Thứ sáu, 26/2/2021, 09h34

Dạy học trực tuyến: Thực hiện mục tiêu kép, chủ động chống dịch trong tình hình mới

Không còn lúng túng khi tiếp cận dạy học trực tuyến, trong lần dạy trực tuyến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2021, trường học tại TP.HCM đã rất chủ động. Các kế hoạch dạy học được xây dựng bài bản, lớp học trực tuyến được thiết kế đa dạng trên nhiều nền tảng, phù hợp với học sinh, đặc thù từng môn học.


Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du trong tiết dạy trực tuyến môn Toán

Đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, dạy học trực tuyến được xem là giải pháp hữu hiệu, cần thiết, giúp toàn ngành GD-ĐT TP thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới: vừa chống dịch hiệu quả, vừa không làm gián đoạn việc dạy và học, hoàn thành các mục tiêu giáo dục năm học.

Giáo viên nỗ lực thay đổi

Ngay khi nắm thông tin việc học trực tuyến sẽ được tiếp tục thực hiện sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cô Nguyễn Thị Diến (giáo viên Hoá, Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10) đã dành thời gian “chuyển đổi” giáo án bài giảng để phù hợp hơn với phương thức trực tuyến. Trong đó, cô Diến chú trọng đến các công cụ như thiết kế trò chơi điểm danh, mini game bài tập, các thí nghiệm ảo, kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực để tạo sự hứng thú cho học sinh trong tiết học online. “So với thời điểm này năm ngoái thì hiện nay giáo viên đã quen với phương thức dạy học trực tuyến, tiếp cận được với nhiều nền tảng triển khai khác nhau dựa trên điều kiện của nhà trường và bản thân giáo viên. Điều quan trọng trong tiết học trực tuyến đó là níu chân học sinh ngồi trước màn hình từ đầu buổi học đến cuối mỗi buổi học mà không làm các em… ngáp ngắn ngáp dài”.

Việc sử dụng các công cụ trong giờ học trực tuyến, cô Diến cho biết, ưu tiên những công cụ phù hợp với mục tiêu bài học đồng thời thích ứng được với phương pháp giáo dục tích cực mà giáo viên sử dụng. “Với mỗi giờ học trực tuyến là cơ hội để bản thân đầu tư bài giảng theo một hướng mới, đưa những thí nghiệm ảo đến học sinh, khai thác thêm nguồn tài nguyên, công cụ làm phong phú bài giảng, mở rộng kiến thức tạo cho học sinh hướng tiêp cận khác… Đây cũng là cách giúp trang bị thêm cho học sinh kỹ năng sử dụng các công cụ, tăng cường hợp tác trực tuyến hoàn thành nhiệm vụ học tập”.

Không còn lúng túng, bỡ ngỡ, phương thức dạy học trực tuyến hiện đang được giáo viên tiếp cận với một tâm thế sẵn sàng. Dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà đang là “cầu nối” đưa kiến thức đến với học sinh, đồng thời là cơ hội để giáo viên thay đổi bản thân, biến những tiết học trực tuyến thành những giờ học khác biệt, cô trò cùng trải nghiệm. “Có những kiến thức chỉ ở tiết học trực tuyến mới dễ dàng truyền tải đến từng học sinh do có sự “tham dự” của internet. Để giờ học trực tuyến được sinh động như giờ học trực tiếp, trong mỗi tiết học trực tuyến mình luôn cố gắng tích hợp nhiều công cụ giảng dạy khác nhau như hình ảnh, âm thanh, video, trò chơi, sử dụng bảng, tăng tính tương tác của học sinh…”, cô Nguyễn Bích Chi (giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Vân Đồn, Q.4) chia sẻ.

Nỗ lực trong giờ học trực tuyến cũng được cô Chi thể hiện qua bài soạn giáo án Powerpoint phù hợp. Trong đó, nội dung được tinh gọn, cô đọng, tích hợp phương pháp kỹ thuật, trò chơi liên quan với bài học, đặc biệt là am hiểu các chức năng công cụ của ứng dụng để quản lý lớp học ảo được tốt. “Mình cũng phải lường trước những tình huống sư phạm gặp phải trong giờ học ảo, ví dụ như học sinh mở ứng dụng nhưng không học mà… đi ngủ. Học sinh có hàng trăm lý do để không học trực tuyến, nên với giờ học trực tuyến, bên cạnh kỹ thuật về CNTT, kỹ năng phương pháp giảng dạy thu hút, linh hoạt thì cũng cần giáo viên có sự mềm dẻo, động viên học sinh, thưởng nhiều hơn phạt…”.

Chuyển đổi từng nhà trường

Theo một khảo sát được thực hiện ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2021 trên một group có trên 221 ngàn học sinh tại TP.HCM theo dõi, về việc học trực tuyến hay học tại lớp. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới trên 80% học sinh lựa chọn hình thức học ở lớp hơn là học trực tuyến tại nhà, chỉ có 20% lựa chọn hình thức học trực tuyến. “Học ở lớp dễ hiểu hơn, có gì thắc mắc trực tiếp hỏi luôn thầy cô, bạn bè, không phải chờ đợi gì cả. Còn học trực tuyến qua phần mềm, dù vẫn là bài học đó nhưng cứ chăm chăm nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại, sự tương tác qua lại giữa thầy cô và bạn bè bị hạn chế nên rất đau mắt, lại hay bị phân tâm. Đó là chưa kể việc học có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào khi cam (camera) bị hư, âm thanh bị hỏng, bập bõm…”, Quốc Thịnh (học sinh một trường THPT tại Q.Bình Tân) bày tỏ.

