Thứ tư, 28/10/2020, 14h11

Đề tài thảm họa, thiên tai trên màn ảnh rộng thế giới

Nhắc đến chủ đề thiên tai, thảm họa, điện ảnh thế giới từ Đông sang Tây không thiếu những tác phẩm ấn tượng.

Dù mỗi phim khai thác một câu chuyện riêng nhưng hầu hết các tác phẩm thuộc dòng này đều đưa ra thông điệp về tình người trong cơn hoạn nạn, sức sống mãnh liệt của con người trước cơn cuồng phong của thiên nhiên nhưng không quên kèm theo những thông điệp về môi trường.

Không ai mong muốn đối diện với thiên tai, thảm họa ngoài đời nhưng lại tò mò muốn xem những sự kiện đáng sợ đó ra sao trên màn ảnh. Nắm bắt tâm lý này, các nhà làm phim nước ngoài đã tái hiện chúng qua những tác phẩm nổi bật như Armageddon, The Perfect Storm, Pompeii, The Day After Tomorrow, 2012, The Impossible, Noah, Geostorm, Tidal Wave (Sóng thần ở Haeundae), Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn)… 

Phim The perfect storm kể về đoàn thủy thủ trên con tàu đánh bắt cá Andrea Gail vượt qua siêu bão kinh hoàng năm 1991
Phim The perfect storm kể về đoàn thủy thủ trên con tàu đánh bắt cá Andrea Gail vượt qua siêu bão kinh hoàng năm 1991

Những thảm họa được đề cập khá đa dạng, từ những hiện tượng tự nhiên trong đời thực như sóng thần, lốc xoáy, động đất, băng giá, núi lửa phun trào… đến những thứ nằm trong trí tưởng tượng như thiên thạch rơi, quái vật, người ngoài hành tinh hay zombie (xác sống) tấn công.

Trong số đó, có những phim gây chú ý khi dựa trên sự kiện có thật như The Perfect Storm, kể về đoàn thủy thủ trên con tàu đánh bắt cá Andrea Gail vượt qua siêu bão kinh hoàng năm 1991, The impossible tái hiện câu chuyện sống sót thần kỳ của gia đình nhà Alvarez Belon khi gặp thảm họa sóng thần ở Đông Nam Á trong chuyến du lịch tới Thái Lan năm 2004. Hay như Aftershock - bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc, lấy cảm hứng từ trận động đất kinh hoàng tại Đường Sơn năm 1976. 

Ấn tượng đầu tiên mà các phim thiên tai, thảm họa để lại là những “bữa tiệc kỹ xảo” no mắt đã tai. Công nghệ hình ảnh hiện đại khiến những cảnh tượng sóng thần cuốn phăng mọi thứ, động đất tạo ra những vết nứt gãy khổng lồ giữa lòng thành phố, vòi rồng xuất hiện hay trái đất bị tuyết phủ khắp nơi trở nên sinh động và chân thật, khiến người xem rùng mình, thậm chí nghẹt thở.

Kỹ xảo đỉnh cao cộng với óc sáng tạo của những người làm nghệ thuật còn đem đến những tác phẩm mang tính dự báo; chẳng hạn như phim về thế giới tận thế, hậu tận thế. Tất nhiên, trong mắt các nhà khoa học, những hư cấu trong phim có lúc đi quá xa, phi logic. Chẳng hạn, chuyện một tiểu hành tinh lớn bằng bang Texas mà con người chỉ phát hiện ra đúng 19 ngày trước va chạm trong Armageddon hay quá trình biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao diễn ra chậm và mất đến hàng triệu năm mới có thể dẫn đến sự diệt vong chứ không nhanh như phim 2012.

Phim 2012 gây lo sợ đến nỗi NASA phải trấn an nội dung đề cập trong phim chỉ là hư cấu.
Phim 2012 gây lo sợ đến nỗi NASA phải trấn an nội dung đề cập trong phim chỉ là hư cấu.

