Thứ ba, 9/8/2022, 16h35

Điểm thi khối C cao, có nên thỏa mãn?

Mng xã hi đang nóng st trào lưu khoe đim thi tt nghip THPT năm 2022. Nói chung ai cũng thích đưc đim cao, đưc khen...


Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: L.P

Năm nay, các môn xã hội như giáo dục công dân, lịch sử, ngữ văn, địa lý được mùa điểm cao. Đặc biệt là môn lịch sử có “mưa” điểm 10, cùng sánh bước với môn giáo dục công dân. Theo đó, môn lịch sử năm nay tăng vọt lên 1.779 điểm 10, trong khi năm trước chỉ có 226 điểm 10 (tăng 7,8 lần, hay 780%). Môn giáo dục công dân có số điểm 10 cao nhất, lên tới 2.836 điểm 10. Trong khi đó, môn ngữ văn tuy số điểm 10 chỉ có 5 thí sinh đạt, nhưng số điểm 8-9 thì cực nhiều: Có 52.307 điểm 8; 15.556 điểm 9; 2.325 điểm 9,5; 172 điểm 9,75. Những con số nói trên phải chăng thể hiện học sinh của chúng ta đã thực sự có kết quả xuất sắc trong các môn xã hội, các em đã có tình yêu với môn học - những môn học gắn liền với tình yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân như lịch sử, giáo dục công dân? Phải chăng lịch sử đã “đảo chiều”, khi mà vào năm 2011, có hàng ngàn bài thi tuyển sinh đại học môn lịch sử đạt… 0 điểm, điểm môn này thấp đến mức khó tưởng tượng. Trường ĐH Tiền Giang, hơn 98% thí sinh có điểm thi môn lịch sử dưới trung bình. Trường có 253 thí sinh dự thi khối C nhưng chỉ có 5 thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên, chiếm 1,97%. Trong số đó, cần nói rõ thêm điểm cao nhất chỉ là 5,25; thế nhưng có đến 47 thí sinh có điểm 0. Trường ĐH Quảng Nam, có đến 99% thí sinh có điểm thi môn lịch sử dưới trung bình. Trong số 900 thí sinh dự thi khối C, số thí sinh có điểm 5 chưa đếm đủ 10 đầu ngón tay (9 thí sinh). Có sự khác biệt là một bên thi tốt nghiệp (2022), một bên thi tuyển sinh đại học (2011), một bên thi trắc nghiệm (năm 2022), một bên thi tự luận (2011). Tuy nhiên, tất cả nội dung đề thi đều được khai thác từ chương trình, sách giáo khoa, các nội dung đã được thí sinh học, ôn luyện.

Theo tôi, có một nguyên nhân dẫn đến việc điểm thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử, giáo dục công dân, ngữ văn... năm 2022 cao chót vót là do đề dễ, nếu không nói là quá dễ. Môn ngữ văn tự luận thì có những câu hỏi ngang tầm học sinh… tiểu học, đề bài sáo mòn, thuộc lòng là làm được kết quả cao, hoặc viết chung chung, chỉ cần có vài từ trúng đáp án là có điểm. Còn môn lịch sử, giáo dục công dân thì thi trắc nghiệm, nói theo cách dân dã là làm bài theo kiểu “bôi đen”, không cần năng lực diễn đạt, trình bày, tư duy sáng tạo. Nhiều câu quá dễ, không cần học nhiều vẫn dễ dàng trả lời đúng, độ nhiễu quá thấp. Ví dụ, đề thi môn lịch sử có câu: “Đến năm 2000, một trong những con rồng của kinh tế châu Á là: A. Tây Ban Nha. B. Xu đăng. D. Angieri. D. Hàn Quốc”. Hỏi về châu Á mà chỉ có duy nhất 1 nước châu Á thì chỉ có nước đó chứ chạy đi đàng nào cho trật! Còn đây là một câu hỏi của môn giáo dục công dân: “Công dân trực tiếp đóng góp ý kiến với đại biểu Quốc hội về tình trạng ô nhiễm môi trường là thực hiện quyền: A. Sáng tạo. B. Bảo hộ danh dự. C. Học tập. D. Tự do ngôn luận”. Ra đề thi trắc nghiệm quá dễ, hầu như không có thông tin nhiễu, có hai khả năng: Một là do trình độ người ra đề hạn chế; hai là người ra đề cố ý ra thật dễ.

Tóm lại, cũng không nên quá tự hào, sung sướng và yên tâm về hiện tượng điểm thi các môn xã hội cao vút. Nhất là qua bài thi trắc nghiệm, độ khó khá thấp, không thể hiện được năng lực tư duy, quan điểm, cảm xúc, khả năng diễn đạt, trình bày… là những khả năng đặc trưng của người giỏi các môn xã hội. Trong thời kỳ tràn ngập thông tin như hiện nay, thì khả năng ghi nhớ không còn được đánh giá cao, mà thay vào đó là năng lực tư duy, phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề. Cái nguy hại của giáo dục là sáo mòn, lạc hậu không có đổi mới.

Trần Đại Quang (Nghệ An)