Nắm được tâm lý học sinh đối với học trực tuyến, các cơ sở giáo dục tại TP.HCM đã có nhiều giải pháp linh hoạt trong việc dạy trực tuyến, nhằm đưa kiến thức đến với học sinh. Các nhà trường xây dựng thời khoá biểu học trực tuyến với sự tiết giảm thời lượng số môn học, thời lượng trong một tiết học, nhằm đảm bảo học sinh có thể dễ dàng thích nghi, nắm kiến thức khi chuyển đổi hình thức.

Tại Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), thời khoá biểu học trực tuyến được thiết kế trên nền tảng VNPT áp dụng theo khối, từ thứ hai đến thứ sáu. Mỗi tiết học kéo dài 35 phút. Buổi sáng 3 tiết bắt đầu từ 8g, sau tiết thứ 2 học sinh có 15 phút nghỉ giải lao. Buổi chiều học 2 tiết từ thứ hai đến thứ năm, bắt đầu lúc 2g. Xen kẽ với các tiết học, ở các khối lớp đều có những tiết tự học, học sinh làm bài tập và ôn lại kiến thức của các bộ môn đã học. Việc dạy trực tuyến được Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) kết hợp song song 2 nền tảng: Google Meet và web trường. Trong đó, nền tảng Google Meet được áp dụng giảng dạy ở các bộ môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hoá học, linh hoạt theo từng khối, lớp. Đối với các bộ môn khác, nhà trường tiến hành quay các video áp dụng theo nội dung bài học của tuần. Lồng ghép trong các video của từng môn học là các phần bài tập, để làm được buộc học sinh phải xem hết video và có sự nghiên cứu bài học. “Việc học trên nền tảng Google Meet học sinh sẽ được điểm danh, nếu các em vào trễ hoặc vắng sẽ được đánh giá vào chuyên cần. Để việc học trực tuyến được hiệu quả, nhà trường đề nghị cha mẹ học sinh giám sát, hỗ trợ quá trình học sinh học trực tuyến, phối hợp với giáo viên để hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập”, đại diện nhà trường thông tin.

Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), các lớp học ảo được triển khai ở 9 môn học (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, GDCD) ở tất cả các khối lớp theo thời khoá biểu riêng của từng lớp. Ngoài ra, nhà trường cũng tiến hành dạy trực tuyến đối với môn Kỹ năng sống với thời lượng 2 tiết/tuần/lớp cho học sinh toàn trường. Học sinh cũng được học nấu ăn, làm bánh thông qua các video trên trang web trường do tổ giáo viên nữ công gia chánh thực hiện. Giáo viên khi lên lớp được yêu cầu đến trường dù không có học sinh.

“Môn Kỹ năng sống khi dạy trên lớp học sinh chỉ được học 1 tiết/ tuần, song khi dạy trực tuyến nhà trường đã tăng thời lượng cho môn học với 2 tiết/tuần. Bên cạnh đó, nội dung bài giảng cũng được giáo viên thay đổi để phù hợp với tâm lý học sinh với 2 chủ đề là Giải phóng năng lượng tiêu cực và Phát triển năng lượng tích cực, nhằm hướng tới việc hỗ trợ học sinh tốt nhất về kỹ năng, tâm lý khi các em ở nhà trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch”, thầy Hoàng Sĩ Đăng (Giáo viên dạy Kỹ năng sống, Trường THPT Nguyễn Du) chia sẻ.

Dạy trực tuyến kỹ năng sống, thầy Đăng cho hay, đơn giản là những buổi “tâm tình”, chia sẻ của thầy và trò. “Tôi hỏi các em về kỳ nghỉ Tết của mình, về cảm giác của các em hiện nay khi ở nhà trong bối cảnh dịch bệnh. Lắng nghe các em nói và đưa ra các giải pháp, những lời khuyên để giúp các em thay những suy nghĩ ảm đạm, tiêu cực bằng những suy nghĩ, hành động tích cực. Qua đó, hướng các em hình thành ý thức tự giác, tính kỷ luật…”.

Đối với bậc Tiểu học, nhằm giúp các nhà trường triển khai dạy học trực tuyến một các hiệu quả và dễ dàng, Sở GD-ĐT TP đã có hướng dẫn cụ thể. Trong đó, Sở yêu cầu hiệu trưởng các trường có trách nhiệm chỉ đạo mỗi giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến bằng nhiều giải pháp khác nhau, tập trung cho các môn học theo khối lớp. Cụ thể, đối với khối lớp 1, 2, 3 là các môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ; khối lớp 4, 5 tập trung vào môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Với những trường có điều kiện, khuyến khích giáo viên các môn khác cùng tham gia thực hiện dạy học trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM) nhấn mạh, trong thời gian học sinh học tập trên Internet, việc kiểm tra, đánh giá chỉ nhằm mục đích ôn tập, củng cố kiến thức của học sinh. Việc lấy điểm số chờ đến khi học sinh học tập trung tại trường. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cũng nhấn mạnh việc tổ chức dạy học trên Internet cần bảo đảm theo đúng quy định kế hoạch thời gian năm học, tổ chức vào các khung thời gian không gây khó khăn cho học sinh tiểu học, giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức bài học và được tổ chức rèn luyện, đánh giá phù hợp.

Bài, ảnh: Yến Hoa