Thứ năm, 9/3/2023, 10h46

Dassault Systèmes đưa các phần mềm thiết kế ‘lên mây’

Các phần mềm thiết kế của Dassault Systèmes được áp dụng điện toán đám mây để mọi người có thể truy cập từ xa, dễ dàng chia sẻ bản thiết kế và gia tăng khả năng cộng tác...
Tại sự kiện 3DExperience World 2023 mới đây, Dassault Systèmes - công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, mô phỏng đã công bố tất cả các giải pháp chính của họ sẽ được “đưa lên mây”. 
SolidWorks và 3DExperience, hai nền tảng của Dassault Systèmes, vốn được dùng nhiều trong thiết kế sản phẩm (ô tô, máy bay, robot...), mô phỏng nhà máy thông minh, xây dựng mô hình 3D thành phố thông minh... Hai nền tảng này vốn được cài đặt trên máy tính, nay sẽ được tích hợp thêm điện toán đám mây để người dùng có thể sử dụng và truy cập từ xa.
Ông Gian Paolo - Phó Chủ tịch cao cấp Dassault Systèmes cho hay, kể từ ngày 1/7/2023, mọi chức năng chính của nền tảng thiết kế SolidWorks sẽ được tích hợp các giải pháp đám mây. Từ đó, các bản vẽ thiết kế của người dùng SolidWorks có thể được đưa lên trình duyệt web, để bất kỳ ai được cấp phép đều có thể xem và tham gia thảo luận mà không cần cài đặt phần mềm.
Ông Gian Paolo - Phó Chủ tịch cao cấp Dassault Systèmes phát biểu tại sự kiện 3DExperience World 2023.
Ông Gian Paolo cho biết, việc đưa các nền tảng lên mây sẽ giúp quá trình làm việc nhóm diễn ra thuận tiện hơn. Với một bản thiết kế được đưa lên Internet, nhiều bên đều có thể nhìn thấy và tham gia góp ý, chỉnh sửa.
Trong các dự án lớn, đôi khi phòng tiếp thị sẽ muốn cộng tác với nhóm kỹ sư, với đội ngũ bán hàng, với phòng quảng cáo... thì chỉ có phần mềm hoạt động trên mây mới bảo đảm được sự kết nối từ nhiều bên như vậy.
Không những vậy, hai ưu điểm của điện toán đám mây chính là khả năng mở rộng và tính dễ dàng truy cập. Công ty muốn tận dụng các điểm mạnh này để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Về khả năng mở rộng, điện toán đám mây có ưu thế nâng cấp hệ thống rất nhanh chóng. Khi doanh nghiệp cần, công ty cung cấp có thể đáp ứng một hệ thống để sử dụng rất nhanh theo từng giờ, từng phút. Trong khi đó, để thiết lập một hệ thống máy tính tại chỗ rất tốn nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, các máy móc phải thật sự mạnh mẽ. Tuy vậy, trên thực tế không phải khi nào doanh nghiệp cũng tận dụng hết công suất hệ thống, chỉ khoảng 40-45% thời gian làm việc là cần một hệ thống mạnh như thế.
Đám mây cũng dễ truy cập từ nhiều người dùng khác nhau. Người dùng chỉ cần một chiếc laptop bình thường, thậm chí một chiếc iPhone là có thể truy cập vào các ứng dụng trên web để quản lý dự án, xem các bản thiết kế với đầy đủ góc nhìn.
“Ngoài ra, đám mây được cung cấp dưới dạng dịch vụ. Khi cần thiết thì người dùng mua thêm, khi không cần dùng khối lượng lớn thì có thể điều chỉnh giảm. Về cơ bản, khách hàng sẽ chỉ trả tiền cho phần tài nguyên mình sử dụng, không bị phí phạm. Bên cạnh đó, cloud được quản lý theo người dùng. Từ đó doanh nghiệp có thể biết được ai dùng cái gì, lúc nào, ở đâu, vừa gia tăng mức độ quản lý vừa biết được chi phí bỏ ra có hữu ích hay không. Giả sử quan sát thấy một sản phẩm ít được dùng tới, có thể ngừng thuê hoặc giảm bớt dung lượng để tiết kiệm chi phí”, đại diện Dassault Systèmes nói.
Việc Dassault Systèmes đưa các nền tảng thiết kế “lên mây” giúp người sử dụng dễ dàng chia sẻ bản thiết kế và gia tăng khả năng cộng tác với nhiều đối tượng khác nhau.
Hải Đăng (theo vietnamnet)