Chủ nhật, 7/11/2021, 14h47

Đừng chọn đại học để “học đại”!

Chọn ngành học phù hợp cần sự nghiêm túc, chỉn chu. Tâm lý chọn đại học để học đại, hay chọn ngành nghề theo “tên nghề” đều sẽ phải “trả giá”.

Đây là lời khuyên được chuyên gia tư vấn đưa đến học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Tỉnh Tây Ninh) trong chương trình hướng nghiệp trực tuyến “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 sáng 7-11.

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Chương trình được tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM (UEF)...

Có tố chất mới theo được nghề

TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) khẳng định, giai đoạn này là thời điểm quan trọng để học sinh THPT định hướng ngành nghề. Theo thống kê, số học sinh sau tốt nghiệp THPT đi làm ngay hàng năm chỉ có 10%. Phần lớn học sinh lớp 12 vẫn mong muốn học tiếp lên đại học với 70%-75% học sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH. Tỷ lệ này tại tỉnh Tây Ninh là 85%.

“Ngay cả đi làm luôn, để có thể đáp ứng được nhu cầu công việc vẫn cần các em có hiểu biết nhất định về ngành nghề. Một số gia đình có điều kiện có xu hướng cho con em đi du học. Xu hướng du học cũng rất đa dạng, nhu du học toàn phần đến du học tại chỗ”.

Riêng thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường công an, quân đội, TS. Nghĩa lưu ý đây là khối trường hàng năm có điểm chuẩn rất cao. Mỗi trường sẽ có một yêu cầu riêng khi sơ tuyển, thí sinh cần phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc xét tuyển. Đặc biệt, khi làm hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nếu có nguyện vọng đăng ký vào quân đội, công an phải xếp các trường này vào nguyện vọng 1.

Trong chương trình, ngành ngôn ngữ, truyền thông là lĩnh vực được học sinh nhà trường quan tâm nhiều. Nguyễn Lê Thanh Hùng, học sinh lớp 10C9 đặt câu hỏi cho các chuyên gia về ngành ngôn ngữ Hàn.


Các chuyên gia tư vấn trong chương trình

ThS. Nguyễn Xuân Luyện (đại diện HUTECH) chia sẻ, trong bối cảnh toàn cầu hoá, khối ngành ngôn đang được chú trọng. Với ngành ngôn ngữ Hàn có nhiều hướng đi thương mại hoặc phiên dịch. Khi theo học, ngoài kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, người hoc sẽ được trang bị thêm kiến thức về văn hoá, chính trị của đất nước đó. “Để theo học khối ngành ngôn ngữ nói chung và ngành ngôn ngữ Hàn, các em phải năng động, có khuynh hướng hướng ngoại, có năng khiếu học ngoại ngữ. Đặc biệt, ngôn ngữ Hàn là loại ngôn ngữ tượng hình, khóhơn so với các ngôn ngữ khác càng đòi hỏi các em sự kiên trì cao hơn...”.  

Đối với khối ngành truyền thông, ThS. Vũ Quốc Huy (UEF) cho hay, đây là ngành học rộng, có rất nhiều lĩnh vực, cơ hội việc làm rộng mở, đa dạng từ vị trí việc làm tại các công ty truyền thông, quảng cáo, biên tập phim, viết kịch bản, phóng viên... Ngành học này đòi hỏi các tố chất như năng khiếu thẩm mỹ, nhạy cảm cái đẹp, tìm tòi cái mới, chịu áp lực công việc. “Theo học ngành truyền thông hay bất cứ ngành nào khác các em cũng cần có yêu tố ngoại ngữ. Kh có ngoại ngữ, cơ hội nghề nghiệp của các em sẽ rộng mở hơn. Tại UEF các ngành học đều giảng dạy 50% bằng tiếng Anh, 50% bằng tiếng Việt, tạo điều kiện cho các em trau dồi thêm ngoại ngữ, thuận lợi hơn cho công việc say này...”.

Chọn đại học đừng “học đại”

Đây là lời khuyên được TS tâm lý Tô Nhi A đưa đến học sinh trong chương trình tư vấn. Cụ thể, TS. A khẳng định, để chọn ngành học phù hợp cần sự nghiêm túc, chỉn chu. Tâm lý chọn đại học để học đại, hay chọn ngành nghề theo “tên nghề” đều sẽ phải “trả giá”.

“Nhiều học sinh thắc mắc rằng, sao em sử dụng nhiều kênh trắc nghiệm nghề nghiệp rồi mà vẫn không biết được ngành nghề nào phù hợp với mình. Đừng chọn đại học để học đại. Trắc nghiệm chỉ là một kênh hỗ trợ, cung cấp cho các em nhiều thông tin nhưng chỉ là thông tin mang tính tình huống. Để chọn được ngành phù hợp các em phải dựa trên năng  lực, đam mê, thị trường lao động”.

Liên quan đến việc sử dụng các kênh trắc nghiêm nghề nghiệp, TS. Tô Nhi A lưu ý, khi có quá nhiều thông tin người học càng cần phải cẩn trọng tìm hiểu thật kỹ. Quan trọng phải hiểu được rằng, làm nhiều trắc nghiệm nhưng nó cung cấp cho bản thân điều gì, chọn lọc được những thông tin gì.

“Chân dung đầy đủ về bản thân khi chọn ngành nghề không chỉ dựa vào các thông tin trắc nghiệm. Danh mục nghề nghiệp có rất nhiều, các em hãy ráp thông tin trắc nghiệm với các thông tin nghề nghiệp. Soi vào năng lực học tập để xem mình có thế mạnh nào, ưu điểm ở tổ hợp nào, kết hợp với nhận xét của những người xung quanh mới ra chân dung đầy đủ về bản thân”, TS. A hướng dẫn.

Ngoài ra, TS. Tô Nhi A cũng khuyên người học khi chọn ngành nghề không nên chọn theo “tên nghề”. Bởi tên nghề sẽ không bảo chứng cho việc ra trường có việc làm hay không. Học ngành nghề nào cũng có thể thất nghiệp và cũng có việc làm. Cạnh đó, phải tìm hiểu thật kỹ về mức học phí khi chọn trường học. Đừng nghĩ rằng cứ trường công lập là học phí thấp.

Yến Hoa