Thứ tư, 17/8/2022, 10h37

Đồng ấu Bạch Long trở lại

Sau một thời gian khá lâu ngưng hoạt động, nhóm Đồng ấu Bạch Long sẽ tái công diễn tại Nhà hát Nón lá (Cung Văn hóa Lao động TP HCM)

Là người hỗ trợ cho Đồng ấu Bạch Long tái ngộ khán giả, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (sân khấu IDECAF) cho biết nếu không làm ngay, thì sẽ không kịp có thế hệ kế thừa cho bộ môn cải lương tuồng cổ.

"Bắt tay" vì tuồng cổ

Theo nghệ sĩ Bạch Long, nhóm Đồng ấu Bạch Long đi theo mô hình hoạt động của Đồng ấu Minh Tơ (cha của cố NSND Thanh Tòng) nhóm đã đào tạo hơn 100 diễn viên nhí, ngoài con em của các đoàn hát, còn mở rộng cho các học viên có năng khiếu và đam mê tuồng cổ cùng tham gia.

"Sau một thời gian liên tục sáng đèn ở chương trình "Cầu vồng tuổi thơ" và tại Sân khấu Sen hồng (Công viên 23 Tháng 9, TP HCM), Đồng ấu Bạch Long phải tạm ngưng hoạt động vì không có chỗ diễn. Nay các diễn viên nhí được gặp lại khán giả tại Nhà hát Nón lá (Cung Văn hóa Lao động TP HCM), với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, nhiều hy vọng lần "trở lại" này sẽ hoạt động được lâu dài" - nghệ sĩ Bạch Long bày tỏ.

Đồng ấu Bạch Long trở lại - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Con bạch mã và củ cải khổng lồ”

Nghệ sĩ Bạch Long là người có tâm huyết, đã truyền nghề cho nhiều diễn viên trẻ, hiện nay không ít cái tên đã thành danh như: NSƯT Vũ Luân, NSƯT Tú Sương, NSƯT Quế Trân, NSƯT Tâm Tâm, NSƯT Thy Trang, nghệ sĩ Trinh Trinh, Bình Tinh, Chấn Cường, Lê Thanh Thảo… Thương hiệu Đồng ấu Bạch Long rất lớn và đủ khả năng tái ngộ khán giả với một diện mạo mới.

Cách đây 25 năm, Huỳnh Anh Tuấn đã từng kết hợp với NSƯT Thành Lộc, gầy dựng sân khấu kịch IDECAF. Nay ông lại bắt tay với nghệ sĩ Bạch Long, đầu tư một cách có chiến lược để thương hiệu Đồng ấu Bạch Long trở thành bệ phóng cho những tài năng trẻ của bộ môn cải lương tuồng cổ.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bộc bạch: "Tôi quyết định hỗ trợ cho Đồng ấu Bạch Long vì tôi nghĩ rằng phải làm để có thế hệ kế thừa. Sẽ tiếp tục mở lớp đào tạo tại Nhà hát Nón lá, tổ chức biểu diễn vào các suất tối cuối tuần với các vở sử Việt, nhằm góp phần hun đúc tinh thần yêu lịch sử dân tộc trong giới trẻ. Những vở kịch của chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" (sân khấu IDECAF) sẽ được chuyển thể, dàn dựng để có phiên bản cải lương tuồng cổ, nhằm tạo thêm dàn kịch mục phong phú cho sự tái ngộ của Đồng ấu Bạch Long".

Trước mắt, Nhà hát Nón lá sẽ ra mắt vở "Con bạch mã và củ cải khổng lồ" (đạo diễn Bạch Long), với sự tham gia của các diễn viên: Hồng Quyên, Thanh Dư, Khánh My, Gia Lâm, Bạch Liên, Trần Quân, Bạch Luân, Bạch Vân Thanh… vào sáng chủ nhật 11-9 đúng vào dịp Tết Trung thu. Chương trình sẽ diễn vào sáng chủ nhật cách tuần với giá vé 150.000 đồng.

Sau đó, Đồng ấu Bạch Long sẽ dựng các trích đoạn sử Việt với chủ đề "Ngọc sáng trời Nam" về các anh hùng như: Bùi Thị Xuân, Trần Quốc Toản, Lý Thường Kiệt, Trưng Nữ Vương... để biểu diễn vào tối cuối tuần. Vào tháng 11, các nghệ sĩ Đồng ấu Bạch Long qua nhiều giai đoạn sẽ được quy tụ để thực hiện chương trình đặc biệt "Nhớ ơn thầy cô".

Những người trong cuộc cho rằng thế hệ hậu bối của sân khấu cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Huỳnh Long đã có thể yên tâm về tâm huyết của những nghệ sĩ luôn khao khát truyền nghề cho con cháu, cho học viên có đam mê và năng khiếu, mà Bạch Long là một trong những nghệ sĩ đã dành trọn tuổi thanh xuân cho mục đích cao đẹp này.

“Nghệ sĩ Bạch Long đã tạo dựng uy tín qua những đợt ra mắt các lứa học trò, đã tạo sức hút rất lớn từ công chúng. Những vở như: “Cóc kiện trời”, “Cầu vồng và đàn thỏ”, “Na Tra”, “Trần Quốc Toản”... đã được Bạch Long chăm chút, tạo tiền đề cho học trò phát huy tài nghệ. Ngoài ra, anh còn sáng tác kịch bản, gửi gắm vào đó nhiều thông điệp giáo dục đạo đức cần thiết trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay” - NSND Trần Minh Ngọc nhận xét.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO