Thứ hai, 6/6/2022, 10h18

Đủ các loại phí ở trường tư, vì sao?

Đủ các loại phí như phí giữ chỗ, phí xét tuyển, phí kiểm tra đầu vào... của nhiều trường ngoài công lập có mức từ vài triệu lên tới hàng chục triệu đồng khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng.

Có trường phí nhập học đến 25 triệu đồng

Chị Ngô Hải Quỳnh (ngụ đường Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, TP.HCM) có con chuẩn bị thi vào lớp 10, cho biết: “Thấy lực học của con khó có thể đậu vào trường THPT công lập nên tôi có hỏi thêm vài trường ngoài công lập. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn khi các trường tôi hỏi đều yêu cầu đóng khá nhiều loại phí khi nộp hồ sơ. Chẳng hạn, Trường THCS-THPT Trí Đức ngoài phí giữ chỗ cho lớp bán trú là 3 triệu đồng, nếu học nội trú thì phí giữ chỗ là 4,1 triệu đồng, còn có phí kiểm tra đầu vào 500.000 đồng, phí khóa học hè bắt buộc từ 14.6 - 23.7 là 1,33 triệu đồng/tuần. Nếu nộp mà sau này không học vì có định hướng khác cho con thì sẽ mất số tiền đó”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Tú Như (ngụ tại chung cư Hà Đô, Q.10, TP.HCM) đang định hướng cho con vào học trường quốc tế, cũng rất phân vân vì khi nộp hồ sơ phải đóng nhiều loại phí và sẽ không được hoàn lại một số phí nếu không theo học.

Đủ các loại phí ở trường tư, vì sao?  - ảnh 1

Các loại phí ở trường tư khiến phụ huynh giật mình. CHỤP MÀN HÌNH

“Tôi tìm hiểu thấy Trường song ngữ quốc tế Horizon có phí kiểm tra đầu vào là 1,2 triệu đồng, phí nhập học là 25 triệu đồng. Nếu theo học, ngoài mức học phí vài trăm triệu đồng/năm, học sinh (HS) còn phải đóng hàng loạt phí khác như phí học trực tuyến gần 2 triệu đồng, phí công nghệ 2,9 triệu đồng, phí kiểm định 2,2 triệu đồng… Tôi không hiểu vì sao học phí mắc mà vẫn phải đóng phí học trực tuyến và các loại phí khác nhiều như vậy”, chị Như băn khoăn.

Tương tự, nhiều trường ngoài công lập khác đã công khai mức thu năm học 2022 - 2023, như Trường THPT Châu Á - Thái Bình Dương (TP.HCM) còn có phí ghi danh 2 triệu đồng, phí cơ sở vật chất 7 triệu đồng/năm, phí dã ngoại bậc tiểu học 5 triệu đồng/HS/năm - trung học 7 triệu đồng/HS/năm. Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) phí giữ chỗ là 2 - 3 triệu đồng, Trường TH-THCS-THPT Sao Việt (TP.HCM) cũng có phí kiểm tra đầu vào là 500.000 đồng và giữ chỗ là 3 triệu đồng. Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) có phí tuyển sinh và duyệt hồ sơ 9 triệu đồng. Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) phí giữ chỗ 10 triệu đồng, phí ghi danh 2 triệu đồng, cơ sở vật chất 2 triệu đồng/năm. Trường THPT Archimedes (Hà Nội) có phí ghi danh 3 triệu đồng, phí hồ sơ 500.000 đồng, phí dự thi 1,5 triệu đồng, sau đó nếu nhập học thì đóng tiền cơ sở vật chất 3 triệu đồng, tiền hoạt động năm 1 triệu đồng. Trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) yêu cầu phí nhập học 2 triệu đồng, phí phát triển trường 3 triệu đồng…

Đóng phí để đảm bảo, giảm thiểu hồ sơ ảo

Lý giải về việc phí giữ chỗ lên tới 10 triệu đồng, nhân viên tư vấn tuyển sinh của Trường THPT Nguyễn Siêu chia sẻ: “Phí này nhằm đảm bảo HS chắc chắn học ở trường, cũng có nghĩa là giảm thiểu hồ sơ ảo. Vì khi trường nhận hồ sơ và phí này của HS là trường đã từ chối một HS khác. Đây chính là chi phí cơ hội. Mỗi năm trường tuyển khoảng 8 lớp 10 thì mỗi lớp cũng có khoảng 1 - 2 trường hợp rút hồ sơ. Trường sẽ chuyển số tiền này vào quỹ Ước mơ xanh của trường để làm công tác thiện nguyện”.

Đủ các loại phí ở trường tư, vì sao?  - ảnh 2

Bà Lê Hoàng Tuyết Nga, nhân viên tư vấn tuyển sinh của Trường song ngữ quốc tế Horizon, giải thích sở dĩ trường thu phí nhập học 25 triệu đồng là để giảm hồ sơ ảo, phụ huynh đóng khoản này như là khoản phí giữ chỗ. Về các phí học trực tuyến, công nghệ và kiểm định, bà Nga cho hay: "Trường phải mua công nghệ, mua các ứng dụng, nền tảng phục vụ cho việc học trực tuyến. Ngoài ra, HS sẽ được cung cấp những máy tính hiện đại nhất để học vi tính. Phí tư duy là phục vụ cho việc kiểm tra tư duy định kỳ 3 năm/lần. Các khoản này là các khoản phát sinh ngoài học phí nên phải thu riêng”.

Các khoản thu chi phải được công khai, minh bạch

Nhìn nhận về vấn đề trường ngoài công lập thu quá nhiều loại phí và mức phí rất cao, ông Hồ Thanh Bình (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT) cho rằng để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, với mục đích xã hội hóa giáo dục, nhà nước tạo cơ chế và khuyến khích cho các đơn vị ngoài công lập mở trường.

“Để được thành lập và hoạt động, các trường ngoài công lập hoàn toàn phải tuân theo luật pháp của Việt Nam, được các cơ quan quản lý nhà nước giám sát. Mỗi khoản thu đều phải hợp pháp và được cho phép. Sở dĩ các khoản thu này gây “choáng” vì khi doanh nghiệp hay nhà đầu tư mở trường, họ phải theo quy luật thị trường, phải có lợi nhuận và còn phải cạnh tranh với các trường khác. Nếu mức học phí và các loại phí khác cao mà không đi kèm với chất lượng thì sớm muộn gì cũng bị đào thải”, ông Bình nhận định.

Ngoài ra, theo ông Bình, khác với trường công lập có nhiệm vụ tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận giáo dục, thì trường ngoài công lập sẽ tạo điều kiện cho người có tài chính khá giả được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt hơn, “xịn” hơn ở góc độ nào đó.

“Điều quan trọng là các khoản thu chi phải được công khai, minh bạch để phụ huynh nắm và quyết định có nên cho theo học hay không. Vì thế, khi phụ huynh chọn trường ngoài công lập, phải yêu cầu trường cung cấp thông tin về chương trình học chính khóa, chương trình học ngoại khóa, các chi phí như cơ sở vật chất, đồng phục, ăn bán trú... Sau đó cân nhắc xem có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình không. Mọi cam kết cho cả năm học phải được thực hiện từ đầu năm, tránh việc đang học trường lại thu thêm khoản khác”, ông Bình bổ sung.

Theo Mỹ Quyên/TNO