Thứ năm, 12/3/2020, 20h00

Điều kiện xét thăng hạng giáo viên THPT

Theo phản ánh của nhiều nhà giáo, trong Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT, ở mục xét thăng hạng giáo viên hạng II THPT tại Điều 1, mục h có yêu cầu giáo viên tham gia ra đề học sinh giỏi, ôn thi học sinh giỏi (tiêu chí đạt 0,5 điểm).

Nhiều nhà giáo hỏi, đối với các bộ môn trong trường THPT không có quy định thi học sinh giỏi như môn tin học, công nghệ, giáo dục công dân thì lấy tiêu chí nào thay thế để cộng điểm, có thay thế mục h bằng hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học không?

- Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT trả lời như sau:

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên THPT được quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-9-2015 của liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT công lập. Trong đó, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT gồm các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, nhiệm vụ, trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với tiêu chuẩn về nhiệm vụ của giáo viên THPT các hạng được liệt kê tại Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV là các nhiệm vụ mà một giáo viên ở hạng sẽ phải làm trong thời gian giữ hạng nếu cơ sở giáo dục có nhiệm vụ đó.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30-11-2017 của Bộ GD-ĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, hồ sơ minh chứng để chấm điểm về tiêu chuẩn nhiệm vụ giáo viên THPT hạng II “bao gồm nhận xét của đại diện ban lãnh đạo, các tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong trường có xác nhận của hiệu trưởng và các minh chứng (nếu có) dự báo về khả năng thực hiện được các nhiệm vụ của hạng II”.

Do đó, việc nhận xét, đánh giá dự báo về khả năng thực hiện được các nhiệm vụ của hạng thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Trong trường hợp cơ sở giáo dục không có nhiệm vụ được nêu trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (do chưa có quy định hoặc do đặc thù của cơ sở giáo dục nên không được giao) thì cơ sở giáo dục có thể đánh giá năng lực, dự báo khả năng thực hiện nhiệm vụ đó của giáo viên thông qua các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ khác có liên quan.

B.T/VGP