Thứ bảy, 24/10/2020, 10h15

Đọc sách để hiểu nghệ thuật

Những cuốn sách viết về nghệ thuật, để hiểu nghệ thuật đang lấp chỗ trống giáo dục thẩm mỹ ở các trường học và giúp công chúng nhìn tác phẩm nghệ thuật một cách cởi mở hơn.
Nghệ thuật dưới góc độ di truyền - tác phẩm mới được giải A của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư /// Ảnh: NVCC
Nghệ thuật dưới góc độ di truyền - tác phẩm mới được giải A của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư. ẢNH: NVCC
Mã gien nghệ thuật Việt
Hồi ký của danh họa Thang Trần Phềnh có một câu chuyện đặc biệt về nghệ thuật Việt Nam qua cái nhìn của người phương Tây. Khi đó, ông Phềnh và họa sĩ Nam Sơn đang ngồi vẽ thì ông Tardieu (sau này là hiệu trưởng trường mỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam) đến xem. Ông Tardieu ngạc nhiên và thốt lên rằng ông thấy làm lạ quá, người họa sĩ An Nam vẽ mà không nhìn vào đâu cả. Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp kể lại câu chuyện này trong sách Nghệ thuật dưới góc độ di truyền và đánh giá: “Qua câu chuyện này chúng ta có thể thấy rằng ngay cả khi Việt Nam chưa có một nền hội họa thực sự, thì mã gien nghệ thuật của người Việt Nam đã rất rõ ràng, khiến một họa sĩ trí thức Pháp cũng phải ngạc nhiên. Người Việt Nam không trực tiếp vẽ lại thế giới mà vẽ lại cảm giác và nhãn quan của mình về thế giới. Tính cách biểu hiện mang đầy tính Á Đông Việt Nam đó đã được thể hiện rất rõ trong nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống”.
Cuốn sách này vào tháng 8.2020 được trao giải A về lý luận phê bình của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư. Trước đó, cũng tác giả Vũ Hiệp, đã đoạt giải B giải thưởng sách quốc gia 2019 với cuốn Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật. Có thể nói, đây là những cuốn sách đáng kể trong thời gian qua của nhà nghiên cứu trong nước về mỹ thuật Việt Nam, về nghệ thuật Việt Nam.
Cuốn sách Song hành với nghệ thuật của cây bút Đào Mai Trang cũng mới được xuất bản. Tác phẩm gồm những bài báo mà bà Trang đã thực hiện trong suốt 7 năm. Những câu chuyện này đi dọc, đi ngang đời sống mỹ thuật để cho cả cái nhìn hậu trường lẫn toàn cảnh. Cuốn sách cũng gắn với những vấn đề thời sự mỹ thuật như giá trị thật của tranh bên cạnh câu chuyện cá tính của từng nghệ sĩ.
Nhiều tác phẩm về nghệ thuật, lý luận nghệ thuật thời gian gần đây có chất lượng đáng nể. Chẳng hạn, cuốn Phê bình văn học thế kỷ 20 của tác giả Thụy Khuê. Trong đó, bà giới thiệu nhiều lý thuyết tiếp cận và phê bình văn học hiện đang được áp dụng trên thế giới. Cuốn Kỹ thuật vẽ sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cũng là trường hợp đặc biệt. Theo đó, ông nhìn việc sáng tạo tranh sơn dầu từ góc độ kỹ thuật, vật lý và hóa học. Việc sử dụng các lớp màu như thế nào để tác phẩm có độ bền vững được ông Đăng nghiên cứu và viết lại.
Đọc sách để hiểu nghệ thuật - ảnh 1
Đọc sách để hiểu nghệ thuật - ảnh 2
Hai đơn vị làm sách là Đông A và Omega đều xuất bản Câu chuyện nghệ thuật. ẢNH: ĐÔNG A - OMEGA
“Mảng sách mỹ thuật có chất lượng tốt nhất”
 
Bên cạnh những cuốn sách của tác giả Việt Nam, còn có những tác phẩm dịch thuật về nghệ thuật được xuất bản thời gian qua. Trịnh Lữ dịch Bàn về nhiếp ảnh, Như Huy dịch Thế mà là nghệ thuật ư, Phan Nữ Ngọc Linh dịch Câu chuyện nghệ thuật, Phạm Long dịch Điêu khắc ngày nay và Về tinh thần trong nghệ thuật, May Sao dịch Theo dòng lịch sử nghệ thuật...
Những cuốn sách viết về nghệ thuật hiện có mặt bằng tốt. Chúng có vai trò nâng cao trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng, lấp đầy khoảng trống mà nhà trường không làm được. Điều đó rất quan trọng. 
PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Những cuốn sách này làm nhớ tới bộ sách về nghệ thuật, về mỹ thuật đã từng khuynh đảo thị trường 20 năm trước của NXB Kim Đồng. Đó là bộ sách Danh họa thế giới gồm nhiều cuốn nhỏ, mỗi cuốn viết về cuộc đời sáng tác của một danh họa khác nhau. “Bộ sách Danh họa thế giới khi đó có dự án nên được trợ giá, bán rất chạy, nhưng chúng ta không có nhiều sách về mảng đó. Thứ nữa, phong trào chép tranh khi ấy nổi lên và các ông tổ chép tranh cũng mua về làm tài liệu. Sinh viên mỹ thuật mua về để đọc, để biết...”, họa sĩ Tô Chiêm, NXB Kim Đồng, nói. Sau này, khi không còn dự án tài trợ, NXB cũng tái bản sách dưới dạng in 4 tập, sách bán cũng rất tốt.
Mặc dù vậy, ông Tô Chiêm cho rằng những cuốn sách viết về nghệ thuật nhìn chung đều không dễ bán. “Đó là một lĩnh vực đã hẹp rồi. Mỗi cuốn sách còn có đề tài hẹp hơn nữa. Tuy nhiên, người ta vẫn làm sách viết về nghệ thuật. Người làm sách biết rủi ro nhưng phải làm thì người đọc mới dần biết đến loại sách này. Mà ai quan tâm thì đó là những đề tài rất hay”, ông Chiêm nói.
Cũng theo họa sĩ Tô Chiêm, tuy đã có nhiều sách viết về nghệ thuật ra đời, song tính tỷ lệ loại sách này trong mặt bằng với các loại sách khác thì số tác phẩm in ra cũng không nhiều.
PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), đánh giá mảng sách viết về nghệ thuật hiện có chất lượng không đều nhau ở các mảng nghệ thuật khác nhau. “Trong các loại sách về nghệ thuật hiện nay, mỹ thuật là một trong những mảng tốt nhất. Mảng âm nhạc không có mấy. Văn học thì vốn đã tốt. Điện ảnh lèo tèo, trừ bộ sách do Quỹ Ford Foundation đã làm hay bộ sách của đạo diễn Việt Linh thực hiện”, ông Thạch phân tích. Cũng theo ông Thạch, mảng sách mỹ thuật tốt hơn vì có những cá nhân xuất sắc tham gia thực hiện. Đó là tác giả Trịnh Lữ, Nguyễn Đình Đăng, Vũ Hiệp cùng nhiều người khác.
Điều quan trọng nhất, theo ông Thạch là: “Những cuốn sách viết về nghệ thuật hiện có mặt bằng tốt. Chúng có vai trò nâng cao trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng, lấp đầy khoảng trống mà nhà trường không làm được. Điều đó rất quan trọng”.
Theo Trinh Nguyễn/TNO