Thứ sáu, 2/4/2021, 14h11

Đổi mới môn học, đón đầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Nhằm đưa bộ môn hóa học tiệm cận với những đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng tính ứng dụng thực tiễn của môn học, mới đây thầy Phan Thanh An (giáo viên môn hóa học Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã tổ chức chuyên đề STEM Nhôm và Sắt cho học sinh lớp 12A7 của trường. Thông qua những sản phẩm học sinh thiết kế như: Máy rửa tay sát khuẩn hoạt động bằng cảm ứng và cơ học, giá đỡ laptop, vòng quay may mắn…, chuyên đề là cách hiện thực hóa kiến thức lý thuyết môn học, đưa kiến thức vào trong thực tế cuộc sống. Ngoài ra, bằng những trò chơi và các hoạt động nhóm, chuyên đề đã thể hiện sự ứng dụng triệt để của công nghệ thông tin trong môn học và nhà trường.


Các em hc sinh hào hng tham gia chuyên đ STEM Nhôm và St

“Trong quá trình bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Module 1 và 2 có đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy. Điểm mới trong chuyên đề này chính là bản thân giáo viên mạnh dạn đẩy mạnh công nghệ thông tin, linh hoạt triển khai các Module đã được bồi dưỡng vào giảng dạy, vừa giúp học sinh hứng thú, vừa là cách để từng bước làm quen, đón đầu chương trình mới”, thầy Thanh An chia sẻ.

Trước khi triển khai chuyên đề, lớp học được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm học sinh có nhiệm vụ thực hiện một sản phẩm liên quan đến tính ứng dụng của môn học vào thực tế. Xuyên suốt chuyên đề, với phương pháp giáo dục STEM, mỗi nhóm học sinh thuyết trình, giới thiệu về sản phẩm của nhóm, đồng thời qua từng trò chơi củng cố lại kiến thức. “Điều khó nhất khi thực hiện sản phẩm là học sinh phải chỉ rõ được khi nào dùng nhôm, khi nào dùng sắt, tức là phải hiểu rõ tính chất vật lý của hai chất này. Bên cạnh đó, các em phải biết viết Cost cho chính sản phẩm của nhóm mình, thậm chí là sử dụng cả kiến thức bản vẽ kỹ thuật để tạo hình trước cho sản phẩm… Đây là những kiến thức mà học sinh phải tự mày mò, tìm hiểu chứ không thể chỉ phụ thuộc vào sách giáo khoa”, thầy Thanh An nói.

Em Phạm Trung Dũng (thành viên nhóm thiết kế sản phẩm vòng quay may mắn) cho biết chuyên đề STEM Nhôm và Sắt thực sự rất bổ ích, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, vừa học vừa chơi mà vẫn mang lại hiệu quả cao. “Ngoài kiến thức môn học, chuyên đề còn là dịp chúng em được ôn lại kiến thức ở nhiều bộ môn khác như vật lý, tin học, công nghệ…, vận dụng tìm tòi thêm được nhiều kiến thức mới hữu ích cho cuộc sống. Không những vậy, chúng em còn được trang bị kỹ năng làm việc nhóm, hiểu và gắn kết hơn tình cảm bạn bè…”, Trung Dũng chia sẻ.

Bài, ảnh: Đ.Hoa