Đến mức bức tranh thảm họa mà dòng phim này mô tả trên màn ảnh rất đáng sợ, làm không ít khán giả tin là thật, buộc Cục Quản trị hàng không và không gian quốc gia Mỹ (NASA) phải trấn an rằng nội dung 2012 chỉ là hư cấu, ngày 21/12/2012 không tận thế như phim đề cập hay như người Maya xưa tiên đoán.

Ngoài những màn “nịnh” mắt “nịnh” tai khán giả, dòng phim thiên tai, thảm họa còn lấy lòng người xem bằng những câu chuyện cảm động, có giá trị giáo dục. Trước lằn ranh sống - chết, hành trình đấu tranh sinh tồn của các nhân vật chính là những bài học đắt giá về cuộc sống.

Trong một bối cảnh dễ gây cảm giác mạnh, các nhân vật trong phim luôn được biên kịch đặt vào những tình huống nhằm bộc lộ hết bản năng, cá tính. Có những kẻ ích kỷ, toan tính như đám đông giàu có giành nhau lên con tàu cứu sinh; nhưng cũng có những người sẵn sàng nhường sự sống cho người khác như sự hy sinh của tổng thống Mỹ dành cho một nhà nghiên cứu trẻ với suy nghĩ “tại một thế giới mới, người ta cần một nhà khoa học hơn một chính trị gia” trong phim 2012. Hay trong Tidal Wave, anh chàng nhân viên cứu hộ Hyung Sik chủ động gieo mình xuống biển để giảm tải trọng lồng cứu hộ khi biết sợi cáp sắp đứt.

Nếu như các bộ phim thảm họa của Hollywood thường đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân, nhân vật chính một mình cứu cả thế giới thì những bộ phim châu Á, chẳng hạn Tidal Wave, thường xoáy vào những mối quan hệ tình cảm gia đình, bạn bè, người thân. Tuy nhiên, dù theo mô-típ nào, dòng phim này cũng đều chứng tỏ sự hiện hữu của tình người trong thảm họa. 

Bộ phim  After shock đã tái hiện lại đầy đủ trận động đất đã vùi nát cả Tứ Xuyên vào năm 1976
Bộ phim After shock đã tái hiện lại đầy đủ trận động đất đã vùi nát cả Tứ Xuyên vào năm 1976

Ngoài ra, đó còn là tinh thần vượt lên nghịch cảnh của con người. Đứng trước sự nổi giận của thiên nhiên, con người thật nhỏ bé và tưởng chừng sẽ bị diệt vong trong cơn đại nạn ấy, nhưng cuối cùng, đã không bao giờ chịu khuất phục. Điều đó được thấy ở nhân vật Samuel Hall (phim The Day After Tomorrow) - người biết tận dụng kiến thức của mình để thoát được tình huống hiểm nghèo và cứu được những người xung quanh hoặc nhân vật phi công trực thăng cứu hộ Raymond Gaines (phim San Andreas) cứu được con gái cùng nhiều người khác bằng sức mạnh cơ bắp và kiến thức cứu hộ. Có thể nói thứ hành trang giúp con người tồn tại không gì khác hơn lòng can đảm và niềm tin.

Từ phim ảnh cho đến sự thật là một khoảng cách rất xa nhưng những bộ phim về thiên tai, thảm họa cũng giúp con người nhận ra nhiều điều quý giá trong cuộc sống; nhất là nhắc nhở mỗi chúng ta về trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống. Đó cũng là những giá trị lớn nhất mà những bộ phim dòng này để lại trên màn 
ảnh rộng. 

Theo Quang Huy/PNO

Khoảng trống của phim Việt

Nếu như chủ đề thiên tai, thảm họa khơi gợi cảm hứng cho nhiều nhà làm phim nước ngoài thì ở Việt Nam, dòng phim này chưa xuất hiện. Điều này cũng không có gì khó hiểu vì ở những bộ phim khai thác đề tài này là chính, điểm nhấn luôn nằm ở phần kỹ xảo, mà khâu này thực hiện rất tốn kém. 

