Thứ hai, 1/6/2020, 14h19

Đừng để nghệ sĩ tiếp tục bị tổn thương

Giới nghệ sĩ kỳ vọng nghị định mới sẽ tác động mạnh mẽ đến quy trình xét duyệt, trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT để kết quả của lần trao tặng đợt 10 sắp tới sẽ minh bạch, công tâm

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) mới đây đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ (NĐ 89) quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Giới nghệ sĩ tiếp tục có những ý kiến đóng góp cho nội dung sửa đổi nghị định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhằm tôn vinh giá trị của danh hiệu nhưng tránh làm tổn thương nghệ sĩ sau mỗi lần xét tặng.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

NSND Việt Anh cho rằng Bộ VH-TT-DL cần tổ chức tại nhiều khu vực để nghe tiếng nói của nghệ sĩ, qua đó, cần tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp trong thực tiễn, áp dụng thời gian qua, góp phần tháo gỡ cho bằng được những vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu. "Nghị định được sửa đổi phải bảo đảm tính khách quan, công bằng và tôn vinh giá trị của danh hiệu. Tôi cho rằng thời công nghệ 4.0, mạng xã hội lan rộng khắp toàn cầu, Bộ VH-TT-DL cần mở ra cổng thông tin tiếp nhận ý kiến đóng góp, nhận xét của công dân, họ chính là khán giả am hiểu quá trình phấn đấu, cống hiến của từng nghệ sĩ. Đừng để có quá nhiều NSND mà nhân dân không biết đến như lâu nay, quá nhiều NSƯT mà không có đóng góp gì cho đời sống văn hóa nghệ thuật" - NSND Việt Anh bày tỏ.

Trên thực tế, việc triển khai thực hiện NĐ 89, từ năm 2015 đến nay, vẫn còn quá nhiều vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu mà theo NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, vẫn còn một số quy định chưa phù hợp thực tiễn. "Đơn cử, về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, vì có không ít nghệ sĩ được đào tạo mang tính truyền nghề. Cụ thể với sân khấu cải lương, hát bội, chèo, họ học trong cánh gà, sau bức màn nhung, được thế hệ nghệ sĩ đi trước truyền đạt kinh nghiệm, có nghệ sĩ đi với đoàn từ bé, thì việc chỉ dựa theo bằng cấp ra trường của các trường nghệ thuật chính quy để tính thâm niên là không hợp lý" - ông Giàu nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND cho đạo diễn Trần Minh Ngọc. Ảnh: Thanh Hiệp

Theo NSND Đinh Bằng Phi, tháo gỡ những vướng mắc này sẽ tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ, phần lớn tuổi đời cao, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương và tuồng cổ có cơ hội chạm tay đến danh hiệu. "Cụ thể như ngành hát bội, sau tôi thì cho đến nay, các NSƯT như Ngọc Khanh, Hữu Danh, Ngọc Dung, Kim Thanh, Ngọc Nga... vẫn chưa được xét tặng danh hiệu NSND. Như vậy là quá thiệt thòi" - ông "Vua hát bội" bức xúc.

Trong nghị định sửa đổi nói rõ các nghệ sĩ muốn làm hồ sơ xét danh hiệu NSƯT thì phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên. Riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa có thời gian từ 10 năm trở lên. Tương tự với xét tặng danh hiệu NSND, thời gian tăng lên 20 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Rất nhiều nghệ sĩ sân khấu phía Nam bị vướng rào cản này mà trôi mất cơ hội.

Huy chương - nỗi ám ảnh

Chuyện đong đếm số lượng huy chương, giải thưởng trong mùa xét tặng danh hiệu luôn là chuyện "nóng" nên khi góp ý điều chỉnh dự thảo nghị định lần này đã được nhiều nghệ sĩ uy tín lên tiếng.

