Thứ ba, 12/11/2019, 21h00

Đọc sách cùng con cũng cần kỹ năng

Nhiều phụ huynh rất quan tâm đến việc rèn luyện cho con thói quen đọc nhưng lại thấy hiệu quả thực hiện không tốt. Vậy đâu là nguyên nhân? Chúng tôi xin chia sẻ một số trải nghiệm đọc sách cùng trẻ, hy vọng mang lại những gợi ý nho nhỏ cho các bậc phụ huynh.

1. Nếu điều gì được lặp đi lặp lại, sẽ giúp hình thành thói quen. Thói quen được rèn luyện, lâu dần sẽ thành kỹ năng. Thế nên, không quan trọng là phụ huynh ép trẻ đọc được bao nhiêu quyển sách, mà hãy cùng trẻ hình thành việc đọc sách đều đặn. Tùy vào thời khóa biểu sinh hoạt của trẻ và lịch làm việc của phụ huynh, phụ huynh hãy cố gắng sắp đặt thời gian đọc sách hàng ngày cùng con. Thời gian có thể linh hoạt từ 15 đến 30 phút mỗi ngày. Càng ở độ tuổi nhỏ, càng dễ tập thói quen đọc sách cho trẻ. Một số phụ huynh chỉ thực hiện đọc sách cùng trẻ lúc nào rảnh rỗi: có khi mấy tháng mới đọc một lần; có khi dồn dập mấy ngày liên tiếp, ngày nào cũng đọc 1-2 giờ. Như vậy sẽ gây tác dụng phụ, khiến trẻ cảm thấy bị ép buộc và chán ngán.

2. Phụ huynh hãy tìm không gian phù hợp để cùng trẻ đọc sách. Địa điểm có thể thay đổi theo nội dung của quyển sách đang đọc. Phụ huynh hãy tận dụng những tác động của không gian đối với quá trình tìm hiểu ý nghĩa, thông điệp hay bài học mà quyển sách gửi gắm. Đối với trẻ ở độ tuổi nhỏ, phụ huynh có thể cho trẻ ngồi vào lòng hoặc ngồi sát bên cạnh, nhằm tạo cho trẻ cảm giác được che chở, yêu thương.

3. Phụ huynh và trẻ có thể thay phiên nhau đọc. Phương pháp này không những giúp cho các câu chữ trở nên sống động mà còn tạo sự hứng khởi cho trẻ, vì tâm lý ở độ tuổi nhỏ thường rất thích những hoạt động mang tính trò chơi, tương tác. Ngoài ra, phụ huynh đừng đọc liên tục, mà hãy xen kẽ việc đọc bằng những câu hỏi giúp trẻ thêm hứng thú. Đó có thể là những câu hỏi mang tính khơi gợi, hoặc những nhận định của phụ huynh nhằm tạo cớ để trẻ phản biện. Hoặc phụ huynh cũng có thể dừng lại để giải thích những từ khó, ít dùng; sau đó gợi ý trẻ ví dụ lại những trường hợp sẽ sử dụng từ đó. Hoặc phụ huynh có thể liên kết nội dung sách với cảm xúc của trẻ, với những trải nghiệm mà trẻ đã trải qua; liên hệ với bản thân là một cách thức hay giúp trẻ ghi nhớ lâu hơn nội dung đọc.

4. Một trong những sai lầm thường gặp của phụ huynh khi đọc sách cùng trẻ là ít dành thời gian để cùng trẻ khám phá những ý tưởng đến từ bìa sách. Thực tế, bìa sách là một sản phẩm hết sức độc đáo. Bìa sách không chỉ ngầm ẩn những thông điệp về nội dung của quyển sách mà còn có tác dụng “chào hàng” người đọc. Vì vậy, hãy cùng trẻ thảo luận về bìa sách nhằm kích thích tư duy của trẻ. Để hiệu quả mang lại tốt nhất, hãy kết hợp việc thảo luận về bìa sách trước khi bắt đầu đọc quyển sách và cả sau khi đã hoàn thành việc đọc quyển sách đó.

5. Cuối cùng, hãy xem hoạt động đọc sách cùng trẻ giống như các hoạt động vui chơi, sinh hoạt gia đình khác. Không khí vui tươi, hào hứng, năng động là những gì mà phụ huynh cần để trẻ cảm nhận được. Để tạo được sự tương tác cùng trẻ, phụ huynh hãy chú ý đến ngữ điệu đọc. Sở dĩ âm nhạc có lúc trầm lúc bổng là vì mong muốn tạo hứng thú cho người nghe. Việc đọc sách cũng vậy. Nếu được diễn đạt bằng những ngữ điệu đa dạng, với những biểu cảm phong phú, linh hoạt và phù hợp với diễn tiến nội dung của quyển sách, các câu chữ sẽ được trẻ dễ dàng tiếp thu và lưu lại dấu ấn hơn.

Trn Xuân Tiến
(Trưng ĐH Văn Hiến)