Với Hollywood, chi phí trên trăm triệu đô cho dòng phim này là điều bình thường, đơn cử như phim San Andreas 110 triệu USD; The Perfect Storm, Geostorm ngốn 120 triệu USD; 2012 tiêu tốn tới 200 triệu USD cho những thước phim ngập tràn kỹ xảo đỉnh cao về hình ảnh những cơn đại hồng thủy. 

Mặc dù phần lớn các phim dòng này đều ăn khách, có lãi nhưng câu chuyện làm phim thiên tai, thảm họa không chỉ ở vấn đề kinh phí mà còn là trình độ kỹ thuật, tay nghề. Đó là lý do mà một nền điện ảnh mạnh trong khu vực như Hàn Quốc đến năm 2006, mới có tác phẩm đầu tiên làm về thảm họa là The Host (về quái vật sông Hàn); năm 2009 là Tidal Wave (về sóng thần).

Để thực hiện cảnh quay lũ lụt ở Hội An, đoàn phim Áo lụa Hà Đông phải phong tỏa cả một làng
Để thực hiện cảnh quay lũ lụt ở Hội An, đoàn phim "Áo lụa Hà Đông" phải phong tỏa cả một làng

Riêng Tidal Wave, được biết, đạo diễn JK Youn đã bỏ ra hai năm viết kịch bản và 5 năm thực hiện dự án mới có thể hoàn thành bộ phim. Tidal Wave có chi phí khoảng 13 tỷ won (tương đương 10,6 triệu USD); trong đó, một nửa dành cho việc tạo ra những con sóng khổng lồ từ kỹ xảo vi tính. 

Sau này, điện ảnh Hàn mới có thêm những phim về đề tài thảm họa như Deranged (bệnh truyền nhiễm) năm 2012, Train To Busan (zombie đe dọa con người) năm 2016, Pandora (thảm họa hạt nhân) năm 2016, E.X.I.T (nổ khí ga) năm 2019, hay mới nhất, tháng Hai năm nay, có #ALIVE (dịch bệnh không rõ nguồn gốc)…

Chính vì rào cản kinh phí và tay nghề nên trên màn ảnh Việt, hiếm hoi lắm khán giả mới thấy có phim tái hiện cảnh thiên tai như cảnh lũ lụt trong phim Áo lụa Hà Đông và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Để thực hiện cảnh lũ lụt trong Áo lụa Hà Đông, đoàn làm phim đã phải phong tỏa cả một ngôi làng ở TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam), hàng ngàn bao cát được huy động đắp đập bao quanh làng và nước được bơm vào tạo thành một biển lũ như thật. 

Còn trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đoàn phim phải xả một con đập để có nước nên chỉ được phép quay cảnh này đúng một lần. Với phương thức thực hiện thủ công như vậy thì việc tạo ra một bộ phim thiên tai với liên hoàn những cảnh thảm họa rõ ràng bất khả với các đoàn phim trong nước.

Nói về tương lai của dòng phim này ở Việt Nam, biên kịch - đạo diễn - nhà sản xuất Kay Nguyễn cho biết: “Điện ảnh Mỹ ra đời từ những năm 1910 nhưng đến khoảng 40 năm sau họ mới làm phim về đề tài thiên tai. Tương tự, hơn chục năm trước, điện ảnh Hàn mới cho ra mắt phim đầu tiên về thảm họa. Vì vậy 20 năm nữa, chưa chắc điện ảnh Việt thực hiện được một tác phẩm thuộc chủ đề này, dù ta có nhiều chất liệu để làm”.

Sự phát triển của một nền điện ảnh được đánh giá qua sản lượng phim hằng năm, chất lượng nghệ thuật cũng như chất lượng kỹ thuật của tác phẩm. Nếu như chất lượng nghệ thuật là một phạm trù khá cảm tính thì chất lượng kỹ thuật dễ dàng được nhìn thấy hơn. Xét về điều này, sự vắng bóng của chủ đề phim về đề tài thiên tai, thảm họa trên màn ảnh Việt cũng là biểu hiện của một nền điện ảnh còn non trẻ, cần rất nhiều thời gian nữa để lớn mạnh.

 Hương Nhu