Thứ bảy, 8/5/2021, 10h33

Dịch Covid-19, nếu cần thiết sẽ tổ chức thêm đợt thi tốt nghiệp THPT

Trao đổi với PV, PGS Mai Văn Trinh (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đưa ra những “kịch bản” và lưu ý về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong buổi ôn tập thi tốt nghiệp THPT ngày 7.5  /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong buổi ôn tập thi tốt nghiệp THPT ngày 7.5. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Chỉ tổ chức kỳ thi ở nơi không bị giãn cách xã hội
Thưa ông, hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Bộ GD-ĐT đã có phương án như thế nào để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021?
Dịch Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, kế thừa kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GD-ĐT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các địa phương và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, để có các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Quan điểm là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Dịch Covid-19, nếu cần thiết sẽ tổ chức thêm đợt thi tốt nghiệp THPT
Theo đó, tùy tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để quyết định phương án tổ chức kỳ thi theo nguyên tắc: sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội); tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi; tại các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí các phương án phòng thi cho thí sinh (TS) diện F1, F2, F3 đảm bảo phòng chống dịch phù hợp với các nhóm TS diện này.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức thêm đợt thi. Để thực hiện phương án này, Bộ GD-ĐT đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.
Tóm lại, Bộ GD-ĐT đang cùng các địa phương chủ động các phương án để tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch Covid-19. Trước mắt, địa phương, nhà trường thực hiện tốt các phương án phòng, chống dịch; tổ chức dạy học, ôn tập với hình thức linh hoạt, hiệu quả; ổn định về tâm lý, không lơ là và cũng không chủ quan để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Với các địa phương, Bộ có chỉ đạo gì để chuẩn bị các điều kiện để tổ chức khi chỉ còn 2 tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, trong khi nhiều nơi vẫn phải cho HS dừng đến trường để phòng dịch?
Đảm bảo không học sinh nào không được đăng ký thi vì dịch bệnh
Ông Mai Văn Trinh cho hay Bộ đề nghị các trường tạo điều kiện thuận lợi tối đa để hướng dẫn, trợ giúp học sinh đăng ký dự thi, bảo đảm không có học sinh nào không được đăng ký.
Ghi nhận của Bộ cho thấy các địa phương rất chủ động các phương án tổ chức dạy học phù hợp để hoàn thành kế hoạch năm học và tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 trong điều kiện dịch Covid-19. Hiện nay, nhiều địa phương đã có chỉ thị của chủ tịch UBND tỉnh, huy động hệ thống chính trị địa phương trong việc tổ chức kỳ thi. Bộ đề nghị các địa phương phát huy thành quả của năm 2020 để tổ chức kỳ thi năm nay an toàn, nghiêm túc nhưng không nặng nề, ngày càng gọn nhẹ và nhân văn.
Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương tiếp tục thực hiện các công việc theo kế hoạch tổ chức kỳ thi đã công bố. Trong đó, chú trọng việc lựa chọn, bố trí các điểm thi; lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi)…
Từng địa phương chủ động nắm bắt tình hình diễn biến của dịch, thông tin đầy đủ, kịp thời với Bộ GD-ĐT nhằm triển khai phương án tổ chức kỳ thi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cả nước.
Kiến thức được tinh giản sẽ không đưa vào đề thi
Nhiều ý kiến cho rằng TS dự thi năm nay đã chịu tác động 2 năm học liền bởi dịch bệnh, nên mong muốn Bộ GD-ĐT khi ra đề thi cần quan tâm đến thực tế này. Ông có thể chia sẻ gì về mong muốn đó?
Để đạt được mục đích của kỳ thi, cũng như những năm qua; công tác đề thi được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm và đã tích cực chuẩn bị một cách chủ động, nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ công tác ra đề thi.
Tôi rất chia sẻ băn khoăn, lo lắng của các thầy cô, các em HS và khẳng định rằng: nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch sẽ không được đưa vào đề thi năm nay. Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản; đồng thời, cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của TS (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10).
Bộ GD-ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo đối với tất cả môn thi trong kỳ thi. Các nhà trường phân tích kỹ đề thi tham khảo để có thể định hướng dạy học, ôn tập.
Để TS thuận lợi khi làm bài, các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó. Trong một phòng thi, với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, mỗi TS sẽ có một mã đề thi riêng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn nhiều trường ĐH dùng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển nên có ý kiến đề nghị Bộ nên tăng độ khó của đề thi để thuận tiện cho công tác xét tuyển của các trường. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên đề thi trước hết phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông ở các địa phương. Nếu kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy, thì các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng làm cơ sở để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ với các phương thức khác nhau. Vì vậy, như đã nói ở trên, cùng với các câu hỏi ở mức độ cơ bản, trong đề thi cũng sẽ có số lượng phù hợp các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của TS, nhất là đối với vùng điểm cao.
Năm nay Bộ GD-ĐT có đối sánh kết quả thi không, thưa ông?
Việc đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập lớp 12 của các TS đã được tiến hành từ năm 2020, năm nay sẽ tiếp tục thực hiện công tác này. Do vậy, Bộ đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc đánh giá kết quả học tập trong quá trình. Căn cứ kết quả đối sánh, Bộ GD-ĐT sẽ có các chế tài xử lý phù hợp theo hướng gắn rõ trách nhiệm của Sở GD-ĐT, các nhà trường.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO