Thứ năm, 17/11/2022, 15h35

Đối với thầy cô, tự học là một đức tính!

Ngành giáo dục đang thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, trên tinh thần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, có nơi, cấp ủy và nhà trường yêu cầu giáo viên phải làm gương cho thói quen tự học, tự tìm tòi, đổi mới…


Theo tác giả, trong điều kiện của từng người, mỗi giáo viên nên tự đặt ra cho mình một mục tiêu nào đó trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy (ảnh minh họa). Ảnh: N.Hùng

Trong bối cảnh hiện nay, tự học trong đội ngũ giáo viên thực sự nên xem là một đức tính quý! Trong cuốn Tự học - một nhu cầu thời đại, viết năm 1954, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) nêu rõ: “Các từ điển đều cho tự học là học lấy không cần thầy. Theo thiển ý, như vậy là sai. Tôi đóng tiền theo một lớp từ xa. Người ta gửi bài cho tôi học, chỗ nào không hiểu, tôi viết thư hỏi. Người ta lại ra bài cho tôi làm, làm xong có giáo sư sửa. Như vậy là tôi học có thầy mà cũng vẫn là tự học. Thợ thuyền ở Âu, Mỹ, buổi tối thường theo học những lớp dạy về nghề nghiệp hoặc chính trị… Họ cũng cắp sách tới trường, cũng nghe giáo sư giảng bài rồi về nhà làm bài, học bài như chúng ta hồi nhỏ vậy. Mà có ai bảo rằng họ không phải là tự học. Tự học là không ai bắt buộc mà tự mình tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm. Có thầy hay không ta không cần biết. Người tự học hoàn toàn làm chủ mình, muốn học môn nào tùy ý, muốn học lúc nào cũng được. Đó mới là điều kiện quan trọng”.

Nếu đối chiếu với điều kiện hiện nay, tự học còn rộng hơn. Chúng ta không chỉ học từ xa mà còn học qua internet, qua các trang mạng xã hội, học qua sách báo; chúng ta không chỉ học với một người thầy cụ thể mà còn với nhiều người thầy cùng lúc hoặc người thầy “vô danh”; chúng ta có thể học theo bài, theo lớp hoặc thích tới đâu học tới đó, học từ nội dung này sang nội dung khác… Suy cho cùng, ở một xã hội mà công nghệ phát triển nhanh chóng, không ai trong chúng ta không tự học, để bắt kịp với tiến bộ chung của mọi người xung quanh, với thời đại, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Người thầy là những người đi truyền bá kiến thức, làm gương cho người học từ chính hành vi, thái độ, hoạt động của mình thì càng phải thể hiện rõ tinh thần tự học. Sẽ chẳng là một gương sáng về đạo đức nếu người thầy không chịu tự học mà đóng khung kiến thức, đóng khung suy nghĩ. Sẽ chẳng có sáng tạo nếu người thầy không tự học, dẫu có thì cũng sẽ “mòn” đi theo năm tháng. Sẽ chẳng thể thuyết phục được người học nếu người thầy không cập nhật kiến thức, thông tin, kể cả các vấn đề rất tiểu tiết như các trend hoặc ngôn ngữ của giới trẻ. Và, đương nhiên, sẽ khó có người thầy giỏi nếu người thầy đó tự cho mình đã biết đủ, hiểu đủ và không cần tự học. Thời gian bùng phát dịch, thực sự nhiều người thầy đã thể hiện sự tự học vượt bậc. Một số giáo viên trước giờ không mặn mà với công nghệ nhưng giờ phải biết dùng các ứng dụng để dạy trực tuyến, biết livestream và tạo các group để giảng bài hoặc trao đổi bài giảng, biết khai thác thông tin, hình ảnh trên mạng internet để làm đầy đặn bài giảng của mình. Một số giáo viên trở nên rất thành thạo trong việc sáng tạo và làm các hiệu ứng cho slide bài giảng, biết chèn hình ảnh, video, audio… Các việc đó không chỉ để dạy trực tuyến mà còn để thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến việc dạy học, song song với giảng bài. Không chỉ vậy, một số giáo viên còn tìm tòi để quay phim, cắt ghép hình ảnh, tạo hiệu ứng, lồng nhạc… để làm các video phục vụ cho bài giảng. Đồng thời, không ít người đã chủ động sử dụng mạng xã hội để đăng tải các video đó nhằm giúp học sinh có thêm kênh học tập, thay vì chỉ có các buổi học trực tuyến. Những việc đó có thể coi là sự tự học rất đáng quý của một bộ phận thầy cô trong đợt dịch căng thẳng.

