Thứ ba, 14/1/2020, 09h43

Đón Tết lúa mới giữa đại ngàn

Khi các loài hoa - “đại sứ” mùa xuân hiện diện khắp nơi để báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Khi đâu đó trên sân ga, bến xe, đường băng… những người con xa xứ đang tất bật háo hức với những chuyến trở về thì ở trên đỉnh Trường Sơn của vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, đồng bào Pa Cô cũng tưng bừng đón lễ hội Aza (Tết lúa mới), khép lại một năm cũ bằng những hạt ngọc thơm lừng vừa thu về trên rẫy và khởi đầu một năm mới với nhiều hy vọng!

Cuối năm, khi lúa rẫy chín vàng, bà con Vân Kiều, Pa Cô lên nương tuốt lúa bằng tay

Hạt ngọc trên rẫy

Nếu như nói mỗi vùng quê có một đặc sản thì với đồng bào Pa Cô, Vân Kiều thuộc vùng núi phía Tây Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, cây lúa rẫy là cây lương thực chính trong đời sống của họ. Mỗi đứa trẻ Vân Kiều, Pa Cô khi vừa lọt lòng mẹ đã được mẹ cõng trên lưng để lên nương làm rẫy. Ở đó, những cái bấm đốt ngón tay đếm thời gian bằng mùa rẫy, tuổi đứa trẻ cũng tính bằng mùa rẫy.

Theo các già làng, mỗi năm vào tầm cuối tháng 3 âm lịch, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô thường đốt nương, chuẩn bị cho mùa rẫy mới. Đến tháng 5, bà con bắt đầu gieo trỉa những hạt lúa giống. Hạt giống “gửi tạm” vào đất đợi qua mùa mưa xuống bắt đầu nảy mầm, lên mạ. Trải qua 6 đến 7 tháng ròng rã, lúa sẽ cho thu hoạch. Ấy cũng là lúc giáp Tết Nguyên đán.

Để công việc gieo trỉa bớt nặng nhọc, bà con cùng giúp nhau gieo hết quả đồi này sang quả đồi khác. Mỗi rẫy lúa sẽ được canh tác liên tục trong 3 vụ. Sau đó sẽ bỏ hoang từ 3 đến 4 năm cho cây rừng tái sinh làm giàu dinh dưỡng trong đất rồi sẽ quay trở lại đốt rẫy để tiếp tục canh tác những vụ mùa mới. Muốn có rẫy tốt, những người đàn ông Vân Kiều, Pa Cô sẽ cất công đi chọn những quả núi có địa thế và cây cối phù hợp để đốt rừng làm rẫy… Có đặc tính chịu hạn, việc canh tác hoàn toàn phụ thuộc và tự nhiên nên những năm gặp thời tiết không thuận thì lúa rẫy dễ mất mùa. Nhưng cũng chính vì thế, hạt lúa thu về được bà con ví như hạt ngọc trời ban. Khi bắt đầu thu hoạch lúa, các gia đình làm một lễ cúng nhỏ rước thần lúa về nhà. Giữa những rẫy lúa vàng trên những triền núi thấp thoáng những sơn nữ trong trang phục thổ cẩm truyền thống, vai mang Ka Ria, đôi tay trần thoăn thoát tuốt lấy hạt thóc tròn mẫy…

Nghi lễ cúng luôn diễn ra trang nghiêm với đầy đủ phong tục

Cây lúa rẫy còn gắn với tục “đi sim” của người Pa Cô. Trong ký ức của những bậc cao niên trên rẻo cao này, xưa, nhiều gia đình thường hẹn nhau phát rẫy chung một quả núi, khi cây lúa trổ bông thì người ta bắt đầu dựng những ngôi nhà chòi ngay giữa rẫy để canh giữ động vật hoang dã phá hoại mùa màng. Trong nhà chòi có khá nhiều dụng cụ có thể phát ra âm thanh để xua đuổi chim và thú rừng, nhất là các loại nhạc cụ. Người được phân công giữ rẫy thường là các sơn nữ đến tuổi lấy chồng. Chính âm thanh từ việc giữ rẫy vang vọng giữa núi rừng là tín hiệu để các chàng trai đến tuổi lập gia đình tìm đến để tìm hiểu và ngỏ lời cùng các sơn nữ. Nếu hợp ý họ sẽ hẹn ước và xin phép gia đình để mùa rẫy năm sau nên duyên vợ chồng…

Tưng bừng lễ hội Aza

Cuối đông, khi bà con đồng bằng đang tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền thì trên đỉnh Trường Sơn, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô cũng bắt đầu lên kế hoạch cho lễ Aza. Lễ được tổ chức vào thời gian giáp Tết Nguyên đán. Ngày được chọn tổ chức lễ có ý nghĩa là ngày đẹp, mang lại nhiều may mắn, tùy theo quan niệm của từng dòng họ. Cận kề Tết, khi bông lúa trên rẫy đã đến độ chín vàng, trĩu gập, trong tiết trời se lạnh, sương giăng khắp bản làng cũng là lúc các buôn làng của người Pa Cô náo nức chuẩn bị cho lễ hội Aza để cảm ơn trời đất, thần linh đã ban cho họ một mùa vụ bội thu.

Độ ấy, nhà nhà trong buôn làng đều chuẩn bị những đồ ăn thức uống ngon nhất, trang phục đẹp nhất để đón khách quý. Người Pa Cô rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, họ tin vào thần linh huyền bí, đặc biệt là vị thần lúa mang lại hạnh phúc ấm no cho dân tộc họ. Lễ hội Aza là dịp Tết sum họp các dòng họ, thể hiện nét phong tục tập quán truyền thống của người Pa Cô, Vân Kiều. Mọi người dù đi làm ăn, học tập xa đến mấy, dịp lễ Aza đều không quên tìm về. Đêm đêm bên bếp lửa hồng, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều tụ tập đầy đủ các vị uy tín trong buôn làng, lớp cháu con, ngồi uống rượu, tâm sự và bàn tính chuyện tương lai…

Lễ hội Aza luôn diễn ra tưng bừng với cả phần lễ và phần hội, thể hiện nét tín ngưỡng dân gian vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Pa Cô, Vân Kiều. Trước khi lễ hội được tổ chức, các già làng bàn kế hoạch chi tiết, từ khách mời, đón tiếp khách, chuẩn bị các lễ vật dâng cúng theo đúng nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Bình chọn người đứng đầu có uy tín để điều hành lễ hội. Khi mọi việc đã thống nhất, các già làng phân công từng dòng họ chuẩn bị mọi thứ cho lễ hội. Thông thường, cánh đàn ông chuẩn bị vật nuôi phục vụ các nghi lễ cúng, phụ nữ kiếm sản vật từ rừng như: măng tre, nứa, các loại lá cây rừng như: đọt mây, đoác… để chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc như: Peng, clưm, cloar  hay bánh A quát… Trong lễ hội cúng Aza phải có các sản vật cúng Giàng như: cơm lam, gà nướng ống, thịt lợn, chim, ếch, cá… Theo quan niệm của người Pa Cô, thời gian để cúng lúa mới, cúng thần linh là vào buổi sáng, đó là thời điểm khí trời tốt nhất trong ngày. Lễ hội bắt đầu rộn rã khi những khách mời đến. Khách quý đi từng đoàn mang theo nào lợn, bò; gà, vịt, cá… đến cùng góp vui. Trong buôn, gia đình nào cũng phải chuẩn bị ba mâm đồ để cúng tạ ơn các Giàng: Giàng xứ núi (Thần núi), Giàng tro (Thần lúa),  Giàng A ưm, Adủa, Atoong (Thần bắp, kê, đậu). Với Giàng xứ núi thì phải cúng con vật to, có giá trị lớn như: trâu hoặc dê. Còn với Giàng tro đồ dâng cúng là các: lợn, gà, vịt, cá… để tạ ơn các vị thần một năm qua đã cho mưa thuận gió hòa, lúa chất đầy kho, gà lợn nuôi lớn nhanh như thổi, con người khỏe mạnh không ốm đau. Theo truyền thống, mọi gia đình Pa Cô đều chú trọng thực hiện phong tục này để làm “vừa lòng Giàng”, lúc đó lễ hội mới thành công.

Những mâm cỗ đầy đủ được chuẩn bị để tạ ơn thần linh ban cho mùa lúa bội thu

Sau nghi lễ cúng, phần hội tạo nên sự rộn ràng, hấp dẫn cho lễ hội với hình thức vui chơi, hát múa với các làn điệu dân ca tự ứng tác như: Cha-chấp, ba-bói, câr-lơi… Các điệu múa, điệu nhảy lả lơi với tiếng đệm của các loại nhạc cụ cồng, chiêng. Cuộc vui kéo dài 2-3 ngày thể hiện tình yêu, niềm lạc quan của đồng bào trong cuộc sống.

Hạt lúa qua 7 tháng trời ròng rã chăm bón, ngóng trông nên lễ hội mừng lúa mới đối với người Vân Kiều, Pa Cô được xem là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Khép lại một vụ mùa bội thu và mở ra một năm mới, vụ mùa mới tràn đầy hy vọng!

Phóng sự của Phan Trường Sơn