Thứ tư, 12/8/2020, 14h34

Điện một giá lợi cho... nhà giàu!

Giá bán lẻ điện một giá chỉ có lợi đối với khách hàng sử dụng từ 700-900 KWh/tháng trở lên. Nhiều chuyên gia băn khoăn chính sách điện một giá đi ngược lại mục tiêu tiết kiệm điện

Tính toán chi tiết về mức độ tác động của các phương án biểu giá điện mới trong dự thảo đang được lấy ý kiến so với biểu giá hiện hành, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhận xét: "Đây là các phương án giá phục vụ người giàu (người sử dụng nhiều điện - PV), còn người sử dụng ít thì hầu như không ghi nhận tác động gì".

Dưới 700 KWh/tháng: Nên chọn bậc thang

Cụ thể, với kịch bản sử dụng song song biểu giá lũy tiến 5 bậc và điện một giá, đa phần đối tượng sử dụng dưới 1.000 KWh/tháng sẽ không được lợi nếu chọn phương án điện một giá. "Kịch bản này đưa ra 2 phương án: Phương án 1 (tạm gọi là 2A), biểu giá lũy tiến 5 bậc có giá thấp nhất bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân và giá cao nhất bằng 274% giá bán lẻ bình quân; điện một giá bằng 145% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương hơn 2.700 đồng/KWh. 

Phương án 2, biểu giá 5 bậc thang có giá thấp nhất bằng 90% và cao nhất bằng 185% giá bán lẻ điện bình quân; điện một giá bằng 155% giá bán lẻ bình quân, tương đương gần 2.900 đồng/KWh. Kết quả tính toán cho thấy ở phương án 1, người tiêu dùng sử dụng từ 745 KWh trở lên mỗi tháng mới nên chọn đồng giá. Còn ở phương án 2, chỉ nên chọn điện một giá nếu sử dụng từ 1.120 KWh trở lên. Dưới các mức tiêu dùng này, nếu chọn điện một giá thì khách hàng sẽ thiệt hại rất lớn" - ông Sơn khuyến cáo.

Ông Hà Đăng Sơn cũng cảnh báo nếu người tiêu dùng không thực sự tỉnh táo trong việc lựa chọn phương án giá điện thì chắc chắn sẽ lợi bất cập hại. Bởi lẽ, người tiêu dùng chỉ được chuyển sang phương án tính giá điện khác ít nhất sau 1 năm kể từ thời điểm bắt đầu thay đổi. Trong khi đó, mức sử dụng điện ở từng mùa trong năm có thể cách nhau rất xa, đặc biệt là khu vực phía Bắc. "Sử dụng điện một giá có thể có lợi trong mùa hè nhưng bị thiệt trong mùa đông, còn điện bậc thang thì ngược lại. Do đó, người dân nên tính toán tổng thể dựa trên nhu cầu sử dụng bình quân để đưa ra quyết định có lợi" - ông Sơn lưu ý.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá ưu điểm của điện một giá là minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu; từ đó giải quyết được câu chuyện hóa đơn tiền điện tăng vọt như thời gian qua. Tuy nhiên, khách hàng nên cân đối để áp dụng phương án phù hợp với gia đình.

"Với phương án 2A, hộ gia đình dùng 200 KWh/tháng có mức chi trả cho điện bậc thang là 370.000 đồng, còn điện một giá là 540.000 đồng - cao hơn phương án bậc thang tới 170.000 đồng. Còn nếu sử dụng đến 800 KWh/tháng, số tiền phải trả là 2,3 triệu đồng nếu tính theo bậc thang và chỉ còn 2,16 triệu đồng nếu tính theo điện một giá. Như vậy, phương án điện một giá chỉ phù hợp với những gia đình sử dụng tương đối nhiều điện, tức trên 700 KWh/tháng" - ông Long phân tích và cho rằng số khách hàng sử dụng thường xuyên trên 700 KWh/tháng không nhiều.

Khách hàng đóng tiền điện tại Công ty Điện lực Sài Gòn. Ảnh: Tấn Thạnh

Chưa rõ cơ sở tính giá

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi không đồng tình với phương án điện một giá trong tương quan với phương án bậc thang tại dự thảo. Bởi lẽ, phương án này khuyến khích người sử dụng nhiều điện lựa chọn để tiết kiệm chi phí cho họ, còn người sử dụng điện ở mức trung bình và thấp lại không được lợi hơn trước dù chọn bất cứ phương án nào. Việc để đối tượng sử dụng nhiều điện được lựa chọn mức giá có lợi cũng chính là đi ngược lại với mục tiêu khuyến khích tiết kiệm điện, gây ảnh hưởng đến nguồn thu để tái đầu tư của ngành điện. "Nên cân nhắc kỹ trước khi thông qua phương án điện một giá như trong dự thảo bởi cần hài hòa nhiều mục tiêu như hỗ trợ đối tượng có thu nhập thấp, tránh hụt tiền cho đầu tư, phát triển" - ông Ngãi đề nghị.

PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng với mức giá bán lẻ được áp ở từng bậc thang cũng như ở từng phương án đồng giá, cần có sự xem xét theo hướng tổng doanh thu bán chia cho sản lượng điện bán phải bằng giá điện bình quân mà Chính phủ quy định thì mới hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. "Cơ quan soạn thảo căn cứ vào những yếu tố nào để đưa ra mức giá bán lẻ điện sinh hoạt một giá bằng 145% và 155% giá bán lẻ điện bình quân? Bộ Công Thương cần làm rõ các cơ sở để đưa ra mức giá này" - ông Long đề nghị.

Tương tự, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn cũng băn khoăn về mức giá được Bộ Công Thương đưa ra trong các phương án đồng giá và yêu cầu cơ quan soạn thảo thuyết minh rõ ràng. "Điện một giá tạo thuận lợi cho công tác quản lý cũng như một bộ phận khách hàng sử dụng nhiều điện. Tuy nhiên, cách này không khuyến khích tiết kiệm điện trong bối cảnh hiện tại. Do đó, tôi vẫn ưu tiên phương án biểu giá điện bậc thang, dùng càng nhiều thì mức giá càng cao, khi đó mới khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện được" - ông Sơn nêu quan điểm.

Chưa phù hợp

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, ông Trần Đình Long, cho rằng điện một giá nên được áp dụng vào thời điểm Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Khi thị trường cạnh tranh chưa hoàn thiện, việc áp dụng sẽ không có hiệu quả.

Cũng theo ông Long, để giải quyết bài toán giá điện gây bức xúc dư luận, cần khắc phục tình trạng giá điện sinh hoạt bù chéo cho điện sản xuất, nhất là ở những lĩnh vực gây tiêu hao điện năng do công nghệ cũ. Nếu giải quyết được, sẽ giảm áp lực lên giá điện sinh hoạt.

Theo Phương Nhung - Minh Chiến/NLĐO