Thứ tư, 3/8/2022, 13h36

“Em đố thầy cô đánh giá em hạnh kiểm khá?”

Theo sự phân công của hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi (gồm phó hiệu trưởng phụ trách mảng giáo dục đạo đức, đánh giá hạnh kiểm của học sinh; giáo viên chủ nhiệm và bộ phận phụ trách thi đua Đoàn trường) có quyền quyết định, chịu trách nhiệm trong việc xếp loại hạnh kiểm cuối học kỳ, cuối năm học của học sinh. Muốn việc đánh giá được “tâm phục khẩu phục”, ngay từ đầu năm học, chúng tôi lập những tiêu chí thi đua; trong đó có điểm cộng khi làm được việc tốt và điểm trừ khi vi phạm nội quy, vi phạm các quy định khác của nhà trường. Trước khi ban hành chính thức, bản tiêu chí thi đua được gửi tới giáo viên chủ nhiệm để lấy ý kiến của học sinh trong giờ sinh hoạt lớp. Tiếp đó, chúng tôi thu thập các ý kiến và chỉnh sửa nếu thấy phù hợp và chính thức ban hành. Mục đích của bản tiêu chí thi đua là để đánh giá chặt chẽ, khoa học, công bằng, sâu sát, khách quan; không có chuyện thiên vị, bao che, dung túng cho những học sinh vi phạm; vì những vi phạm đều được thể hiện trong sơ kết hàng tuần của lớp, của Đoàn trường. Sự đánh giá, xếp loại hạnh kiểm chính là sự ghi nhận các mặt tốt của những học sinh luôn phấn đấu, có đóng góp cho lớp, cho trường; đồng thời là để nhắc nhở những học sinh còn vi phạm nhiều phải có ý thức vươn lên trong thời gian tới. Có làm được như vậy thì hình ảnh giáo viên chủ nhiệm, thi đua Đoàn trường luôn được học sinh tôn trọng vì cách làm việc khách quan, công bằng.

Nhưng thường vào dịp cuối năm học, chúng tôi không còn là… chúng tôi nữa vì không tự mình quyết định việc xếp loại hạnh kiểm học sinh. Vì thành tích chung của nhà trường, nhằm đảm bảo chỉ tiêu về hạnh kiểm học sinh, hiệu trưởng nhắc nhở, yêu cầu chúng tôi phải xếp loại tốt hết, trừ trường hợp “bất khả kháng” mới để loại khá (mà không có loại khá bao giờ). Thế là công lao theo dõi học sinh cả năm học bỗng chốc thành con số 0. Những học sinh vi phạm nội quy cũng như những học sinh tích cực, đều đạt hạnh kiểm tốt hết! Bi hài hơn là có học sinh ăn cắp điện thoại của bạn chung phòng nội trú ký túc xá (mặc dù đã trả lại bằng tiền) nhưng vẫn đạt… hạnh kiểm tốt. Hơn nữa, mọi người cũng không muốn chúng tôi đánh giá đúng thực chất hạnh kiểm học sinh bởi tỷ lệ thấp, không đạt chỉ tiêu thì ảnh hưởng lớn tới thi đua của trường. Thôi thì “nhắm mắt đưa chân”, cứ suy nghĩ để tự an ủi mình rằng “ra khỏi trường thì cuộc đời sẽ chấm điểm cho các em”. Thành ra, dưới con mắt học sinh, chúng tôi không còn “thiêng” nữa. Học sinh vi phạm cả chục lần, bị viết tự kiểm, vẫn nộp nhưng không tỏ ra sợ hãi, ăn năn gì cả. Vì các em biết rằng: Cuối năm thầy hiệu trưởng sẽ “xí xóa” hết, sẽ “giơ cao đánh khẽ”, không bị loại khá đâu mà đạt loại tốt hết. Thật giống như câu chuyện: “Em đố thầy (cô) cho em lưu ban?”, bây giờ thì thêm vào: “Em đố thầy (cô) đánh giá em hạnh kiểm khá?”.

Bệnh thành tích đã khiến cho mọi người làm những điều giả dối, không trung thực về đánh giá học lực cũng như đánh giá hạnh kiểm của học sinh. Biết là vậy nhưng tại sao chúng ta cứ giả dối mãi từ năm này qua năm khác, từ thập niên này tới thập niên khác. Không những bệnh giả dối vơi dần mà nó càng trầm trọng thêm, làm méo mó, xô lệch bức tranh giáo dục nước nhà.

Lê Trưng Sa