Thứ bảy, 30/11/2019, 19h44

Đừng để nạn nói tục trở thành văn hóa

Ngày xưa, chuyện nói tục chỉ xuất hiện ở những nơi xó xỉnh, nơi chợ búa. Nhưng bây giờ có một số người lại thích dùng đủ thứ ngôn từ xấu xí ấy ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Người lớn dùng trước, thế rồi trẻ em bắt chước dùng theo. Từ nhà ra quán, thậm chí tới cơ quan… ở đâu cũng thấy xuất hiện người nghiện nói tục. Vì sao bệnh nghiện ấy còn tồn tại? Trước hết là do nhận thức của mỗi người. Chính họ chưa nhận ra cái hại “vì vạ tay không cay bằng vạ miệng”. Mặt khác, người nghe ít khi lên án, thường dễ dãi cho qua. Từ đó, người nghiện nói tục lầm tưởng mình là người tinh tường, am hiểu, sành điệu, “biết nói, dám nói” theo kiểu “dân dã” mà kiêu căng tự phụ nói bừa, nói ẩu.

Tiếng Việt rất phong phú và chính xác về đại từ để xưng, để gọi. Khi kính trọng, yêu quý thì gọi là ông bà, anh chị thân mật, khi suồng sã thì anh, em, cậu, tớ, đến khi khinh ghét thì lại gọi thằng, con, lão, mụ... Ấy vậy mà có người cứ mở miệng là đủ thứ bậy bạ “nồi niêu xoong chảo” của đàn bà đều được moi móc tung ra hết. Ngay cả trong đám đông, trong hội họp, người ta cũng cố tình len lỏi đưa vào những lời lẽ ngô nghê tục tĩu. Nói chung, người ta tận dụng mọi trường hợp có thể để khoe “khả năng” biến hóa ngôn từ của mình. Ngay cả một số người có học thức vẫn rất mê và “nghiện” nói tục. Lại có người học đòi “nói chữ” theo kiểu trịch thượng “thằng này về hốc đi”, “con kia về đớp ngay”, hoặc thay vì nói tử tế thì lại nói thô thiển, cục cằn, thay vì nói đứng đắn thân mật, thì lại nói bôi bác, tùy tiện. Người nói trót quen miệng đâu còn biết cái sai, cái dở. Chỉ khổ cho người nghe phải lúng túng thẹn thùng, phải đỏ mặt xấu hổ khi phải đối mặt với mấy vị mắc cái tật nói tục. Vì thế thông qua ngôn ngữ nói để biết người tài, người giỏi, nhưng nói như thế nào cho có văn hóa, có tình, có nghĩa là vấn đề không đơn giản. Vì thế trong cuộc sống đã có thông điệp quá hay rằng: “Kim vàng ai nỡ uốn câu/ Người khôn ai nỡ với nhau nặng lời”.

Thật đáng buồn thay giữa thời hiện đại đi đến đâu cũng nghe thấy người ta tung ra những lời như “đấm vào tai”. Có trách cứ, họ lại biện minh đổ cho dân trí thấp. Cần khẳng định rằng, mặc dù học vấn của dân ta còn thấp nhưng dân trí ta không hề thấp. Vì dân ta không chỉ biết học ở trường mà còn học ở trường đời, học trong thực tế sản xuất và chiến đấu. Từ đó, đối với mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, mọi cương vị đều cần có nhân cách sống và văn hóa giao tiếp không ngừng nâng cao. Trong đó, ngôn ngữ đối thoại hướng vào chức năng trao đổi tâm tư, tình cảm, ý chí… mới là điều quan trọng. Vì vậy, người ta gặp nhau không chỉ sử dụng ngôn ngữ nói giàu hàm lượng thông tin, giàu sức biểu cảm về lời hay, ý đẹp mà còn phải diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết, dễ hiểu với nội dung trong sáng.

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã dạy con cháu “Vàng thì thử lửa thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”; “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Điều đó có nghĩa là trong khi giao tiếp, con người phải biết lựa chọn ngôn từ thể hiện được đầy đủ nội dung, phù hợp với cách giao tiếp có văn hóa trong thời đổi mới. Đây là việc làm không thể xem nhẹ. Vì vậy mọi người cần tự giác chung tay loại trừ “căn bệnh” nghiện nói tục. Đừng để những thứ ngôn từ xấu xí ấy trở thành văn hóa, lúc đó thì nguy to!

Trn Thái Hc