Thứ tư, 15/9/2021, 14h54

Đi chợ online, nhiều bà nội trợ bị lừa tiền!

Trong thời điểm giãn cách xã hội, các trang bán hàng online nở rộ và được nhiều gia đình lựa chọn để mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Lợi dụng nhu cầu cấp thiết của người dân, những kẻ lừa đảo đã “trà trộn” vào để chiếm đoạt tiền của nhiều bà nội trợ.

Trà trộn vào các nhóm Zalo, Facebook để lừa đảo
Chị T.V. (Q.3) cho biết, cuối tháng 7/2021, qua Facebook, chị thấy tài khoản H.L. có bán thịt heo, rau củ theo hình thức combo với giá khá “mềm” và cam kết giao hàng tận nơi. Sau khi đặt hàng, chị V. chuyển hơn một triệu đồng vào ví điện tử có tên N.T.S. theo yêu cầu của người bán. Nhiều ngày sau không thấy giao hàng như thỏa thuận, chị V. nhắn tin hỏi thì bị chặn liên lạc.

Tương tự, anh T.B. (Q.Bình Thạnh) cho biết, vào cuối tháng 8/2021, có một người vào nhóm cộng đồng dân cư anh đang sống rao bán rất nhiều loại thực phẩm với giá rẻ hơn siêu thị và cam kết giao hàng tận nơi. Để tạo lòng tin, người bán còn cho xem giấy đi đường có đầy đủ thông tin cá nhân. Anh B. đặt mua một đơn hàng trị giá 500.000 đồng. “Người bán yêu cầu đưa tiền trước để tránh bị boom hàng. Nhưng sau khi tôi chuyển tiền thì họ cắt liên lạc” - anh B. chia sẻ.

Theo anh B., đã có trên 20 người trong nhóm cư dân nơi anh đang sống đã tố cáo thủ đoạn lừa đảo này. Hiện Công an Q.Bình Thạnh đã tiếp nhận vụ việc.

Một đối tượng lừa đảo bán hàng online vừa bị công an bắt giữ

Công an TPHCM cho biết, trong bối cảnh giãn cách xã hội, người dân phải mua sắm online, tình trạng lừa đảo qua mạng cũng gia tăng. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là xâm nhập vào các nhóm Zalo, Facebook của các nhóm dân cư hay cộng đồng kinh doanh để chiêu dụ người mua hàng giá rẻ và nhận ship hàng tận nơi. Chúng lấy lý do để tránh bị “boom hàng” cũng như đảm bảo giữ giá tốt nhất để thúc giục người mua phải chuyển hết tiền hoặc đặt cọc trước. Có trường hợp, chúng còn giả làm nhân viên giao hàng để gọi cho khách hàng xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng rồi hối thúc khách hàng chuyển tiền.

Công an TPHCM đã phối hợp với công an các địa phương xử lý một số trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để quảng cáo bán hàng, cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm, dược phẩm… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn cử là Nguyễn Minh Phụng, 25 tuổi, ngụ P.Tam Phú, TP.Thủ Đức, bị bắt vì đã quảng cáo cung cấp đủ thứ, từ giấy xét nghiệm COVID-19 để làm giấy thông hành, dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin theo yêu cầu, các loại dược phẩm để chữa trị COVID-19… nhưng thực chất là lừa đảo.

Cẩn thận với app và trang web lạ

Lợi dụng tâm lý chán nản khi phải ở không trong nhà phòng, chống dịch của nhiều người, nhiều đối tượng đã quảng cáo về cách kiếm tiền tại nhà bằng cách tham gia các app trên mạng với bốn khu vực: thực tập, sơ cấp, trung cấp và cao cấp tương ứng với mức hoa hồng lần lượt 2.0%, 3.0%, 4.0%, 7.0%. 

Để tham gia “kiếm tiền”, nạn nhân phải nạp ít nhất 2 triệu đồng để thực hiện các nhiệm vụ ở “khu thực tập” hoặc “khu sơ cấp”. Trong khoảng 10 phút, tất cả nạn nhân đều kiếm được tiền lời và số tiền này được chuyển về tài khoản của nạn nhân. Hám lợi, nạn nhân tiếp tục nạp vào số tiền lớn hơn để thực hiện các nhiệm vụ ở “khu trung cấp” và “khu cao cấp” thì sẽ không có một đồng tiền lời nào nữa, cũng không rút tiền lại được. App yêu cầu nạn nhân nộp thêm tiền thì mới rút được tiền. Nhưng càng nộp nhiều thì càng mất nhiều.

Nhiều nạn nhân tố cáo bị lừa đảo bằng hình thức chuyển tiền đặt cọc mua thực phẩm

Một chiêu lừa khác là nạn nhân phải nộp tiền để mua các gói hàng “ảo” trên website có giá trị từ 300.000 đồng đến 300 triệu đồng. Sau khi trở thành “khách hàng”, nạn nhân lại đi bán những gói hàng “ảo”. Nếu bán được 60 đơn hàng, nạn nhân sẽ được hưởng lãi từ 4 - 5%/ngày, sau một tháng tài khoản sẽ được nhân đôi. 

Để mở rộng hệ thống, các app này đã đưa ra các loại hoa hồng môi giới theo mô hình kim tự tháp. Khi giới thiệu được người mới tham gia, theo tỷ lệ F0 hưởng 16% trên tổng số giá trị đơn hàng F1 nhận được, tương tự F1 nhận được 8% hoa hồng F2. Công an xác định, đây chỉ là những chiêu trò huy động tiền trái phép có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bản chất của những mô hình này là không có hoạt động tạo ra sản phẩm có giá trị sử dụng, mà hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước.

Thêm một thủ đoạn khiến nhiều người bị lừa là những kẻ lừa đảo đã tận dụng hệ thống nhắn tin trên Shopee để gửi tin nhắn đến người tiêu dùng chúc mừng họ may mắn nhận được thẻ quà tặng tiền mặt, yêu cầu họ truy cập vào trang web www.mobilebanking-shopee.vn để xác nhận tài khoản nhận tiền. Khi khách hàng đã truy cập vào trang web, chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng trực tuyến bao gồm cả mã OTP rồi chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Công an TPHCM khuyến cáo: “Để đảm bảo an toàn, người dùng ứng dụng shopee.vn cần thận trọng với những thông tin, chương trình khuyến mãi bằng cách quan sát kỹ thiết kế của trang web xem có đầy đủ nội dung, thông tin như trang web chính thống hay không. Đặc biệt, phải hết sức cẩn trọng trước những yêu cầu điền thông tin tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân, số điện thoại, nhất là số OTP từ ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Nếu đã nhấp vào đường link nghi vấn thì xóa ngay lịch sử trên trang web để tránh bị lấy cắp thông tin, đồng thời liên hệ ngay cơ quan công an gần nhất và gọi điện đến hotline của ngân hàng nơi mở tài khoản khi phát hiện bị chiếm đoạt tài sản”.

Ông Trần Minh Quý - chuyên gia công nghệ thông tin đang làm việc tại một hệ thống bán lẻ - cho biết hầu hết các trang web người dùng truy cập bị lừa đảo là web không an toàn, tức là không được bảo mật (không có biểu tượng khóa bảo mật). Với những trang web này, người dùng rất dễ bị lừa, bị lấy cắp thông tin, cho nên người dùng cần chú ý biểu tượng khóa bảo mật trên trang web.

Được biết, trong đợt dịch này, Cục An toàn thông tin đã xóa khỏi hệ thống hơn 300 trang web giả mạo lừa đảo. 

Theo Sơn Vinh/PNO