Thứ tư, 7/4/2021, 10h08

Điện ảnh nhà nước đang đứng ở đâu?

Trong khi nhiều bộ phim Việt do những hãng phim tư nhân sản xuất liên tục lập kỷ lục phòng vé, góp phần vào thị trường điện ảnh sôi động, những hãng phim “nhà nước” vẫn đứng ngoài cuộc chơi.
Điện ảnh nhà nước đang đứng ở đâu?
Theo thông tin mới nhất từ nhà phát hành, tính đến hết ngày 4.4, bộ phim Bố già của Trấn Thành chính thức đạt doanh thu 400 tỉ đồng sau đúng 1 tháng ra mắt khán giả. Trước đó, đến 14 giờ ngày 19.3, tức sau gần 14 ngày công chiếu, Bố già đã chạm mốc doanh thu 290 tỉ đồng, chính thức vượt mặt “bom tấn” Avengers Endgame (2019), trở thành phim chiếu rạp có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam. Nhà phát hành và ê kíp sản xuất phim cũng cho biết kế hoạch đưa Bố già đến với khán giả quốc tế và khán giả Việt ở nước ngoài. “Cuộc chiến” doanh thu phòng vé phim Việt hứa hẹn tiếp tục nóng với sự ra mắt của hàng loạt bộ phim ngay trong tháng 4 này: Song song (2.4), Kiều (9.4), Lật mặt (16.4), 1990 (21.4), Trạng Tí (30.4), Thiên thần hộ mệnh (30.4).
Có điều nhìn vào sẽ thấy đây chỉ là cuộc chơi riêng của các nhà sản xuất tư nhân hầu hết ở khu vực phía nam. Lâu nay, đây đã là khu vực sản xuất phim chủ chốt của điện ảnh Việt với số lượng đầu phim chiếm đa số. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, có năm khu vực này đã sản xuất tới 40 bộ phim truyện. Một đạo diễn có tiếng hoạt động ở phía bắc là Bùi Thạc Chuyên cũng thẳng thẳn nhìn nhận hoạt động điện ảnh tại phía nam hiện nay chiếm tới 70 - 80%.
Từ nhiều năm nay, mặc dù đã cổ phần hóa nhưng các hãng phim truyện “nhà nước” vẫn duy trì tư duy cũ, tức là chờ dự án đặt hàng phim của nhà nước. Danh sách dự án phim do nhà nước đặt hàng cho đến hết năm 2021 đã được duyệt có Bình minh đỏ (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam), Phượng cháy (Công ty cổ phần Phim truyện 1), Cơn giông (Công ty cổ phần phim Giải Phóng). Nhìn vào dễ thấy những đơn vị sản xuất dự án phim đặt hàng này vẫn là hãng phim “nhà nước”.
Mặc dù luật Điện ảnh (cũ) không “đóng” với hãng phim tư nhân, song lại như luật bất thành văn: hầu hết những dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước được giao cho hãng phim “nhà nước” (đã được cổ phần hóa). “Với luật Điện ảnh sửa đổi sẽ không có chuyện đó nữa mà bình đẳng hoàn toàn giữa hãng phim nhà nước và tư nhân”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, khẳng định.
Điện ảnh nhà nước đang đứng ở đâu?1
Bộ phim Sống cùng lịch sử được nhà nước đặt hàng Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất, có kinh phí 21 tỉ đồng. ẢNH: TL
“Các anh trì trệ quá lâu rồi !”
Bản thân Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng băn khoăn về hoạt động điện ảnh của những hãng phim truyện “nhà nước”. “Các anh trì trệ quá lâu rồi! Cứ đợi nhà nước xem có dự án nào đặt hàng không, còn nhà nước không đặt hàng thì lại kêu nọ kêu kia, không chủ động vận hành, hoạt động, sáng tác. Ngoài Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và Hãng phim Khoa học, tài liệu T.Ư được nhà nước bao cấp, còn lại các hãng phim truyện Việt Nam gần như không có hoạt động, dự án nào đáng kể”, ông Vi Kiến Thành thẳng thắn nhìn nhận.
