng nêu quan điểm: “Chúng ta phải làm càng sớm càng tốt. Nhiều ngành nghề, kỹ năng rất cần nhân lực nhưng chưa có trong đào tạo, chẳng hạn ngành bảo trì máy bay, muốn làm việc phải học ở Singapore... Muốn vậy, doanh nghiệp và trường nghề nhất định phải hợp tác với nhau để cùng đầu tư vào các ngành, kỹ năng mới này để tạo nền tảng bài bản phát triển chung cho đất nước, chứ không thể cứ mãi thuê nước ngoài hoặc ra tận nước ngoài học”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Xuân Tiến, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hiện đang là nghiên cứu sinh về đào tạo nghề tại Đức, lưu ý: "Đây là những nghề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thậm chí nước Đức họ cũng chưa đào tạo đầy đủ như IoT (Internet vạn vật). Tuy nhiên, doanh nghiệp của họ đã quen với việc đào tạo tại chỗ nên không gặp khó khăn nhiều. Như Intel lúc mới vào Việt Nam cũng vậy, họ cũng phải mất 10 năm để chuẩn bị nhân lực. Vì thế nếu không chuẩn bị từ bây giờ thì 5, 10 năm sau chúng ta cũng không tự đào tạo được nguồn nhân lực của những ngành nghề này".
Theo ông Tiến, để xây dựng được chương trình đào tạo các ngành nghề, kỹ năng nghề đang là xu hướng đó, các trường và doanh nghiệp cần phối hợp ngay từ lúc khảo sát nhu cầu đến việc xây dựng chương trình và thực hiện đào tạo cũng như cùng đánh giá chất lượng đầu ra của học sinh - sinh viên. Đó là một vòng tròn khép kín và luôn phát triển lên mức ngày càng cao hơn. "Trước tiên chúng ta cần phải có khung chuẩn quốc gia về kỹ năng nghề cho các nghề đang có tại doanh nghiệp, xây dựng một hệ thống chính thức và hoàn chỉnh để làm cơ sở cho việc phát triển chương trình đào tạo. Phải bắt đầu từ doanh nghiệp, sau đó được thống nhất bởi các tổ chức hiệp hội nghề rồi mới ban hành chính thức", ông Tiến nhìn nhận.
Theo Mỹ Quyên/TNO