Thứ bảy, 7/12/2019, 19h49

Đổi mới kiểm tra đánh giá để loại trừ các hành vi gian dối

Gi thi kim tra ca hc sinh trung tâm GDTX (nh minh ha)

Trong một năm học, ở từng bộ môn, HS có nhiều bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ theo quy định. Trong bối cảnh hiện nay, điểm số đang trở thành thước đo duy nhất về trình độ, năng lực của các em, nên để có kết quả cao nhất có thể, có nhiều HS sử dụng các hành vi gian dối trong khi làm các kiểm tra (trên giấy). Có lẽ vấn đề gian dối trong giờ kiểm tra của HS rất cần được sự quan tâm thật sự nghiêm túc của nhà trường và GV trước khi tiếp nhận thực hiện chương trình GDPT mới với mục tiêu “giúp HS phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách”. Từ đó việc đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng “chuyển từ đánh giá theo hướng tiếp cận nội dung sang đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực HS” sẽ tạo điều kiện xóa bỏ các hành vi gian dối.

Có thể nhận thấy hiện nay, trong giờ kiểm tra, nhìn chung, việc một số HS có các hành vi gian dối là “chuyện thường ngày ở huyện”, các hình thức trao đổi, hỏi bài, quay cóp, làm “phao”, chuyền bài làm… đã trở thành “một phần tất yếu”. Để có một buổi kiểm tra thật sự nghiêm túc gần như là ước mơ “cháy bỏng” của các GV có tâm huyết, nhưng hầu như đó là chuyện “không tưởng” bởi vì trong những lần kiểm tra, nhất là các bài kiểm tra làm ngay tại lớp, thường có những cảnh “tưởng không nổi”. Để quyết liệt ngăn chặn cần phải có sự quyết tâm của nhà trường, tất cả các GV và ý thức về tính trung thực trong từng HS.

Quay cóp trong giờ kiểm tra, thi cử thời nào chẳng có. Tuy nhiên, HS nào bị thầy hoặc các bạn phát hiện là đã “cọp-dê” trong lúc làm bài kiểm tra là thấy xấu hổ, không dám giao tiếp với mọi người và có tâm trạng đau khổ trong thời gian dài.

Từ thực tế HS đi học với nhiều áp lực, buộc phải chạy theo lối học thực dụng, không thấy hệ lụy về sau. Từ quan niệm đánh giá kết quả học tập qua điểm số, chạy theo bằng cấp nên HS có thể làm bất cứ cách nào để đạt được mục đích. Điều đáng nói ở đây là có một bộ phận không nhỏ HS rất hài lòng với điểm số của mình bất kể các “thủ đoạn” đạt được. Hành vi này đáng bị lên án. Nhưng cũng có một số HS học tập tích cực cũng bị “cuốn theo chiều gió” và khi “tay đã nhúng chàm” thì cảm thấy xấu hổ, nhưng lại phân vân giữa hai con đường: Trung thực - điểm nhỏ, dối trá - điểm cao, nên chuyện “tái phạm” luôn gần lắm, ít có HS nào dũng cảm “tự thú trước bình minh” hành vi có lỗi của mình. Lối học (cả lối sống) thực dụng đó đã làm mất đi không khí kiểm tra nghiêm túc.

Cùng với sự phát triển các thiết bị ghi âm, ghi hình hiện đại, các hình thức gian dối của HS ngày càng tinh vi hơn, gây không ít khó khăn cho thầy cô, nhưng nhất định đây không phải là điều không thể ngăn chặn.

Xét về lý, các nhà lãnh đạo GD đã có không ít văn bản chỉ đạo về vấn đề này kèm theo các hình thức xử phạt tương ứng với mức độ vi phạm. Từ “Điều lệ…” có các hành vi HS không được làm như gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh. Đến quy chế thi và xét tốt nghiệp cũng có quy định xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi gồm các hình thức tùy theo mức độ… Đặc biệt các nhà trường đều có nội quy về tính trung thực trong kiểm tra, thi cử… Đây nghĩa là ngành GD từ lâu đã thấy vấn nạn gian dối trong kiểm tra, thi cử không hề là chuyện cá biệt, nhưng trên thực tế vấn đề không phát triển theo hướng tích cực như mong muốn. Thể hiện rõ nhất là trong các kỳ thi hiện nay với cả hệ thống ngăn chặn nhiều tầng nấc, thiết nghĩ “ý đồ có phao thi” gần như khó có thể (nhưng không là không thể), tuy nhiên vấn đề không phải là từ các kỳ thi mà “công phu” đã được “tu luyện” từ các bài kiểm tra trong lớp (nếu GV thiếu cảnh giác). Vận động tiệm tiến, lâu dần thành quen, các em mất đi lòng tự trọng, không còn cảm giác tội lỗi, mọi chuyện trở thành bình thường, sẵn sàng hét toáng lên (tỏ ý hãnh diện tột cùng) khi bài kiểm tra, bài thi của mình được điểm cao (dù qua hành vi gian dối).

Tất cả mọi hành động gian dối trong kiểm tra, thi cử phải là vấn đề cần quan tâm đúng mực để ngăn ngừa triệt để, tiến tới loại hẳn trong lứa tuổi HS. Không có “châm chước nhân đạo”, vì nhân đạo với các HS này sẽ tạo thông lệ cho những HS lười học “thừa thắng xông lên”. Không chấp nhận hiện tượng cộng sinh khi làm bài kiểm tra thì giữ vai trò đặc biệt quan trọng là các thầy cô trên lớp cần thể hiện tính nghiêm túc trong các giờ kiểm tra, xem đó là lương tâm chức nghiệp; cần từ bỏ thói quen là trong mắt nhiều GV, xem HS thường ngày học khá, giỏi được điểm cao bài kiểm tra là chuyện bình thường, đáng tin cậy, còn HS thường ngày học kém mà có lúc được điểm cao thì lập tức quy cho các em là không trung thực; nên có lòng tin ở sự phấn đấu của HS. Về phía các bậc phụ huynh cần ý thức là cha mẹ kỳ vọng con em mình luôn nỗ lực hết mình trong học tập chứ không phải kỳ vọng chúng luôn đạt được điểm số cao trong học tập bằng mọi giá.

Căn cơ nhất là ngành GD và nhà trường cần tổ chức ngay việc đổi mới hình thức đánh giá HS bằng nhiều hình thức (như tinh thần chỉ đạo của Công văn số 3892/BGDĐT-GDTrH ngày 28-8-2019 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GD trung học năm học 2019-2020) qua cách thay thế các bài kiểm tra thường xuyên bằng phương pháp đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; qua việc HS báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật; báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập…, hoặc gần đây nhất, HS một số trường THPT tại TP.HCM vừa làm bài kiểm tra giữa kỳ trên điện thoại và máy tính tạo tâm lý háo hức cho HS (tất nhiên cũng cần nghiên cứu kỹ các biện pháp kỹ thuật để ngăn ngừa các hành vi tiêu cực khi triển khai đại trà). Có như thế thì các hành động gian dối trong kiểm tra, thi cử sẽ dần bị triệt tiêu vì không còn đất sống.

Âu đó chính là bước đi chắc chắn đúng hướng trong việc kiểm tra đánh giá chính xác năng lực và rèn nhân cách cho HS theo hướng bảo vệ sự công bằng, giữ vững kỷ cương, nề nếp trong học đường; xây dựng cho HS một động cơ, thái độ học tập đúng đắn, tự giác, tích cực; khả năng tự hoàn thiện để vươn lên của chính mình. Đó mới được coi là chìa khóa của thành công đích thực.

Trn Đăng Huy (TP.Cn Thơ)