Thứ sáu, 20/11/2020, 09h41

Đội U.22 Việt Nam phải làm lại từ đầu!

Nếu tính cả đợt tập trung vào tháng 12 tới, đội U.22 Việt Nam có tất cả 4 lần hội quân trong năm 2020. Ở bối cảnh Covid-19 còn hoành hành ở Đông Nam Á, rõ ràng các học trò trẻ của thầy Park đang có lợi thế hơn nhiều đối thủ khác cùng khu vực. Thế nhưng mục tiêu bảo vệ HCV SEA Games 31 vào cuối năm sau không hề dễ dàng.
Ông Park rất nghiêm khắc khi uốn nắn từng cầu thủ
“Cậu đánh đầu như thế là sai cách rồi !”
“Cậu chạy đà kiểu đó để đánh đầu thì làm sao có lực”, “Cậu chạy thì ổn nhưng đánh đầu như thế lại sai cách rồi”, “Cậu chạy kiểu đó thì không ai có thể chuyền được bóng cho cậu cả”, “Sao cậu cứ cắm mặt xuống đất khi phối hợp thế?”. Hai tuần tập luyện của U.22 Việt Nam, ông Park “sái quai hàm” để nhắc nhở cầu thủ. Quả là bất an khi chính ông Park đã tiết lộ: “Tôi phải dành nhiều thời gian để uốn động tác cho cầu thủ vì nhiều người bị sai lắm”. Cầu thủ tầm đội tuyển trẻ mà còn phải rèn động tác thì quả là hồi chuông báo động về công tác đào tạo ở các CLB chứ không phải chuyện đùa. Mà đấy mới chỉ là những nhắc nhở về mặt kỹ thuật, còn về mặt chiến thuật, thầy Park còn phải mỏi miệng hơn nhiều.
Đa phần các CLB ở Việt Nam chơi với hàng phòng ngự 4 người. Nhưng sơ đồ của ông Park lại hoàn toàn khác. Lúc tấn công là sơ đồ 3-4-3 nhưng khi phòng thủ lại phải lập tức chuyển sang sơ đồ 5-4-1, hai tiền vệ cánh lùi về phòng ngự chứ không thụ động. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng quá trình chuyển đổi trạng thái ở các buổi đấu tập nội bộ, khiến các cầu thủ “bở hơi tai” vì đòi hỏi tốc độ, sự quan sát tinh nhạy, di chuyển hợp lý, giữ được cự ly đội hình. Thế mới có chuyện, không dưới một lần, cả HLV Park lẫn trợ lý Lee Young-jin phải gắt lên: “Có hiểu thế nào là kỷ luật chiến thuật không mà cứ chạy loạn lên thế kia”. Triết lý bóng đá của thầy Park luôn đòi hỏi cầu thủ phải thi đấu bằng “đầu”, bằng tư duy dựa trên nền tảng thể lực sung mãn. Đội U.22 Việt Nam hiện tại thực hiện được bao nhiêu phần trăm yêu cầu? Khoảng 50%. Một thành viên ban huấn luyện cho biết.
U 22 tập luyện
Chênh lệch trình độ
Tại SEA Games 30, U.22+2 Việt Nam thành công rực rỡ vì ông Park đã thực hiện việc xoay tua cầu thủ rất hợp lý. Số đá chính và số dự bị không quá chênh lệnh về trình độ nên gánh được việc cho nhau. Còn U.22 Việt Nam phiên bản năm 2020 để lại nhiều nỗi lo về chất lượng không đồng đều. Ông Park đã cố gạn lọc để chọn những cầu thủ trẻ khá nhất ở các CLB để mang lên U.22. Khá nhất ở các đội, nhưng không có nghĩa là đã thỏa mãn được các tiêu chí về chuyên môn mà ông Park đưa ra. Rất nhiều người trong số họ cả năm chỉ ra sân được một đến hai lần nên không khỏi bị “sốc nhiệt” trước giáo án và sự khắt khe của thầy Park.
Trong hai trận đấu tập với quân xanh là đội Phố Hiến và U.21 Nam Định, các cầu thủ mới gần như không áp đặt được lối chơi, không mang lại hiệu quả bằng những bàn thắng. Chỉ đến khi ông Park tung vào sân những gương mặt đã từng được triệu tập ở hai lần tập trung trước, thành quả mới đến với U.22 Việt Nam. Lối chơi của U.22 Việt Nam chưa thực sự nhuần nhuyễn và ăn ý. Ông Park đã tạm đánh dấu những cầu thủ được xem là nổi bật nhất, thì đều là những người “cũ” như Nguyễn Văn Toản, Thái Bá Sang, Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân, Mai Xuân Quyết, Nguyễn Hồng Sơn, Văn Minh, Việt Cường… Những nhân sự dự bị cho số cầu thủ chủ chốt này, sẽ cần thêm thời gian mới có thể xóa được khoảng cách về tư duy, về khả năng vận hành chiến thuật.
Nguyễn Hai Long và Lê Văn Xuân
Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển đã từng thốt lên đầy lo lắng là nếu không có sự chuẩn bị thật kỹ, có thể sẽ xảy ra tình trạng bị lệch trình độ ở đội U.22 Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hiển vẫn tin tưởng: “Từ nay đến vòng loại U.23 châu Á và SEA Games 31 còn gần 1 năm. Vẫn đủ cho ông Park tìm ra được chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc và kịp đưa U.22 Việt Nam vào khuôn khổ”.
Bùi Hoàng Việt Anh tập
Còn chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương lạc quan: “So với các thế hệ U.22 trước đây, đội U.22 Việt Nam thời kỳ này không có những ngôi sao, không có những cá nhân xuất sắc cỡ Công Phượng, Quang Hải, Tuấn Anh… nhưng sẽ là lứa đầy tiềm năng. Nếu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và ông Park tiếp tục có những chu kỳ chuẩn bị đúng đắn, khoa học thì chúng ta sẽ có một đội U.22 thực sự vững chãi. Về mặt khách quan, đội U.22 Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn các đội khác trong khu vực. Việt Nam kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt nên bóng đá đã trở lại ngoạn mục và được duy trì ổn định. Các đợt tập trung đã và sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả cao. Trình độ cầu thủ sẽ được bồi đắp theo thời gian. Đối thủ thực sự đáng gờm của U.22 Việt Nam vào năm sau có lẽ chỉ là đội Thái Lan khi HLV Nishino cũng đang có chủ trương trẻ hóa đội hình. Đội U.22 Malaysia hay Indonesia… vẫn thấp hơn chúng ta. Vì thế, việc bảo vệ tấm HCV SEA Games 31 tuy khó nhưng không phải là không thể”.
TT (theo thanhnien)