Thứ năm, 23/3/2023, 16h31

Dấu ấn 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam

Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, điện ảnh Việt Nam dù đang đứng trước nhiều thử thách nhưng luôn nỗ lực để khẳng định và phát triển, tạo được diện mạo, dấu ấn riêng để hội nhập với điện ảnh thế giới.


Triển lãm “Dấu ấn 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam” diễn ra sáng 23-3

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam, Nhà Văn hóa Điện ảnh TP.HCM đã phối hợp với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức triển lãm “Dấu ấn 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam (15-3-19953/15-3-2023)”.

Tại đây, khách tham quan đã được thưởng lãm hơn 200 bức ảnh tạo nên diện mạo cũng như tạo dấu ấn riêng cho nền điện ảnh nước nhà trong 70 năm qua.

Đầu tiên là không gian về sự ra đời của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tại đây, triển lãm giới thiệu những hình ảnh tư liệu về sắc lệnh 147/SL ngày 15-3-1953 thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam; Con dấu “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”; Điện ảnh Bưng biền - Nam bộ 1947-1952; Bác Hồ với Điện ảnh Đồi Cọ (Việt Bắc) giai đoạn 1950-1952.


Viện phim Việt Nam tặng ban tổ chức bộ sưu tập hình ảnh lưu trữ

Tiếp theo là không gian giới thiệu khoảng 30 ảnh tư liệu về 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam (1970-2021) và một số tác phẩm ghi dấu ấn lịch sử cho điện ảnh cách mạng Việt Nam. Liên hoan Phim Việt Nam là sự kiện điện ảnh quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức định kỳ 2-3 năm/lần. Giải thưởng Bông Sen Vàng là giải thưởng điện ảnh quốc gia quan trọng nhất tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam được trao cho những bộ phim xuất sắc nhất về nội dung tư tưởng, thủ pháp nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật. Qua 22 kỳ liên hoan phim quốc gia đã có hơn 130 tác phẩm điện ảnh thuộc các thể loại phim tài liệu, phim truyện và hoạt hình được vinh danh. Bên cạnh đó là những bức ảnh giới thiệu điện ảnh thời kháng chiến giai đoạn 1953-1975, hình ảnh, áp-phích của 59 tác phẩm điện ảnh sản xuất thời kỳ kháng chiến được trao giải thưởng Bông Sen Vàng tại các Liên hoan Phim Việt Nam lần I (1970), II (1973) và III (1975). Ngoài ra còn có một số hoạt động, sự kiện nổi bật diễn ra trong thời kỳ kỳ thống nhất và xây dựng đất nước (1976-1985), hình ảnh những tác phẩm diện ảnh sản xuất thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước (1976-1985) được trao tặng giải thưởng Bông Sen Vàng tại các Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ IV (1977), V (1980), VI (1983) và VII (1985).


Khách tham quan triển lãm

Cuối cùng, khách tham quan đã được nhìn lại chân dung 76 nghệ sĩ điện ảnh tiêu biểu được vinh danh nghệ sĩ nhân dân ngành điện ảnh từ năm 1984 đến 2019.

Ngày 15-10-1947 tại chiến khu Bưng biền Đồng Tháp Mười, Bộ Tư lệnh Khu 8 Nam Bộ đã thành lập Tổ Nhiếp - Điện ảnh, trực thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Khu đặt nền móng hình thành điện ảnh cách mạng ở Nam Bộ.

Tháng 7-1950, Phòng Điện - Nhiếp ảnh được thành lập tại khu Đồi Cọ (Định Hóa, Thái Nguyên), trực thuộc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Các em sinh viên ngắm nhìn lại hình ảnh điện ảnh cách mạng Việt Nam

Ngày 15-3-1953 trên chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL lịch sử, thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Qua những chặng đường xây dựng và phát triển, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân ta.

Dịp này, ban tổ chức cũng giới thiệu những hình ảnh của ấn phẩm sách “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử”  do Viện Phim Việt Nam biên soạn.  

Triển lãm diễn ra từ ngày 23-3 đến 6-4 tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM (cơ sở TP.Thủ Đức).

Hồ Trinh