NSND Kim Cương cho rằng bà tối kỵ việc tính gộp huy chương. "Có nghệ sĩ chỉ ngồi không, mang danh chỉ huy sản xuất, chỉ đạo nghệ thuật thì cứ 2 huy chương bạc được tính bằng 1 huy chương vàng. Bất công vô cùng và chưa có một quốc gia nào lại xét danh hiệu theo cách tính như thế, làm đau lòng những nghệ sĩ bỏ công sức lao động nên tác phẩm" - kỳ nữ Kim Cương nói.

Theo bà, nên quy định trong tổng số giải thưởng mà nghệ sĩ đạt được phải có ít nhất 1 giải thưởng dành riêng cho cá nhân nghệ sĩ đó khi xét danh hiệu.

Cũng liên quan tới việc đong đếm huy chương trong xét tặng danh hiệu, NSND Trần Minh Ngọc - người nhận danh hiệu NSND năm 2019, mà các thế hệ học trò của ông đều cho rằng "quá muộn đối với thầy chúng tôi" - kiến nghị: "Không thể chỉ dựa theo việc cộng năm tháng sẽ ra NSƯT, cộng tiết mục được vàng, được bạc thì sẽ thành NSND, Bộ VH-TT-DL cần siết chặt các tiêu chí: có sức lan tỏa, có tài năng xuất sắc và cống hiến trong hoạt động nghệ thuật, có công trình mang lại hiệu quả chung cho ngành nghệ thuật... Như thế mới bảo đảm chất lượng danh hiệu, loại dần yếu tố cào bằng trong xét tặng".

Dự thảo lần này cũng đưa ra nội dung xem xét cho đối tượng chưa đủ tiêu chuẩn về huy chương là những nghệ sĩ lão thành, có nhiều đóng góp trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật tại địa phương; các nghệ sĩ là đồng bào dân tộc; nghệ sĩ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống, ít có cơ hội tham gia các liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng tích cực phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật tại địa phương... Về điều này, NSND Thanh Vy cho biết rất nhiều trường hợp bị bỏ quên, như: Nghệ sĩ Bạch Long, Thanh Sơn đào tạo thế hệ đồng ấu nên mới có NSƯT Vũ Luân, Quế Trân, Tú Sương, Tâm Tâm... ngày nay; đạo diễn Vũ Minh, Chánh Trực, Lê Thanh... đào tạo biết bao thế hệ học trò là diễn viên kịch nói giỏi cho sân khấu miền Nam; nhạc sĩ Thanh Dũng, nhạc sĩ Duy Khôi, Duy Khiêm... đào tạo, dìu dắt rất nhiều nhạc công cho các ban cổ nhạc sân khấu cải lương... có cơ hội được xét tặng danh hiệu.

Thay cho việc đong đếm huy chương, các nghệ sĩ có uy tín trong ngành văn hóa nghệ thuật đều tin rằng nghị định sửa đổi lần này sẽ hướng tới vai trò đầu tàu của các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, cụ thể với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, đều có các hội nghệ thuật chuyên ngành. "Các hội này có trách nhiệm báo cáo thành quả lao động sáng tạo, những cống hiến, quá trình phấn đấu của các hội viên được đề cử, từ đó mạnh dạn đề xuất danh hiệu xét tặng" - NSND Trần Minh Ngọc nói.

Giới nghệ sĩ kỳ vọng nghị định mới sẽ tác động mạnh mẽ đến quy trình xét duyệt, trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT để kết quả của lần trao tặng đợt 10 sắp tới sẽ minh bạch, công tâm. Từ đó, tạo động lực cho nghệ sĩ phấn đấu cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Việc được gắn tên mình với danh hiệu thật sự là niềm tự hào thiêng liêng của nghệ sĩ. 

Tăng vai trò hội đồng chuyên ngành

NSND Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT-DL, cho biết để tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ thực sự tài năng, Bộ VH-TT-DL đã bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước. Cụ thể, sẽ xem xét đề nghị bằng văn bản của chủ tịch hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước và bỏ phiếu đối với các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ nhưng chưa đạt tỉ lệ phiếu đồng ý để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO