Thứ ba, 19/1/2021, 20h37

Dạy học văn bản nghị luận

Văn bản nghị luận (VBNL) không phải là văn bản mới trong chương trình Ngữ văn 2018. VBNL đã đưa vào dạy trong nhà trường từ rất lâu. Điểm khác biệt chỉ là trước đây dạy các VBNL theo hướng giảng văn, bình văn, phân tích văn nghị luận; còn nay cần dạy VBNL theo yêu cầu đọc hiểu văn bản. Ngoài ra, số lượng VBNL được đưa vào sách giáo khoa nhiều hơn trước; tất nhiên không thể nhiều bằng văn bản văn học.

Xét theo mục đích xã hội, VBNL là văn bản chủ yếu nhằm thuyết phục người đọc về một vấn đề (ý kiến, quan điểm, quan niệm...). Vấn đề cần thuyết phục có thể trong lĩnh vực văn học hoặc đời sống - xã hội. Để thuyết phục, người viết phải nêu lên các lý lẽ, lập luận và những bằng chứng cụ thể. Lý lẽ làm cho người ta hiểu, bằng chứng để người ta tin. Một khi vừa hiểu, vừa tin thì sẽ bị thuyết phục. Lý lẽ có thể của người viết, có thể viện dẫn ý, lời của danh nhân, của những người có uy tín. Bằng chứng là những chứng cứ cụ thể nhằm làm sáng tỏ cho lý lẽ. Đó là các yếu tố quan trọng nhất của VBNL. Chính vì thế, đọc hiểu VBNL là nhận biết các yếu tố vừa nêu, hiểu được vai trò và tác dụng của các yếu tố ấy trong việc biểu đạt nội dung và thuyết phục người đọc. Từ đó mà đánh giá được ý nghĩa của vấn đề và cách thức lập luận, cách nêu lý lẽ và bằng chứng... Như thế mục tiêu dạy đọc hiểu VBNL cần đáp ứng được 2 yêu cầu: a) Nội dung bài nghị luận có gì mới mẻ, sâu sắc; b) Cách thức lập luận của người viết (nêu ý kiến, lý lẽ và bằng chứng) thế nào. Nhiều giáo viên dạy VBNL chỉ tập trung vào nội dung; thậm chí hiểu sai nội dung. Chẳng hạn, khi dạy bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc” của Phạm Văn Đồng lại tập trung vào dạy nội dung thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Trong khi vấn đề chính cần đọc hiểu ở bài nghị luận này là: a) Tác giả Phạm Văn Đồng đã nêu lên vấn đề gì? b) Để thuyết phục người đọc, tác giả bài viết đã trình bày ý kiến, lý lẽ và các bằng chứng ra sao? Giáo viên cần hướng dẫn để học sinh nhận biết được cách nêu vấn đề của Phạm Văn Đồng hay và độc đáo ở chỗ nào? Các lý lẽ và bằng chứng mà tác giả nêu lên có sức thuyết phục không? Lời văn được sử dụng trong văn bản này như thế nào, có thể hiện được các đặc trưng của ngôn ngữ văn nghị luận? Bài viết này có giá trị gì? Hiện nay nó còn ý nghĩa nữa không?

Văn nghị luận trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kế thừa chương trình truyền thống, vừa chú ý đến các áng văn nghị luận trung đại nổi tiếng như “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Chiếu cầu hiền”, “Tựa Trích diễm thi tập”… vừa bổ sung những VBNL hiện đại. VBNL trung đại và VBNL hiện đại có những điểm chung, nhưng có những đặc trưng riêng, Vì thế khi dạy đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh nhận biết được những điểm chung và riêng ấy để hiểu đúng nội dung cũng như thấy được hình thức nghị luận đặc sắc của mỗi áng văn nghị luận mỗi thời.

Văn bản nghị luận nào cũng có sự kết hợp nhiều thao tác (chứng minh, giải thích, phân tích, bình luận…) và phương thức biểu đạt (tự sự, biểu cảm, thuyết minh…). Việc phân loại nghị luận xã hội và nghị luận văn học chỉ là chia theo đề tài để học sinh dễ phân biệt và rèn luyện mà thôi.

PGS.TS Đ Ngc Thng