Theo ông Thành, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có 4 yếu tố chính. Trước hết, những hãng phim “nhà nước” đã trải qua thời gian dài được nhà nước bao cấp; sau này dù được cổ phần hóa nhưng gần như chỉ mang tính hình thức, trong khi vẫn giữ hệ thống, tư tưởng cũ. Hơn nữa, hãng phim hay nhiều nhà làm phim vẫn tìm cách “bao biện” cho sự trì trệ đó khi mặc định “nhiệm vụ” của mình chỉ là làm phim phục vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục, mà không quan tâm đến yếu tố giải trí, hấp dẫn khán giả. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố khách quan như các nhà đầu tư hay doanh nghiệp ở phía bắc rất ít quan tâm đến điện ảnh và cũng chưa coi điện ảnh là lĩnh vực có thể tuyên truyền, quảng cáo, đồng thời có thể làm kinh tế. Ngoài ra, khán giả phía bắc có phần khác khán giả phía nam về nhu cầu, cách thức hưởng thụ nghệ thuật thứ bảy; khán giả ở phía nam dễ cuốn vào những hoạt động, sự kiện điện ảnh hơn khán giả phía bắc.
“Không biết sẽ phải cứu thế nào”
Trao đổi với PV bên lề Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam (nhiệm kỳ 2020 - 2025) diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhìn nhận các hãng phim nhà nước hiện nay không hoạt động nhiều nữa, còn Hãng phim Truyện Việt Nam (Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam) thì gần như đã chết, không biết sẽ phải cứu thế nào. “Làm sao để phát triển điện ảnh phía bắc cũng là câu hỏi lớn mà ban chấp hành mới của hội nghĩ đến khi muốn làm gì đó để đóng góp cho đời sống điện ảnh”, ông Chuyên nói. Là một trong những nhà làm phim độc lập và nhà sản xuất phim tư nhân ở phía bắc tích cực hiếm hoi, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng từ nhiều năm trước, chính sự thích ứng nhanh của nhiều công ty sản xuất phim tư nhân phía nam đã tạo nên đời sống điện ảnh sôi động. Với số lượng phim sản xuất nhiều, nghề làm phim đã thành công việc đủ sống, tạo nên guồng máy chuyên nghiêp. “Ê kíp tham gia làm phim hành động 578 của tôi có tới 70% nhân lực từ trong Nam ra”, ông Dũng nói. “Dù vậy, không phải không có nhà đầu tư chịu chi, chỉ có điều có quá ít dự án đủ chất lượng. Tiền có mà dự án không có thì biết đầu tư cái gì!”, ông Dũng bày tỏ.
Bố già và Thiên thần hộ mệnh chiếu rạp quốc tế
Bố già sẽ ra rạp ở Singapore và Malaysia từ ngày 22.4; và ê kíp đang bàn bạc ngày khởi chiếu ở Thái Lan. Do tình hình dịch Covid-19, tại nhiều quốc gia cũng như một số thị trường vẫn đóng cửa rạp chiếu phim như Phillipines, Indonesia, Mỹ..., nhà sản xuất Bố già cho biết đang xúc tiến để cố gắng mang phim đến với các nước này nhanh nhất có thể.
Trong khi đó, theo chia sẻ từ TFilm Entertainment - đại diện nhà sản xuất Thiên thần hộ mệnh của đạo diễn Victor Vũ, phim “đang thỏa thuận với nhiều nhà phát hành để công chiếu trên toàn thế giới”. Dù chưa bật mí cụ thể thời điểm công chiếu nhưng đây sẽ là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được ra mắt rộng rãi bằng hình thức này. Dự kiến, Thiên thần hộ mệnh sẽ được chiếu tại những thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Malaysia, Indonesia, Philippines, Canada, Cộng hòa Czech, Singapore, Hungary, Úc...
P.C.Tùng
Theo Ngọc An/TNO