Nhưng không thể dừng lại đó. Sự tự học không có giới hạn và không có điểm dừng. Đại văn hào Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) lúc cuối đời còn nói: “Hãy mở cửa ra!”. Cánh cửa được mở ra đó không chỉ có ánh sáng của mặt trời mà còn là ánh sáng của tri thức, của tiến bộ. Cho nên không phải khi mới vào nghề giáo viên mới cần tự học, sau khi lấy được bằng thạc sĩ hay tiến sĩ rồi thì không cần tự học nữa. Không tự học, kiến thức sẽ đứng yên trong khi xã hội vẫn đang tiến lên một cách nhanh chóng, tức là người thầy đang dần lạc hậu, dù có bằng cấp gì. Thí dụ, một giáo viên dạy môn ngữ văn, việc tự học nên làm là không ngừng đọc các tác phẩm văn học, ở nhiều trường phái, nhiều thể loại, nhiều tác giả, nhiều quốc gia…, để có thêm vốn liếng cho bài giảng, để hiểu thêm về các xu hướng/trào lưu sáng tác, để có thêm căn cứ  so sánh, từ đó có thể đánh giá chính xác hơn về tầm vóc, giá trị của các tác gia, các tác phẩm, có thêm chất liệu để thuyết phục học sinh về những điều mình muốn khẳng định. Như học về Lục Vân Tiên không phải chỉ soi trong văn bản của cụ Nguyễn Đình Chiểu hay các tài liệu nghiên cứu trong nước mà còn phải biết đến các công trình, những tác phẩm có liên quan xuất bản ở nước ngoài. Hay một giáo viên môn lịch sử không phải chỉ nói về các chuyện “ngày hôm qua” mà còn phải biết các việc đang xảy ra, thậm chí cả việc sẽ xảy ra. Đó là tìm hiểu, nạp thông tin về các công trình nghiên cứu mới, những bằng chứng khảo cổ mới, các cách đánh giá/nhìn nhận mới về một sự kiện hay một nhân vật… Đó là nghiên cứu về các cách tiếp cận về từng vấn đề hay từng sự kiện trên cơ sở của các bằng chứng mới, các nhận thức mới. Thậm chí, cần biết tương lai sẽ ra sao từ việc vận dụng các bài học của lịch sử. Hay với các môn hóa học, vật lý, sinh học… lại càng có nhiều vấn đề mới cần tìm hiểu bởi nhân loại liên tục cho ra đời các lý thuyết mới, những chất mới, những vật liệu mới, các giống mới… Kể cả các lý thuyết cũ thì bây giờ vẫn có thể được tiếp cận ở nhiều góc độ, vẫn cần được cập nhật, bổ sung kiến thức.

Ở bậc đại học, với tính chất gợi mở, nghiên cứu và khoa học sâu hơn, người thầy càng phải tự học nhiều hơn để có thể thực hiện được các tính chất đó cho sinh viên. Người thầy không chỉ giúp người học có kiến thức mới vừa cập nhật mà còn tạo điều kiện để người học có cách thức tiếp cận mới, cách tư duy mới. Học tập Bác Hồ, một tấm gương mẫu mực về sự tự học, mỗi người thầy không thể học suông bằng khẩu hiệu, bản đăng ký mà phải bằng các hành động thực tế, có ý nghĩa. Một trong những nội dung thiết thực, có giá trị cho bản thân và cho nhiều người khác chính là tự học để không ngừng nâng cao kiến thức, nâng cao năng lực tư duy. Cho nên, trong điều kiện của từng người, mỗi giáo viên nên tự đặt ra cho mình một mục tiêu nào đó trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy, như làm được thêm một thao tác, thạo thêm một kỹ năng, đọc thêm một cuốn sách, hiểu hơn một vấn đề… Làm được điều đó tức là mỗi người thầy đã tự nâng mình lên, đồng thời góp phần trao truyền thêm những kiến thức có ích cho người khác. Và, không chỉ vậy, đó chính là đạo đức bởi đã xây dựng một hình ảnh đẹp để người học noi theo.

Nguyễn Minh Hải