Thứ năm, 7/1/2021, 09h53

Đưa truyện tranh Việt lên màn ảnh rộng

Sau Trạng Tí phiêu lưu ký được dựng thành phim chiếu rạp dựa theo bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, nhiều bộ truyện tranh khác đang được xúc tiến đưa lên màn ảnh rộng, như Long thần tướng của nhóm Phong Dương Comics.
Phim Trạng Tí phiêu lưu ký được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt /// Ảnh: ĐPCC
Phim Trạng Tí phiêu lưu ký được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. ẢNH: ĐPCC
Xu hướng được các nhà sản xuất quan tâm
Mới đây, trong buổi ra mắt bộ truyện tranh Lạc trôi dựa trên MV cùng tên có 235 triệu lượt xem trên YouTube của Sơn Tùng M-TP, bà Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc khối kinh doanh của POPS, cho biết ngoài việc có 3 định dạng: truyện tranh giấy, webtoon (truyện tranh kỹ thuật số) và movingtoon (truyện tranh kỹ thuật số có chuyển động và âm thanh), thì bộ truyện tranh gồm 100 chương này có thể sẽ được chuyển thể thành phim điện ảnh. Truyện tranh được chấp bút bởi bộ đôi nổi tiếng trong giới truyện tranh Việt là Nguyễn Huỳnh Bảo Châu (Châu Chặt Chém) và Can Tiểu Hy. Nội dung truyện được phóng tác dựa trên nguyên mẫu nhân vật của nghệ sĩ Sơn Tùng M-TP trong MV Lạc trôi và viết tiếp câu chuyện của vị vương tử trong MV. Những thắc mắc của người hâm mộ bấy lâu nay về quá khứ, tương lai, thăng trầm của chàng vương tử này sẽ được hé lộ. Cái bắt tay của POPS và M-TP Entertainment cũng hứa hẹn nếu được dựng thành phim chiếu rạp thì nhất định vai vị vương tử tóc bạch kim bay bổng trong truyện và MV sẽ do chính Sơn Tùng M-TP đảm nhận, nhằm thu hút người hâm mộ nam ca sĩ này.
Đưa truyện tranh Việt lên màn ảnh rộng - ảnh 1
Tạo hình của Sơn Tùng M-TP từ MV Lạc trôi sang truyện tranh. ẢNH: POPS
Cuối tháng 11.2020, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng công bố dự án phim điện ảnh được thực hiện từ truyện tranh ở sự kiện Vietnam - Japan Comic Fest (Ngày hội truyện tranh Việt Nam - Nhật Bản). Phim có tựa Lê Nhật Lan, tập trung vào nhân vật nữ anh hùng cùng tên trong bộ truyện tranh Long thần tướng của nhóm Phong Dương Comics - từng nhận được giải bạc của International Manga Award. Phim sẽ được làm theo thể loại hành động - lịch sử, lấy bối cảnh triều đại nhà Trần của Việt Nam và sẽ là phim đầu tiên về một nhân vật nữ siêu anh hùng của Việt Nam. Ngô Thanh Vân cho biết đây là dự án quan trọng, được ê kíp làm việc trong hơn một năm qua và sẽ ra mắt sau dự án phim siêu anh hùng Vinaman.
Đáng chú ý là trong sự kiện trao giải cho các họa sĩ thiết kế trang phục Vinaman, Ngô Thanh Vân tiết lộ Vinaman cũng sẽ có truyện tranh riêng để giới thiệu với khán giả về nguồn gốc sức mạnh, thân thế cũng như tạo hình của siêu anh hùng này. Bộ truyện tranh Vinaman sẽ được Studio68 hợp tác cùng ComiCola để xuất bản, ra mắt vào năm 2021 trước khi phim chiếu rạp vào năm 2022.
Từ 10.12.2020 - 4.1.2021, cộng đồng yêu truyện tranh rất bất ngờ khi chứng kiến showcase - triển lãm mô hình và quá trình thực hiện bộ truyện tranh Thị trấn Hoa mười giờ tại Monosketch Art Space (Q.1, TP.HCM). Đây là tác phẩm đầu tay gồm 5 tập của họa sĩ Lê Phan, thuộc thể loại thường nhật (slice of life), hài hước và mang nhiều tính trải nghiệm. Nội dung truyện xoay quanh cuộc sống thường ngày ở thị trấn có tên Hoa mười giờ, mỗi ngày là một chuyến phiêu lưu với những tình huống dở khóc dở cười của bọn trẻ con: Ổi, Cóc, Xoài, Mận... Anh Duy Nguyễn, Giám đốc Công ty phát hành sách Du Bút - đơn vị phát hành bộ truyện Thị trấn Hoa mười giờ, cho biết xu hướng làm phim từ truyện tranh hiện khá sôi động khi nhiều nhà sản xuất đã tìm hiểu, bắt tay làm việc với các công ty, tác giả truyện tranh. Anh nói: “Nếu đủ duyên với những lời mời hợp tác làm phim, chắc chắn chúng tôi sẽ rất hạnh phúc khi những trang truyện tranh tiếp tục trở nên sinh động hơn trên màn ảnh rộng”.
Đưa truyện tranh Việt lên màn ảnh rộng
Truyện tranh Bad luck - Số nhọ sẽ có phiên bản điện ảnh chiếu rạp. ẢNH: CHÂU CHẶT CHÉM
Nhiều thách thức khi chuyển thể
Việc làm phim chuyển thể từ truyện tranh cũng gặp không ít khó khăn bởi với một bộ truyện nổi tiếng thì luôn có lượng độc giả trung thành, nên khi lên phim sẽ dễ có những so sánh khen chê giữa nguyên tác và phim. Sau khi bị một bộ phận khán giả cho rằng đơn vị sản xuất phim Trạng Tí phiêu lưu ký của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vi phạm quyền tác giả của họa sĩ Lê Linh khi chỉ ký hợp đồng với Công ty Phan Thị, bộ phim này lại tiếp tục bị kêu gọi tẩy chay vì khán giả nói nhân vật Tí trong phim khác nhiều so với Tí trong Thần đồng Đất Việt ở phần trang phục (thay đổi mẫu trang trí trên ngực áo) và tính cách. Về bản quyền phim Trạng Tí phiêu lưu ký, giới luật sư đã khẳng định ê kíp làm phim đúng về mặt pháp luật. Nhưng với những thị phi, rắc rối cùng quá nhiều bình luận không hay trên các diễn đàn mạng, phải nói Trạng Tí phiêu lưu ký đang khá bất lợi so với các phim khác trên đường đua phim tết 2021. Phía ê kíp thực hiện Trạng Tí phiêu lưu ký cho rằng phim không thể nào giống hệt truyện vì phim cần phải có đời sống riêng so với truyện, chỉ cố làm sao để giữ tinh thần chính của truyện và đem đến cho khán giả sự bất ngờ.
Làm phim từ truyện tranh còn khá mới mẻ ở nước ta, nhưng tôi nghĩ đây là điều cần phải làm ở hiện tại. Nếu nội dung tốt thì việc chuyển thể thành phim là hoàn toàn hợp lý
Họa sĩ Nguyễn Khánh Dương
Hai năm trước, cộng đồng truyện tranh Việt Nam có dịp “dậy sóng” khi thông tin Bad Luck - Số nhọ của tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu (Châu Chặt Chém) sẽ được chuyển thể thành phim sitcom (hiện đã hoàn thành) và phiên bản điện ảnh. Tuy nhiên đến nay dự án phim chiếu rạp của Bad Luck - Số nhọ vẫn chưa thể hoàn thành vì thay đổi đơn vị sản xuất. Liên lạc với họa sĩ Nguyễn Khánh Dương - người từng sáng lập cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola và hiện là đại diện POPS Comic, anh cho biết: “Bad Luck - Số nhọ vẫn đang hoàn tất các khâu để chờ bấm máy, hiện tại kịch bản đã xong, do Châu Chặt Chém viết và phim sẽ do POPS đầu tư sản xuất. Đã có những ứng viên trong vai trò đạo diễn và chúng tôi sẽ chọn lại, công bố sau với dàn diễn viên. Ngôn ngữ truyện tranh sẽ khác ngôn ngữ điện ảnh, nhưng theo tôi, quan trọng nhất là khi chuyển thể cần phải giữ đúng tinh thần của nguyên tác, bởi nếu tác giả nguyên tác không hài lòng thì fan của truyện cũng sẽ không hứng thú gì để đến rạp xem phim”.
Họa sĩ Nguyễn Khánh Dương nói thêm: “Làm phim từ truyện tranh còn khá mới mẻ ở nước ta, nhưng tôi nghĩ đây là điều cần phải làm ở hiện tại. Nếu nội dung tốt thì việc chuyển thể thành phim là hoàn toàn hợp lý. Đó là cách các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản đã làm và thành công. Chúng ta luôn mong chờ có những bộ phim điện ảnh Việt Nam có nội dung hấp dẫn và thu hút giới trẻ, thì việc chuyển thể từ một bộ truyện tranh ăn khách, đã được các bạn trẻ yêu thích, cá nhân tôi nghĩ đó là bước đi đúng đắn”.
Theo Phan Cao Tùng/TNO